Nông dân lao đao sau lũ
Xã Tuy Lộc có 6 thôn thì có tới 5 thôn bị ngập lụt nặng. Cơn bão số 3 đi qua, không chỉ cuốn trôi hoàn toàn, làm hư hỏng nhiều tài sản, đồ dùng, vật dụng, nhà cửa, phương tiện đi lại của người dân trên địa bàn mà còn gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp.
Xót xa nhìn cánh đồng trải dài tít tắp giờ chỉ còn một màu vàng úa của bùn đất, củi rác ngổn ngang, chồng chất, đôi mắt đượm buồn, ông Nguyễn Mạnh Huân - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Tuy Lộc nghẹn lòng: "Bao công chăm bón, thức khuya, dậy sớm, vốn liếng đổ cả vào đồng ruộng, thế mà chỉ một cơn lũ đi qua, tất cả các hộ nông dân đều mất trắng. Lúa thì đang thì chín rộ, rau thì chuẩn bị hái, hoa thì đang mùa đẹp nhất... Vụ này thất thu đã đành, song để khôi phục phát triển sản xuất cũng chẳng dễ dàng gì”.
HTX Rau an toàn Tuy Lộc có 40 hộ thành viên đang thực hiện trồng rau an toàn trên diện tích 4,5 ha. Hàng ngày, HTX cung cấp các loại rau xanh cho cho 15 bếp ăn tập thể thuộc các cơ quan, công ty, trường học trên địa bàn thành phố và chợ đầu mối Yên Bái. Bình quân mỗi vụ HTX Rau an toàn Tuy Lộc cung cấp ra thị trường 60 - 70 tấn rau xanh các loại, thu về khoảng 350 triệu đồng/vụ.
Ngoài vụ rau bị mất trắng, HTX Rau an toàn Tuy Lộc còn bị đổ gẫy, hỏng hoàn toàn diện tích giàn làm bằng thép để trồng mướp, bầu, bí, su su với diện tích hơn 1,3ha, ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Là những người trực tiếp sản xuất ra rau xanh nhưng hiện tại, hầu hết các hộ trồng rau ở Tuy Lộc đều rơi vào cảnh thiếu rau xanh nghiêm trọng. Để có tiền mua rau với nhiều hộ cũng rất khó khăn vì thời điểm này rau xanh được ví "đắt hơn thịt”.
Nguồn thu nhập chính từ đồng ruộng không còn, "nồi cơm” của người nông dân đã bị ảnh hưởng nên thời điểm này, hầu hết các hộ nông dân ở Tuy Lộc đều rơi vào cảnh thiếu thốn, sống "thắt lưng, buộc bụng”.
Theo tình hình thực tế, nếu có cải tạo, khôi phục lại được việc trồng cấy trên đồng ruộng thì cũng phải vài ba tháng nữa, nông dân xã Tuy Lộc mới bắt đầu có thu nhập, còn để có gạo ăn thì ít nhất phải đến tháng 4 năm sau trong điều kiện thời tiết thuận lợi, cây lúa có thể sinh trưởng, phát triển tốt.
Không chỉ thiệt hại về rau xanh, hoa màu, cơn lũ đổ về đột ngột còn khiến nhiều gia súc, gia cầm của nông dân xã Tuy Lộc bị chết và cuốn trôi theo dòng nước.
Ánh mắt thất thần, đầy tiếc nuối khi phải tự tay chôn vùi, tiêu hủy đi hàng nghìn con gà mà cả gia đình bao công chăm sóc, anh Nguyễn Trường Xuân, thôn Minh Thành buồn rầu kể: "Rút kinh nghiệm từ cơn lũ lịch sử năm 2008, khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi mới, gia đình tôi đã tôn cao nền hơn trước nhiều. Đồng thời, ở bên trong khu vực chăn nuôi cũng làm thêm hệ thống giàn cao 2 mét để vận chuyển đưa gà lên nếu nước dâng cao. Tuy nhiên, đúng là thiên tai không lường được hết, mực nước dâng nhanh và lên cao hơn dự kiến đã khiến cho tất cả 5.000 con gà Mông đen bị chết chìm trong nước. Ước tính thiệt hại 600 triệu đồng, cộng thêm 80 bao cám gà bị hư hỏng trị giá gần 30 triệu đồng”.
Sự tàn phá của thiên tai trong tháng 9 vừa qua đã khiến xã Tuy Lộc bị thiệt hại hoàn toàn hơn 30 ha lúa, 70 ha rau màu, hơn 3 ha cây ăn quả, cây trồng lâu năm và cây trồng hàng năm; bị chết và cuốn trôi hơn 12.500 con gia cầm, hơn 5.300 con lợn; 19,4 ha thủy sản bị ngập, tràn, vỡ bờ; hư hỏng 24 tấn thức ăn gia súc, gia cầm. Cùng đó, 32 hộ đã bị thiệt hại về nhà ở, 5 hộ bị sạt lở đất, nhiều nhà văn hóa thôn bị hư hỏng nặng..., ước tính tổng thiệt hại gần 90 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Trường Xuân, thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc xót xa vì tài sản còn lại sau lũ chỉ là những chiếc máng cho gà ăn.
Tìm lại "màu xanh” cho đất
Mất mát, thiệt hại là quá lớn. Thiên tai đã khiến cho cả cánh đồng rộng hàng trăm ha, bốn mùa quanh năm tươi tốt, từng là niềm tự hào của nông dân xã Tuy Lộc nay đã bị vùi lấp bởi hàng trăm nghìn khối bùn đất, phù sa, củi rác. Hệ thống kênh mương nội đồng cũng vì thế mà tê liệt, hư hỏng, không thể hoạt động ngay được.
Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Nằm ở vị trí gần sông Hồng, nên khi nước lũ tràn về đã khiến cho hầu hết diện tích lúa và hoa màu của xã bị vùi lấp, hư hỏng hoàn toàn. Sau khi nước rút đã để lại lượng bùn đất, phù sa rất dày trên đồng ruộng nên mặt bằng chung ruộng đã cao hơn hệ thống kênh mương nội đồng. Vì thế, ngay cả khi đã khơi thông được dòng chảy thì việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc ổn định đời sống nhân dân, khôi phục phát triển sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu nên đã chủ động phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, sớm khắc phục sửa chữa công trình thủy lợi cũng như hướng dẫn bà con cải tạo đất đai để sớm tìm lại "màu xanh” cho đất”.
Trước mắt, ở những diện tích không bị ngập sâu, ít bùn, độ ẩm đất không cao, sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, các hộ nông dân xã Tuy Lộc đã thực hiện vệ sinh đồng ruộng, khơi thông dòng chảy, khẩn trương làm đất, tranh thủ trồng các loại rau ngắn ngày, cây gia vị, cây ưa nước. Đối với diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, không thể khắc phục ngay thì bà con cày lật đất phơi ải để hạn chế mầm bệnh tồn dư trong đất và để đất tơi xốp chuẩn bị sẵn sàng gieo trồng trở lại khi thời tiết thuận lợi và chuẩn bị cho vụ xuân 2025.
Cùng đó, nhân dân trong xã đã tích cực thực hiện vệ sinh đồng ruộng; theo dõi, kịp thời phát hiện và chủ động phòng, chống một số loại sâu bệnh mới phát sinh; thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường; chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm để phòng, chống dịch bệnh…
Chị Nguyễn Thị Mai - người dân thôn Minh Long bày tỏ: "Sau khi cơn lũ đi qua, nhìn cánh đồng tan hoang, xơ xác, tôi và các hộ nông dân đã thực sự buồn nản. Nhiều người đã khóc vì không biết trông chờ vào đâu để có nguồn thu nhập duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn động viên nhau phải cố gắng và có niềm tin là mọi khó khăn rồi sẽ qua đi, hy vọng có sức người "sỏi đá cũng thành cơm”. Cánh đồng xanh tốt ngày nào đã nuôi sống bao gia đình rồi sẽ lại hồi sinh trở lại”.
Niềm tin, hy vọng và sức mạnh của tinh thần đoàn kết đã và sẽ là động lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tuy Lộc sớm vượt qua những khó khăn, vượt lên thách thức. Tin tưởng, màu xanh rồi sẽ trở lại trên những cánh đồng và nông dân xã Tuy Lộc lại có những vụ mùa thắng lợi. Kinh tế phục hồi, đời sống ổn định, nhân dân xã Tuy Lộc sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt hơn nữa các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Hồng Oanh