Đội văn nghệ thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi được thành lập từ năm 2022 với hơn 10 thành viên tham gia. Theo chính sách của Nghị quyết 10, được nhận 60 triệu đồng kinh phí hỗ trợ thành lập mới đội văn nghệ quần chúng, Đội có thêm điều kiện duy trì hoạt động biểu diễn phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng, góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Anh Lý Kim Phúc - Đội trưởng Đội văn nghệ thôn 2 Túc chia sẻ: "Sự hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì hoạt động đã tạo động lực cho các thành viên trong Đội văn nghệ tích cực hăng hái tham gia tập luyện và có thêm kinh phí để mua sắm các trang thiết bị tăng âm, loa đài, trang phục dân tộc, đạo cụ… để biểu diễn phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại địa phương. Hàng năm, mỗi khi có các sự kiện của tỉnh, của huyện, đội văn nghệ chúng tôi cũng thường xuyên tham gia giao lưu biểu diễn, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Dao đỏ”.
Cũng như đội văn nghệ thôn 2 Túc, Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm ở thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi do bà Triệu Thị Nhậy làm tổ trưởng cũng đã được nhận nguồn kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng, giúp cho các thành viên trong Tổ mua sắm nguyên vật liệu, dụng cụ thêu, dệt các mặt hàng thổ cẩm.
"Người dân tộc Dao đỏ không thể thiếu các trang phục truyền thống nên tôi vẫn luôn duy trì làm nghề này đã mấy chục năm nay rồi với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống. Sự hỗ trợ của Nhà nước đã giúp Tổ hợp tác có thêm kinh phí để trang bị những đồ dùng cần thiết như: tủ đựng quần áo, vật tư, phụ kiện… phục vụ thêu, dệt các sản phẩm thổ cẩm phục vụ du khách trải nghiệm. Đồng thời, giúp Tổ hợp tác tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm để du khách trong và ngoài nước biết đến, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các chị em thành viên trong tổ” – bà Nhậy phấn khởi cho biết.
Xã Phúc Lợi hiện có 2 đội văn nghệ đang được hưởng chính sách thành lập mới theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh với mức hỗ trợ 60 triệu đồng một đội và hỗ trợ duy trì hoạt động mỗi đội 3 triệu đồng/năm; tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm hưởng hỗ trợ 20 triệu đồng.
Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi cho hay, sau khi được hỗ trợ, các đội văn nghệ đã có điều kiện để tổ chức tập luyện, dàn dựng các tiết mục, chương trình chất lượng hơn, nhiều tiết mục đặc sắc tái hiện lại các nghi lễ truyền thống của người Dao như: Lễ hội Cầu mùa, Cấp sắc, nhảy lửa… phục vụ các đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương và phục vụ các hoạt động du lịch do huyện tổ chức, góp phần quảng bá hình ảnh, nét văn hóa đặc trưng của người Dao tới du khách thập phương.
Tại xã Mường Lai, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc được chính quyền triển khai tới các chủ thể hưởng lợi, đặc biệt là việc bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Tày đã và đang duy trì và phát huy hiệu quả. Trong đó, xã đang duy trì một đội văn nghệ dân gian của phụ nữ; tổ chức mở lớp truyền dạy hát Khắp Coọi.
Là một trong những người có niềm đam mê với văn hóa dân tộc Tày, đặc biệt là hát Khắp Coọi, trong những năm qua, Nghệ nhân ưu tú
Hoàng Quang Nhạn đã sưu tầm khoảng 350 bài Khắp Coọi, trên 300 bài hát ví quan làng (những bài được hát trong đám cưới truyền thống của dân tộc Tày) và rất nhiều làn điệu múa truyền thống như: làn điệu múa dăng mạ, dậm thuông, luận bụt…, góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa, xây dựng, củng cố và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương.
"Thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo động lực giúp tôi tiếp tục truyền cho thế hệ trẻ niềm đam mê văn hoá dân tộc Tày, đặc biệt là việc mở các lớp truyền dạy Khắp Coọi nhằm giữ cho bản sắc văn hóa dân tộc mình không bị mai một” - Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn chia sẻ.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 10, huyện Lục Yên đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Các địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn triển khai chính sách đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; tổ chức rà soát, lựa chọn để lập hồ sơ đối với các đối tượng có nhu cầu hưởng hỗ trợ và đủ điều kiện theo quy định.
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay huyện Lục Yên đã thực hiện được 3/11 chính sách. Đó là, hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng; hỗ trợ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể; hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch với tổng kinh phí đã hỗ trợ 844 triệu đồng, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương. Năm 2024, huyện đã đón trên 106 nghìn lượt du khách, trong đó khách quốc tế 30 nghìn lượt; doanh thu đạt 95,5 tỷ đồng.
Đặc biệt trong năm 2024, UBND huyện Lục Yên đã đề nghị tỉnh lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa "Nghệ thuật trình diễn dân gian Khắp Coọi của người Tày huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 12/2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3988/QĐ-BVHTTDL chinh thức đưa Nghệ thuật trình diễn dân gian, Nghệ thuật Khắp Coọi của người Tày huyện Lục Yên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái vào Danh mục
Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
"Việc triển khai các chính sách theo Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện, đặc biệt là chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng; hỗ trợ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân, thu hút đông đảo con em đồng bào dân tộc thiểu số hào hứng tham gia.
Các đội văn nghệ được thành lập đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào văn hoá, văn nghệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn và thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến vùng đất Ngọc Lục Yên” - khẳng định của bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên.
Đức Toàn