Hồ Thác Bà được hình thành khi nhà nước xây dựng công trình thủy điện Thác Bà vào năm 1970. Với diện tích 23.400 ha, chiều dài 80 km và mực nước dao động từ cốt 46 đến cốt 60, hồ chứa từ 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước, tạo ra tiềm năng lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương.
Vùng hồ Thác Bà có khoảng 24 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Lục Yên và Yên Bình - nơi người dân đã rời bỏ làng quê yêu dấu bao đời để nhường đất cho lòng hồ thủy điện. Từ đó, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản tự nhiên trở thành nghề mưu sinh chính của nhiều người dân ven hồ và hồ từng là nơi có nguồn lợi thủy sản phong phú với 130 loài cá tự nhiên như: trắm, trôi, chép, mè, măng, mương, thiểu, ngão, quả, chiên, vền, rô phi...
Những người dân gắn bó lâu năm với vùng hồ kể lại rằng, trong những năm 70 - 80 của thế kỷ trước luôn là cảnh tượng các ngư dân dong thuyền ra hồ vào chiều muộn, sáng hôm sau trở về đầy ắp cá tôm. Sản lượng thủy sản đánh bắt hàng năm không chỉ đủ cung cấp cho người dân trong tỉnh mà còn đem sang các tỉnh lân cận; thậm chí về cả Hà Nội. Hình ảnh đẹp về những tháng năm ngập tràn cá tôm giờ chỉ còn là trong ký ức và qua lời kể của các ngư dân cao niên.
Ông Nguyễn Văn Quyền - một ngư dân gắn bó với nghề đánh bắt gần 30 năm cho hay: "Trước đây, tôi có thể đánh bắt được vài chục ki - lô - gam cá trong một buổi. Nhưng giờ đây, mỗi buổi chỉ đánh được rất ít. Những năm gần đây, chúng tôi thấy rõ sự cạn kiệt của nguồn tôm cá. Đánh bắt bây giờ ngày càng khó khăn nên có khi cả ngày cũng không đủ cá để bán”.
Bà Trần Thị Liên - một người dân ở thị trấn Yên Bình cũng chia sẻ: "Nghề đánh bắt đã nuôi sống nhiều người dân vùng hồ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôm cá dần cạn kiệt, thuyền bè đánh bắt tự nhiên cũng vắng bóng”.
Theo các ngư dân quanh hồ, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là hoạt động khai thác thủy sản không kiểm soát. Người dân vẫn sử dụng các ngư cụ truyền thống, nhưng đồng thời cũng còn tình trạng khai thác bằng các phương pháp hủy diệt như kích điện, lưới mắt nhỏ và vó đèn, gây mất cân bằng sinh học và ảnh hưởng đến khả năng tái tạo của nguồn lợi thủy sản.
Trước thực trạng này, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh đã nhanh chóng triển khai các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Chính quyền địa phương các xã ven hồ đã vận động và cưỡng chế tháo dỡ lưới vó bè mắt nhỏ. Đồng thời, họ kêu gọi người dân ký cam kết không sử dụng chất thuốc nổ, kích điện và các hình thức khai thác hủy diệt khác.
Đặc biệt, nhằm bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, tỉnh đã duy trì thực hiện chính sách thả cá bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà. Song song với đó, các địa phương đã vận dụng các chủ trương, chính sách, nghị quyết của huyện, tỉnh và trung ương để giúp người dân phát triển chăn nuôi thủy sản trên hồ.
Ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Hằng năm, huyện phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh thả bổ sung nguồn lợi thủy sản với mục tiêu đa dạng hóa các loài thủy sản, bảo đảm môi trường sinh thái và tạo nguồn cho người dân sống bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản hợp pháp. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp và hợp tác xã cùng hơn 300 hộ dân nuôi cá lồng và cá quây lưới, với tổng sản lượng thủy sản trung bình ước đạt hơn 9.000 tấn/năm. Các hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân”.
Mặc dù công tác quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản tự nhiên trên vùng hồ tuy đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, song do lực lượng tham gia còn mỏng, nguồn lực duy trì hoạt động còn hạn chế, đặc biệt tình trạng người dân chưa chấp hành tốt các quy định về khai thác đánh bắt, sử dụng các ngư cụ và hình thức đánh bắt chưa đúng với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, do điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế, nên hằng năm quy mô, khối lượng thả bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản không lớn (chỉ dao động từ 4 - 6 tấn cá giống các loại); trong khi, các nguồn lực xã hội hóa thả cá bổ sung còn ít được quan tâm.
Điều này, dẫn đến nguy cơ suy giảm về nguồn lợi thủy sản và gián tiếp ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân sinh sống tại các xã ven hồ Thác Bà. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa và tăng cường các biện pháp quản lý là vô cùng cần thiết. Mới đây, được sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Việt Nam đã thực hiện phương án thả cá giống phát triển vùng nguyên liệu gắn với bảo vệ, khai thác và liên kết tiêu thụ thủy sản tại hồ Thác Bà.
Với các biện pháp đồng bộ và sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền và doanh nghiệp, hy vọng rằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tại hồ Thác Bà sẽ phục hồi và phát triển bền vững. Những ngọn sóng của hồ sẽ lại vỗ về ngư dân, cá, tôm hồ Thác Bà sẽ mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hàng nghìn người dân ven hồ.
Ông Quách Mạnh Long - Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ: "Chúng tôi đã dành gần 2 năm nghiên cứu hồ Thác Bà và nhận thấy nơi đây có tiềm năng rất tốt để phát triển thủy sản. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ thả khoảng 1.000 tấn cá giống/năm trong vùng lòng hồ. Đồng thời, sẽ thành lập các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các thôn, xã vùng ven hồ Thác Bà. Người dân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Họ không chỉ được hưởng lợi từ việc thả cá, mà còn nhận được sự hỗ trợ từ Công ty về ngư cụ và bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi dự kiến, mỗi năm sẽ trích khoảng 30 tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế cho khoảng 500 - 600 hộ dân”. |
Văn Thông