Ông Nguyễn Văn Tĩnh ở thôn Minh Long là một trong những hộ có diện tích trồng rau màu lớn nhất nhì ở Tuy Lộc với khoảng 8 sào rau xanh, được canh tác quanh năm. Mặc dù cơn bão số 3 khiến toàn bộ diện tích này bị chôn vùi trong phù sa, bùn đất nhưng ngay khi bão tan, ông Tĩnh đã cùng chính quyền địa phương, nhân dân trong thôn xử lý, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, rồi cuốc ải, phơi khô đất nhiều lần, nỗ lực khôi phục sản xuất nhanh nhất, chuẩn bị tốt cho vụ tết 2025 với hy vọng sẽ bù đắp phần nào mất mát đã qua.
Ông Tĩnh chia sẻ: "Cuối tháng 10, tôi đã bắt đầu được gieo trồng những luống rau đầu tiên mặc dù đất lúc đó vẫn còn khá dẻo và ướt, phù sa, đất cát bồi lấp lên tới 30cm. Nhưng với những kinh nghiệm nhiều năm tích luỹ, chúng tôi đều có thể thuận lợi xử lý và lựa chọn những cây trồng phù hợp khi mỗi khu vực lại có phần đất bị bồi lấp khác nhau. Đến nay, toàn bộ 8 sào đất của gia đình đã được phủ kín bởi rau xanh như: bắp cải, su su, súp lơ… trong đó, đã xuất bán khoảng 1 tấn rau. Từ giờ đến tết, dự kiến, tôi sẽ cung cấp ra thị trường khoảng trên 10 tấn rau nữa, tổng giá trị ước đạt khoảng 70 triệu đồng. Hy vọng rau sẽ được giá cao”.
Không chỉ có rau xanh, các loại hoa, cây cảnh cũng từng là niềm tự hào của người dân Tuy Lộc khi cung cấp cho thị trường thành phố hàng vạn bông hoa mỗi năm, tập trung mạnh vào dịp tết Nguyên đán hàng năm. Năm nay, ảnh hưởng bởi bão, Tuy Lộc cơ bản không có diện tích trồng hoa bởi không đủ thời gian xuống giống để thu hoạch vào dịp tết nhưng 2 nhà vườn lớn trên địa bàn xã đã chủ động nhập hàng để phục vụ nhân dân.
Ông Đoàn Văn Hòa - chủ nhà vườn Hòa Lan ở thôn Hợp Thành chia sẻ: "Mặc dù, bão lũ khiến gia đình thiệt hại 1,7 tỷ đồng song được sự giúp đỡ, hỗ trợ về vốn của anh em bạn bè, hàng xóm, chúng tôi đã có nguồn lực đầu tư mới trên 700 triệu đồng để cải tạo lại nhà vườn, nhập hoa, cây cảnh để phục hồi lại sản xuất, kịp thời bán vào vụ tết 2025. Mặc dù bão lũ nhưng cơ bản giá cả năm nay vẫn sẽ như mọi năm”.
Rõ ràng, nền nông nghiệp của xã Tuy Lộc chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 nhưng với sự nỗ lực, khẩn trương của hệ thống chính trị và nhân dân, địa phương đã từng bước khôi phục được nền nông nghiệp vốn có. Đến nay, xã đã khắc phục được 20/30,9 ha lúa, đang chuẩn bị các điều kiện cấy lúa vụ xuân 2025; 71/79 ha rau màu, ngô đông đang cho thu hoạch, còn khoảng gần 20 ha chưa thể khắc phục đang bị củi, rác vùi lấp. Về chăn nuôi, đã có 1/3 hộ chăn nuôi lớn đã tái đàn với số lượng khoảng 5.000 con.
Để có được kết quả này, ngay sau khi bão tan, xã đã huy động toàn bộ lực lượng, nhanh chóng khơi thông hệ thống kênh mương thủy lợi, đưa nước đến đồng ruộng, phục vụ nhân dân sản xuất. Được biết, 1 tháng sau lũ, hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã cơ bản đã được khắc phục với 13,8 km kênh chính và 2,5/5,6 km kênh mương nội đồng. Còn lại 3,1 km kênh mương bị bùn vùi lấp không có khả năng khắc phục. Xã rất mong tỉnh, thành phố quan tâm tiếp tục khôi phục trạm bơm Xuân Lan, nâng cấp hệ thống kênh chính và hệ thống mương nội đồng đã chìm, bảo đảm dẫn đủ nước cho nhân dân sản xuất. Bên cạnh đó, xã cũng đã kịp thời chi trả 1.091 triệu đồng hỗ trợ 686 hộ dân bị thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) theo Nghị quyết 77 của HĐND tỉnh.
Những mầm xanh đang vươn mình mạnh mẽ trên mảnh đất Tuy Lộc. Cùng bà con nôn dân vui đón mùa xuân mới.
Hoài Anh