Chiến lược 4.0 ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/1/2025 | 8:22:50 AM

YênBái - Triển khai Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030, tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, tận dụng tốt cơ hội, vượt qua các thách thức, dần thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh trong khu vực.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh mời chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thanh niên Yên Bái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh mời chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thanh niên Yên Bái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.


Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Trong đó, sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá như: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, Internet, công nghệ số và công nghệ sinh học… dần tạo nên sự biến đổi mang tính cách mạng, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. 

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của các công nghệ này trong thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh, Yên Bái đã nhanh chóng tiến hành lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0 vào các mục tiêu, nhiệm vụ trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh. 

Từ năm 2020 đến nay, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành 8 nghị quyết, chương trình hành động; HĐND tỉnh ban hành 8 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 20 quyết định, chỉ thị, kế hoạch, bảo đảm thực hiện các định hướng trọng tâm của Chiến lược. Trong đó, tập trung xây dựng các nghị quyết, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp ở mức tốt nhất. 

Nổi bật là việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ với mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí thực hiện dự án cải tiến công nghệ quản lý tiên tiến; hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới…
 
Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cũng được ban hành và triển khai, từng bước tạo lập môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương. 3 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập gồm: Tổ tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp nhằm tư vấn, hỗ trợ, tạo môi trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệp, môi trường kết nối với các nhà tư vấn, đầu tư, doanh nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. 


Trung tâm điều khiển xa thuộc Công ty Điện lực tỉnh ứng dụng 100% công nghệ số, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp triển khai ứng dụng công cụ AI vào các hoạt động kinh doanh, marketing theo chương trình thí điểm triển khai mô hình "Bình dân học AI” trên địa bàn tỉnh; tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng một số giải pháp công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tìm kiếm khách hàng mục tiêu, giới thiệu quảng bá về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp… 

Điển hình như việc triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc thông minh đối với sản phẩm nông sản chè Shan tuyết Suối Giàng và bưởi Đại Minh đã cho thấy hiệu quả rõ nét trong hoạt động bảo vệ uy tín, thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm. 

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình cho biết: "Nhờ gắn mã truy xuất, giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh quét mã truy xuất QR là có thể dễ dàng tra cứu được thông tin về cả cây bưởi và quả bưởi.  Điều này không những góp phần bảo vệ, nâng cao giá trị  đặc sản bưởi Đại Minh mà còn tạo điểm nhấn thú vị, thu hút du khách đến với những vườn bưởi tại xã thông qua việc trực tiếp truy xuất thông tin, ghi hình, tìm những sản phẩm quả bưởi theo từng độ tuổi của cây”.

Khai thác, ứng dụng mạnh mẽ Internet vạn vật IoT, Big Data - 2 trong 3 công nghệ trụ cột xây dựng nên thời đại 4.0, Yên Bái đã và đang phát triển, từng bước hoàn thiện hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác dữ liệu. Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái” đã được đầu tư với các hạng mục: Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử, hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh; nâng cấp thư điện tử; triển khai mạng số liệu chuyên dùng; lắp đặt hệ thống camera giám sát; xây dựng Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái… 

Hệ thống dùng chung của tỉnh được triển khai kết nối liên thông 4 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và với Trung ương. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí. Tiêu biểu như: Nền tảng quản lý văn bản và điều hành tỉnh, Hệ thống thư điện tử công vụ, Cổng Dịch vụ công tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. 

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cũng được triển khai tới 210 điểm cầu, kết nối từ tỉnh đến huyện và 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; 100% cơ quan Nhà nước đã có hệ thống mạng nội bộ và kết nối Internet băng thông rộng; 98,5% số thôn, bản được phủ sóng mạng 4G; mạng 5G được duy trì thử nghiệm tại nhiều khu vực…

Rõ ràng, mô hình đô thị thông minh của tỉnh đã phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, góp phần đưa Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh tăng dần qua các năm. Từ năm 2021 - 2023, Chỉ số cải cách hành chính của Yên Bái luôn duy trì ở vị trí 5/14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành vào năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành, tăng 8 bậc so với năm 2022. Yên Bái cũng đã xây dựng được một số mô hình ứng dụng công nghệ số: homestay số, chợ 4.0, ứng dụng Công dân số tỉnh Yên Bái (YenBai-S)… đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được khẳng định sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới song đòi hỏi cần có nguồn nhân lực đủ tri thức để vận hành. Vì thế, bên cạnh việc khai thác, tiếp cận, ứng dụng hiệu quả những công nghệ Công nghiệp 4.0 đem lại, tỉnh Yên Bái còn chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho kỷ nguyên 4.0 này. 

Theo đó, từ nhiều năm nay, tỉnh đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương thức giảng dạy theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, xây dựng các mô hình giáo dục 4.0 theo kịp xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế, liên kết đào tạo những lĩnh vực mà xã hội, doanh nghiệp cần. 

Giai đoạn 2021 - 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt xây dựng đầu tư 17 ngành nghề trọng điểm, gồm 2 nghề trọng điểm quốc tế, 3 nghề trọng điểm ASEAN, 12 nghề trọng điểm quốc gia. Hiện nay, Yên Bái đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Thái Nguyên và 7 trường đại học kỹ thuật trọng điểm về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… 

Hàng năm, tỉnh cũng chủ động tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề về chuyển đổi số cho cán bộ, viên chức, thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động chuyên môn, sinh hoạt cộng đồng.

Nhiều năm triển khai Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, từ một tỉnh miền núi khó khăn, Yên Bái đã chủ động khai thác các cơ hội mà 4.0 mang lại để vươn mình mạnh mẽ. Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số đều đang dần hiện hữu rõ nét và cụ thể, góp phần giúp Yên Bái sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025, nằm trong nhóm tỉnh hàng đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính của tỉnh Yên Bái có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử....

Hoài Anh

Tags Yên Bái công nghiệp 4.0 doanh nghiệp

Các tin khác
Sản phẩm bưởi đặc sản Đại Minh được hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên nền tảng số.

Nông thôn mới (NTM) thông minh là đưa ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) phủ khắp mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mang lại những giá trị thực chất, nhiều tiện ích cho xã, thôn, xóm từ việc lắp các camera an ninh trên các đường làng ngõ xóm, ứng dụng Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo vào điều khiển sản xuất nông nghiệp và mọi mặt trong đời sống nông thôn những vấn đề mới như: ứng dụng CĐS trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn; vấn đề kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX), cơ giới hóa đồng bộ, vấn đề quản lý chất lượng nông sản…

Đại biểu trải nghiệm không gian số của Viettel Sơn La.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Người dân thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên sử dụng các tiện ích trên điện thoại thông minh.

Hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) không còn xa lạ với mọi người. Không riêng khu vực đô thị, CĐS đã và đang len lỏi tới từng thôn bản, tổ dân phố, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, từng bước hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh, thôn nông thôn mới thông minh, tổ dân phố số.

Cửa sổ xác nhận ứng dụng chính thống của Chính phủ trên Google Play Store.

Tính năng mới trên Google Play Store giúp người dùng dễ dàng nhận diện ứng dụng của Chính phủ, tránh tình trạng bị lừa cài app giả mạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục