Trấn Yên: Để chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn
- Cập nhật: Thứ ba, 14/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là huyện thuần nông, ngoài lúa là cây kinh tế chủ lực, những năm gần đây huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã chú trọng đầu tư phát triển, nâng cao diện tích cũng như giá trị kinh tế của cây chè. Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ 19 xác định: chè không chỉ là cây kinh tế mũi nhọn mà còn là cây thoát nghèo, cây làm giàu của người dân trong huyện.
Đến năm 2010, Trấn Yên chủ trương trồng mới và trồng cải tạo trên 500 ha chè bằng giống chất lượng cao.
|
Hiện nay, huyện Trấn Yên có gần 2.700 ha chè, trong đó chè kinh doanh là 2.411 ha, diện tích còn lại là chè kiến thiết cơ bản. Năng suất bình quân đạt trên dưới 6 tấn/ha, 6 tháng đầu năm 2007, các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện đã thu mua được gần 6.300 tấn chè nguyên liệu; chế biến được 1.250 tấn chè thành phẩm, trong đó sản lượng chè chất lượng cao đạt trên 110 tấn.
Xác định để chè thực sự trở thành cây kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và là cây xoá nghèo cho người dân. Đi đôi với việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, bước vào niên vụ chè 2007, huyện Trấn Yên đã tổ chức mở các hội nghị bàn giải pháp phát triển và nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh chè với nhiều địa phương trong vùng nguyên liệu và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chè đóng tại địa bàn. Đồng thời huyện tích cực chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch Đề án cải tạo, trồng mới chè bằng giống chất lượng cao trong năm 2007.
Theo bà Nguyễn Thị Huấn – Chủ tịch UBND huyện cho biết, nguyên nhân khiến các sản phẩm chè nói chung và chè chất lượng cao của huyện chưa vượt ra khỏi thị trường tiêu thụ nội tỉnh, giá trị cạnh tranh thấp là bởi phần nhiều các sản phẩm chè hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và các bạn hàng trong và ngoài nước. Diện tích chè lớn nhưng chủ yếu là giống chè cũ (chè trung du), năng suất, chất lượng sản phẩm thấp; vùng chè chất lượng cao, chủ yếu là chè Bát Tiên đã và đang định hình thành vùng nguyên liệu tập trung nhưng chưa đủ lớn; việc quy hoạch, mở rộng quy mô hoạt động chế biến, bao tiêu cho loại sản phẩm này còn rất nhỏ lẻ, manh mún, chưa tìm được những thị trường tiềm năng mà chủ yếu vẫn chỉ là tiêu thụ nội tỉnh… vẫn đang là những khó khăn cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn.
Nhìn nhận đúng những mặt tồn tại, hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh chè của địa phương cũng như những khó khăn mà ngành chè Yên Bái đang phải đối mặt, ngay từ cuối năm 2005, huyện Trấn Yên đã xây dựng và triển khai thực hiện thành công Đề án cải tạo và trồng mới chè bằng giống chất lượng cao. Tính đến hết năm 2006, toàn huyện đã trồng mới và trồng cải tạo thay thế được gần 300 ha chè hoàn toàn bằng giống chất lượng cao Bát Tiên và Phúc Vân Tiên tại 20/29 xã, thị trấn, trong đó trên 50 ha đã và đang bước vào chu kỳ thu hái. Với giá trị kinh tế cao hơn hẳn giống chè cũ, các giống chè mới nhập nội ở Trấn Yên đang dần khẳng định được hiệu quả kinh tế, tạo niềm tin cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Qua khảo sát, đến năm 2010, Trấn Yên sẽ phải cải tạo và trồng mới trên 500 ha chè. Riêng năm 2007, huyện đề ra kế hoạch trồng mới 100 ha bằng giống nhập nội Bát Tiên, tập trung chủ yếu ở 10 xã trong vùng chè. Đến thời điểm này các hộ trồng chè trong huyện đã đăng ký trồng 84 ha, trong đó đã thẩm định được gần 80 ha đủ điều kiện để cải tạo và trồng mới trong năm 2007. Để tạo thuận lợi, đồng thời tháo gỡ khó khăn về vốn ban đầu cho các hộ tham gia chương trình, cùng với chính sách hỗ trợ đầu tư 6 triệu đồng/ha chè trồng mới bằng giống chất lượng cao của tỉnh, ban quản lý chương trình chè của huyện đã cam kết với các chủ vườn ươm trên địa bàn cung ứng giống theo phương thức chậm trả sau khi các hộ đã nghiệm thu cây giống đảm bảo chất lượng. Các giải pháp về quy hoạch đất đai, kỹ thuật cũng được huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ tham gia thực hiện.
Trước mắt để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm chè chất lượng cao trên địa bàn, hiện tại huyện đã cho phép hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Thảo Nhung và HTX 6/12 Đào Thịnh thu mua và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân theo giá thị trường. Sản phẩm chè Bát Tiên Trấn Yên bước đầu đã được các doanh nghiệp quan tâm quảng bá. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huấn - Chủ tịch UBND huyện thì chỉ trong một vài năm tới, khi vùng chè chất lượng cao tập trung của huyện bước vào chu kỳ kinh doanh thì rất cần đến những doanh nghiệp lớn, có năng lực cạnh tranh và thị trường ổn định đảm nhận việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Hội nghị về cây chè với các doanh nghiệp và người trồng chè trong huyện tổ chức mới đây, huyện Trấn Yên đã đưa ra một số chính sách và cơ chế ưu đãi trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao; việc liên kết trong sản xuất và bao biêu sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm chè chất lượng mà huyện chú trọng quan tâm định hướng phát triển trong những năm tới. Đây cũng là giải pháp để Trấn Yên đưa chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn, giúp người dân vươn lên làm giàu.
Minh Thuý
Các tin khác
YBĐT - Cả xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 271 hộ nhưng chỉ có 22 ha ruộng nước, trong đó diện tích cấy được hai vụ lúa chỉ có 18 ha, năng suất thấp hầu hết là giống lúa thuần, lúa nương. Thiếu kiến thức KHKT, phân bón trong việc gieo cấy cộng với khí hậu vùng cao khắc nghiệt nên năng suất lúa chỉ đạt không bằng một nửa vùng thấp.
YBĐT - Vụ mùa năm 2007, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã mạnh dạn đưa giống dưa chuột bao tử vào trồng thử nghiệm tại phường Cầu Thia.
YBĐT - Khai Trung là một trong những xã có diện tích gieo trồng cây đậu trương lớn của huyện Lục Yên (Yên Bái). Những năm qua, xã đã phát huy được lợi thế về tiềm năng đất đai hình thành rõ nét vùng chuyên canh gieo trồng cây đậu tương.
YBĐT - Từ Nghĩa Lộ, vượt qua đỉnh Pú Lo theo con đường lổn nhổn đất đá do đang được thi công, chúng tôi vào Nghĩa Sơn - một xã vùng cao của huyện Văn Chấn.