Lục Yên: Chương trình "9 cây, 4 con"
- Cập nhật: Thứ năm, 26/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là huyện có tiềm năng về đất đai, lao động, tài nguyên, lại có tiểu vùng khí hậu thuận lợi và phù hợp với nhiều loại cây con, Huyện ủy-UBND huyện Lục Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xác định 9 loại cây và 4 con vật nuôi chủ lực trong chiến lược xóa đói giảm nghèo…
Thu hoạch lúa cao sản ở Lục Yên.
|
Bằng thực tiễn trong sản xuất, huyện đã xác định 9 loại cây, là: lúa, ngô, lạc, đậu tương, khoai tím, chè chất lượng cao, hồng không hạt, cam quýt và cây nguyên liệu sợi; 4 con vật nuôi, là trâu, bò, lợn, cá. Trên cơ sở xác định tập đoàn cây trồng, vật nuôi chủ lực, huyện tập trung vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, các cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển. Cụ thể, huyện xây dựng chương trình thâm canh lúa cao sản tại xã Mường Lai, Vĩnh Lạc trên diện tích 576 ha và lấy đây là vùng lúa trọng điểm, tiến tới phát triển lúa gạo theo hướng hàng hóa; chú trọng chuyển dịch thời vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển từ tập quán canh tác lúa xuân sớm sang 100% diện tích gieo cấy lúa xuân muộn, bố trí 50% diện tích gieo cấy trà mùa sớm, thu hoạch xong trước 25-9 vừa rải thời vụ, vừa bố trí lao động hợp lý lại có đất cho sản xuất cây vụ đông. Về cơ cấu giống, đưa từ 20% lên 80% diện tích lúa lai, áp dụng bón phân cân đối, nhờ vậy năng suất lúa đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như, năm 2000 năng suất mới chỉ đạt 89 tạ/ha, nay đã nâng gần 100 tạ/ha.
Những năm trước bài toán xóa ruộng một vụ luôn là vấn đề nan giải ở hầu hết các xã, thì nay đã thay vào đó là các thửa ruộng được trồng bằng các loại cây màu chủ lực như ngô, đậu tương, lạc. Lục Yên hôm nay đã là "thủ phủ" của lạc, đỗ tương - hai loại cây này đã có chỗ đứng bền vững trên đồng ruộng và là một nguồn thu không nhỏ trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Năm 2001, sản lượng chỉ đạt trên một ngàn tấn, nay sản lượng đã đạt trên 2.800 tấn, giá trị sản lượng đạt trên 21 tỷ đồng; giá trị thu nhập bình quân trên mỗi ha đất nông nghiệp canh tác đạt 30 triệu đồng, có những cánh đồng đã đạt 45-50 triệu đồng.
Với sự lồng ghép các chương trình, dự án, cùng với sự đầu tư của người dân, sản xuất nông - lâm nghiệp đã cơ bản được cơ giới hóa góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động, giảm giá thành, tăng thu nhập: 65% diện tích gieo cấy lúa nước được cày bừa bằng máy, 100% khâu ra hạt, xay xát, nghiền đối với lúa, ngô, 70% với lạc, đậu tương. Cây hồng không hạt là một loại cây đặc sản, huyện đã có nhiều cơ chế chính sách, vận động nhân dân trồng mới 450 ha, đưa diện tích hồng không hạt cho sản phẩm ổn định từ 142 ha năm 2000 lên 600 ha trong năm 2006. Sản phẩm khoai tím đã có mặt trên hầu hết các thị trường trong và ngoài tỉnh với giá bán 3-4 ngàn đồng/kg, vậy mà vẫn không đáp ứng đủ cho thị trường. Bên cạnh việc phát triển cây lương thực, cây mầu, huyện xác định chăn nuôi đại gia súc là một thế mạnh.
Chương trình “Bình tuyển phục tráng đàn trâu” đã bình tuyển được 3.750 con trâu cái, 150 con trâu đực đạt tiêu chuẩn, tổng đàn từ 19 ngàn con năm 2001 tăng lên trên 23.672 con năm 2006, đồng thời còn góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn phát triển giống trâu tốt. Chương trình chăn nuôi bò theo phương thức bán công nghiệp phát triển rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao. Tỷ trọng chăn nuôi đã đạt mức kỷ lục 25% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp vào năm 2006, chăn nuôi không chỉ lấy sức kéo mà đã thực sự trở thành hàng hóa và là ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Hoàng Văn Thuyên - Phó bí thư Huyện ủy cho biết: “Chương trình “9 cây, 4 con” đã giúp cho Lục Yên đảm bảo được an ninh lương thực, ổn định cuộc sống nhân dân, từng bước xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Nhưng cái được lớn hơn là huyện đã xác định được những giống cây con chủ lực trong tập đoàn cây trồng, vật nuôi, đó là tiền đề để phát triển kinh tế".
Phát huy kết quả đã đạt được, Lục Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 13%/năm và đến năm 2010 xây dựng 1.000 ha lúa đặc sản hàng hóa, vùng ngô ổn định 3.000 ha, 3.000 ha đậu tương, lạc; tổng đàn trâu 25 ngàn con, 8 ngàn con bò và trên 61 ngàn con lợn; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7 triệu đồng/người/năm. Với hướng đi như hiện nay và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cần cù, chịu khó của hàng vạn hộ nông dân Lục Yên, thành công chắc chắn nằm trong tầm tay.
Ngọc Nghiên
Các tin khác
YBĐT - Theo anh Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND phụ trách khối nông lâm nghiệp huyện Văn Chấn thì diện tích ngô toàn huyện Văn Chấn đã ổn định trên 1500 ha. Vụ này có tăng hơn do bà con tận dụng những bãi đất ven đồi, ven suối và nhất là tranh thủ trồng ngô vào những diện tích đất trồng rừng kinh tế mới thu hoạch mà chưa kịp trồng cây vụ kế tiếp hoặc trồng xen vào những khu rừng mới trồng chưa khép tán.
YBĐT - Thực hiện kế hoạch trồng rừng 2007, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ đã thành lập Ban chỉ đạo trồng rừng 2007 do đồng chí Chủ tịch UBND phường làm trưởng ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo.
YBĐT - Cách đây 45 năm, ngày 26/7/1962, Đoạn Quản lý duy tu 3 thuộc Khu tự trị Tây Bắc, tiền thân của Công ty Quản lý xây dựng đường bộ I (QLXDĐBI) ngày nay được thành lập. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, đơn vị đã không ngừng lớn mạnh. Trong thời chiến cũng như thời bình, các thế hệ cán bộ công nhân viên luôn dũng cảm, sáng tạo vượt lên khó khăn thử thách thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2007, các HTX tỉnh Yên Bái đã thu hút trên 39.000 xã viên tham gia, với số vốn điều lệ trên 54 tỷ đồng, nâng tổng vốn hoạt động lên 202 tỷ đồng.