EU là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 740 triệu người, GDP đạt hơn 18 nghìn tỷ USD. Ðây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với nhiều ngành hàng có thế mạnh như giày dép, dệt may, hàng nông sản, hàng điện tử tiêu dùng,...
Nhiều quy định mới chặt chẽ
Thời gian qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU có nhiều lợi thế nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU trong 4 năm thực thi EVFTA (có hiệu lực từ tháng 8/2020) ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương mức tăng từ 12-15%/năm. Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Ðinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết: EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tăng vọt từ 35 tỷ Euro năm 2019 lên gần 51 tỷ Euro năm 2024, thể hiện rõ trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Từ năm 2021 tới nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của hầu hết các nước EU đều tăng. Còn theo Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, đến thời điểm này, nhiều thị trường xuất khẩu chủ chốt trong khối EU của nước ta đã đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD như Hà Lan (chiếm 24,56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU), Ðức (chiếm 15,49%), Italia (chiếm gần 10%),…
Dư địa của thị trường EU còn rất lớn khi tỷ trọng hàng Việt Nam tại thị trường này vẫn thấp. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cao cấp Nguyễn Thành Hưng, nguyên Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế bày tỏ quan ngại, những điều chỉnh, quy định EU ban hành mới đây sẽ tác động không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, ngày 13/5/2024, EU đã ban hành quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, từ ngày 3/6/2024, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU đều phải khai báo vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2). Ðây là hệ thống nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn thị trường chung châu Âu và công dân bằng các biện pháp an toàn, an ninh hải quan mới.
Các hãng vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt cũng phải cung cấp dữ liệu về hàng hóa được gửi đến hoặc qua EU trước khi hàng đến. ICS2 còn liên quan đến các hãng vận chuyển bưu chính và chuyển phát nhanh, một số trường hợp, bên nhận hàng cuối cùng được thành lập tại EU cũng phải gửi dữ liệu ENS tới ICS2.
"Nếu các bên giao dịch chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được cơ quan hải quan thông quan", ông Hưng cảnh báo.
Thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Một trong những quy định mới được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), được EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2024 và sẽ thực hiện đầy đủ trong năm 2026. EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước nội khối dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại.
Châu Âu đặt mục tiêu trở thành châu lục trung hòa carbon vào năm 2050, do đó họ lo ngại các doanh nghiệp EU chuyển hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ tiêu chuẩn lỏng lẻo (được gọi là "rò rỉ carbon"), làm suy yếu tham vọng trung hòa carbon của EU và toàn cầu.
Riêng các nước Bắc Âu lại đặc biệt quan tâm đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Họ ban hành nhiều thiết chế cho hàng hóa nhập khẩu như Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn với mục tiêu quan trọng nhất là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030; Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn nhằm biến các sản phẩm bền vững thành tiêu chuẩn ở EU,…
"Muốn xuất khẩu vào EU và các nước Bắc Âu, doanh nghiệp cần nắm bắt rõ quy định, xu hướng thị trường để có hướng tiếp cận mới. Doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm bắt kịp các xu thế mới của EU", chuyên gia Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Khẳng định ưu tiên của các nhà bán lẻ EU hiện nay là nguồn hàng mang giá trị bền vững, các sản phẩm thân thiện môi trường và công bằng thương mại, ông Ðinh Sỹ Minh Lăng kiến nghị doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Theo đó, xuất khẩu không chính ngạch dù có thủ tục nhanh gọn, đơn giản, vừa không phải chịu nhiều loại thuế, phí, nhưng hàng hóa chủ yếu tập trung vào các thị trường nhỏ, biên giới, rất khó kiểm soát chất lượng hàng hóa, gây ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. Ngoài việc không được Nhà nước hỗ trợ, hàng xuất khẩu không chính ngạch còn chịu rủi ro cao, dễ vi phạm quy định pháp luật nước nhập khẩu hay xảy ra tranh chấp,...
Ngược lại, xuất khẩu theo đường chính ngạch dù yêu cầu thủ tục phức tạp, phải đóng nhiều loại thuế, phí, nhưng bù lại chất lượng hàng hóa sẽ được kiểm soát chặt chẽ, nâng cao uy tín đối với người tiêu dùng. Do tính pháp lý rõ ràng, hàng xuất khẩu chính ngạch ít bị đối mặt với rủi ro hơn; doanh nghiệp vừa được Nhà nước hỗ trợ, vừa có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn khó tính.
Ðể xuất khẩu chính ngạch, trước hết doanh nghiệp cần nghiên cứu, xác định rõ thị trường mục tiêu cùng các tiêu chuẩn, quy định đi kèm; từ đó, đánh giá năng lực hiện tại và lập kế hoạch chuyển đổi mô hình sản xuất.
Thí dụ, người Ðức không thích sử dụng đồ nhựa và ưa dùng đồ gỗ; thích thủy sản hơn thịt; chỉ dùng các sản phẩm đóng gói có ghi rõ tên sản phẩm, nơi sản xuất, các điều kiện bảo quản hay sử dụng cùng đầy đủ mã số, mã vạch. Trong khi đó, người Hà Lan chuộng các sản phẩm mới lạ; ưa dùng hàng tươi sống đóng gói nhỏ có khả năng bảo quản lâu,...
Tiếp đó, doanh nghiệp cần chọn tiêu chuẩn phù hợp với sản phẩm định hướng và thị trường mục tiêu (ISO 9001, HACCP,…) để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; triển khai kế hoạch cải tiến công nghệ, nâng cao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật nước sở tại khi làm thủ tục hải quan, tránh rủi ro pháp lý cũng như bảo đảm hàng hóa được thông quan thuận lợi. Cuối cùng, tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu thông qua chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm,... mở ra cơ hội tìm kiếm khách hàng mới. Quá trình xuất khẩu chính ngạch chắc chắn sẽ tạo ra doanh thu, lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bền vững.
(Theo NDO)