Xác định sản xuất nông nghiệp là kinh tế chính, chủ lực của đại bộ phận người dân trên địa bàn huyện, ngay sau khi bão đi qua, chính quyền các địa phương cùng ngành nông nghiệp đã dốc toàn lực và quyết tâm để hồi phục sản xuất, ứng với từng giai đoạn, thời điểm, đồng đất và từng loại cây trồng, đặc biệt chú trọng đến những cây trồng trọng điểm, chủ lực như rau màu, dâu tằm, quế...
Với tinh thần khôi phục nhanh, khẩn trương, địa phương đã có những giải pháp kịp thời, linh hoạt, quyết tâm đạt tối đa về diện tích sản xuất nông nghiệp nhằm bù đắp những thiệt hại và tăng thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân. Chính sách và các nguồn lực hỗ trợ đến kịp thời; lãnh đạo địa phương quyết liệt trong chỉ đạo; cán bộ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp phối hợp với ngành khoa học nêu cao tinh thần trách nhiệm; bà con nông dân, nhất là hội viên các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tinh thần vươn lên trong gian khó của mỗi người. Cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm đồng lòng hưởng ứng của bà con nông dân và sự chung sức của cộng đồng đã giúp sản xuất nông nghiệp của huyện Trấn Yên phục hồi nhanh chóng.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp cùng các xã tổ chức phát triển các chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi đồng thời cung cấp vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người dân có thể khôi phục sản xuất sớm nhất”.
Rau màu vụ đông xanh đồng đất xã Thành Thịnh.
Để đồng đất Trấn Yên có được màu xanh như ngày hôm nay, bên cạnh sự hỗ trợ từ chính quyền, ngành chuyên môn chính là sự nỗ lực không mệt mỏi của bà con nông dân. Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Minh Tiến, thôn Hồng Tiến, xã Y Can có gần 30 thành viên, canh tác 5 ha rau màu, trong đó có hệ thống khung mái che nhà lưới trồng rau công nghệ cao. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 nên toàn bộ diện tích rau đang chuẩn bị thu hoạch bị bồi lấp, nhà mái che bị sập đổ hoàn toàn, thiệt hại ước tính trên 2 tỷ đồng.
Sau khi nước rút, HTX đã huy động tối đa nhân công, phương tiện, máy móc thiết bị khắc phục hậu quả, cải tạo đất, lựa chọn các giống rau ngắn ngày phù hợp để gieo trồng. Đến nay, cơ bản diện tích canh tác của HTX đã phủ kín màu xanh các loại rau như: bắp cải, cải ngồng, cải ngọt, cà chua…
Bà Nguyễn Thị Mến - Giám đốc HTX Rau an toàn Minh Tiến chia sẻ: "Hiện tại, HTX vừa sản xuất vừa sửa chữa lại nhà lưới để chủ động được nguồn cung rau, củ, quả phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới. Nhà lưới có bảo đảm thì mới duy trì được chất lượng nông sản và còn bảo đảm lượng hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp bà con xã viên yên tâm sản xuất, tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Ông Lê Văn Dần ở thôn Đồng Trạng, xã Báo Đáp cho biết: "Sau bão, gia đình tôi gần như mất trắng mùa vụ. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, chúng tôi đã có thể tái sản xuất ngay. Hiện nay, cánh đồng rau, ngô, dâu tằm của chúng tôi đã được phục hồi và xanh tươi trở lại”.
Với những cố gắng, tích cực và chủ động, đến nay, huyện Trấn Yên đã thực hiện sản xuất cây vụ đông với diện tích trên 1.000 ha. Trong đó, trồng cây ngô đông trên 535 ha, rau màu các loại 530 ha và trồng lại hoàn thành 100 ha dâu bị chết.
Nhìn lại quá trình phục hồi sản xuất nông nghiệp, huyện Trấn Yên đã chứng minh được sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần không chịu khuất phục trước khó khăn của người dân. Phục hồi nhanh chóng các diện tích sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp người dân vượt qua khó khăn mà còn mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp Trấn Yên. Từ đồng đất xã Nga Quán, Thành Thịnh, Báo Đáp đến Y Can, Quy Mông… với một màu xanh mướt của rau màu, ngô đông và dâu tằm đã phủ kín. Tinh thần, ý chí khôi phục sản xuất của Trấn Yên là minh chứng cho sự kiên cường, đoàn kết và quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Huyện đã tiếp nhận và hỗ trợ từ các nguồn hỗ trợ: giống ngô 10.075 kg, giống rau đậu các loại 784 kg và 302 tấn phân bón. Huyện cũng đã tiếp nhận cây dâu giống từ Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương là 423.000 cây, trồng 15,1 ha; hỗ trợ hom giống S7 của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái là 40 tấn, trồng 16 ha; nhân dân tự trồng lại diện tích bị thiệt hại gần 70 ha bằng hom tại địa phương.
|
Hồng Duyên