Vượt khó để phát triển chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/12/2024 | 1:59:50 PM

YênBái - Vượt qua nhiều rào cản về thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là thiệt hại về gia súc, gia cầm trong cơn bão số 3 (Yagi), với nỗ lực của ngành chức năng, chính quyền địa phương và sự kiên trì của người dân, ngành chăn nuôi Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn người dân  khử trùng chuồng trại, sử dụng vắc xin phòng bệnh cho đàn  gia cầm.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn người dân khử trùng chuồng trại, sử dụng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm.


Năm 2024, ngành chăn nuôi tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn khi một số thời điểm giá các sản phẩm chăn nuôi bán ra thấp; chi phí chăn nuôi ở mức cao; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, cơn bão số 3 (yagi) đã gây ra thiệt hại lớn về tài sản và sản xuất nông nghiệp tỉnh Yên Bái; trong đó, ngành chăn nuôi không phải là ngoại lệ. Nhiều hộ chăn nuôi đã phải chứng kiến gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của họ. 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cơn bão số 3 đã khiến gần 9.000 con gia súc và hơn 350.000 con gia cầm trên địa bàn tỉnh bị chết do ngập lụt và lũ cuốn trôi, tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Nông dân tại một số địa phương vùng lũ: Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái đã phải đối mặt với những khó khăn kép vừa phải khắc phục hậu quả bão lũ vừa tìm cách duy trì hoạt động chăn nuôi. Trong bối cảnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm khôi phục ngành chăn nuôi. 

Ông Ninh Trần Phương  - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Để khôi phục chăn nuôi sau bão, chúng tôi phối hợp với các địa phương chỉ đạo, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hiện đồng bộ các biện pháp khôi phục về tái đàn, vệ sinh môi trường và quản lý vật nuôi. Theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh; sử dụng các nguồn kinh phí được hỗ trợ và từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn kinh phí khác để tái đàn. Cùng với đó, Chi cục cùng các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung an toàn dịch bệnh”. 

Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính quyền, tinh thần vượt khó của người dân và các chủ trang trại chăn nuôi cũng là một yếu tố quan trọng giúp ngành chăn nuôi duy trì đà phát triển. Điển hình như Trung tâm Sản xuất nông nghiệp trực thuộc Công ty TNHH Tổng Công ty Hòa Bình Minh ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, bão số 3 đã xóa sổ toàn bộ trang trại lợn 5.000 con, ước thiệt hại gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực khắc phục hậu quả và sự hỗ trợ cần thiết cho việc tái đàn, đến nay, Công ty đã phục hồi trên 80% công suất chăn nuôi so với trước lũ. 

Những nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống, ngành chăn nuôi Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tỷ lệ gia súc, gia cầm hồi phục và tăng trưởng ổn định. Đến nay, đàn lợn khôi phục được 11.936 con/kế hoạch khôi phục 10.558 con, đạt 113% kế hoạch khôi phục; đàn gia cầm khôi phục được 511.785 con/ kế hoạch khôi phục 424.629 con, đạt 120,5% kế hoạch; đàn trâu, bò đã phát triển được 600 con/21 con bị thiệt hại, đạt 2.857,1% so với số thiệt hại. 

Mặc dù đã có mức tăng trưởng khá, nhưng theo nhìn nhận tổng thể năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chăn nuôi còn thấp; dịch bệnh vẫn xảy ra trên đàn gia súc gây ảnh hưởng đến phát triển ngành chăn nuôi. Để chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu chăn nuôi thực chất là sắp xếp, tổ chức lại ngành chăn nuôi một cách khoa học nhằm phát huy lợi thế những sản phẩm chăn nuôi đặc trưng, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. 

Trong đó, ngành chăn nuôi cần tập trung thực hiện hiện tái cơ cấu phương thức tổ chức sản xuất, tăng tỷ trọng chăn nuôi hàng hóa theo phương thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tiếp tục tái cơ cấu về vật nuôi; trong đó, khuyến khích phát triển những loại vật nuôi có lợi thế, đồng thời  thực hiện tái cơ cấu về vùng chăn nuôi, căn cứ vào điều kiện thực tế, lợi thế so sánh giữa các khu vực trong tỉnh, và đặc điểm của từng loài vật nuôi, quy hoạch các vùng chăn nuôi; đồng thời, tập trung tái cơ cấu về đầu tư phát triển, tăng tỷ trọng vốn cho giống, chế biến giết mổ, xử lý môi trường. Đây là những tiền đề quan trọng để chăn nuôi phát triển bền vững.
Lĩnh vực chăn nuôi đã hoàn thành phương án khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của bão số 3 và đến nay, tổng đàn gia súc chính trên địa bàn tỉnh ước đạt 891.567 con, đạt 102,2% kế hoạch năm 2024 (đàn trâu 99.903 con, đàn bò 45.099 con, đàn lợn 746.565 con); tổng đàn gia cầm ước đạt 7.869.125 con, đạt 104% kế hoạch năm 2024; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 81.409 tấn đạt 108,5 % kế hoạch; trong đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt 62.964 tấn, đạt 108,5% kế hoạch năm 2024.
Văn Thông

Tags Yên Bái chăn nuôi gia súc gia cầm chăn nuôi thú y sản lượng thịt hơi tái đàn vật nuôi chế biến giết mổ

Các tin khác
Nông dân xã Báo Đáp ươm cây quế giống.

Khai thác tiềm năng và thế mạnh, triển khai đồng bộ và đa dạng, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, tạo sản phẩm hàng hóa, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã thiết thực nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản xuất chế biến gỗ rừng trồng tại Công ty TNHH Plywood Ngành gỗ Sâm Duệ Việt Nam, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tập trung các giải pháp cho giai đoạn “nước rút”, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Máy bay của hãng Jeju Air.

Ngày 30/12, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng không sau hàng loạt vụ tai nạn máy bay liên tiếp xảy ra trên thế giới mấy ngày qua, trước thềm cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến rất gần.

Ảnh minh họa.

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ có 8 trạm dừng nghỉ tạm được đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục