Để phát triển các THT, tỉnh khuyến khích thành lập các THT phù hợp với đặc thù kinh tế địa phương. Đồng thời, xây dựng, ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách như: giao đất, cho thuê đất, hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm; hỗ trợ về chính sách tín dụng, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật…
Cùng đó, các ngành chức năng của tỉnh tăng cường kết nối các THT với doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương. Nhờ vậy, các THT trồng trọt, chăn nuôi, làng nghề truyền thống đã được đầu tư đúng hướng. Nhiều sản phẩm như: chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, mật ong Mù Cang Chải… đã trở thành thương hiệu quen thuộc trên thị trường trong và ngoài nước.
Hiện, toàn tỉnh đã thành lập được hơn 5.800 THT với trên 29.000 thành viên; trong đó, có trên 50% là THT hoạt động trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp. Các THT được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, phù hợp với quy định của Nhà nước, điều kiện và tình hình phát triển kinh tế của địa phương.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, các THT nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã và đang góp phần hỗ trợ, nâng cao hiệu quả, giảm áp lực về thời gian, cường độ làm việc cho nông dân. Đồng thời, bảo đảm được một số khâu dịch vụ nông nghiệp như: trồng trọt, cung ứng phân bón, dịch vụ cày, cấy, vận tải, dịch vụ tổng hợp...
Anh Giàng A Hồng - Tổ trưởng THT Chăn nuôi trâu, bò bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện cho vay 500 triệu đồng để phát triển chăn nuôi đại gia súc, chúng tôi đã đầu tư mua con giống, xây dựng khu chăn nuôi tập trung và một số máy nông cụ phục vụ chăn nuôi, sản xuất. Hiện, THT có 10 hộ thành viên và đã phát triển số lượng chăn nuôi lên gần 30 con trâu, bò; trung bình mỗi năm xuất bán từ 5 - 7 con, thu về gần 200 triệu đồng tiền lãi. Khoản thu nhập này đã giúp các gia đình cải thiện cuộc sống, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể để phát triển chăn nuôi bền vững”.
Ông Nguyễn Chí Thuân - Tổ trưởng THT Mảng Ngóc, thôn 7, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên bày tỏ: "THT của chúng tôi có trên 10 thành viên hiện đang thực hiện trồng hơn 11 ha quế hữu cơ và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế. Công việc tuy khá vất vả, bận rộn, song chúng tôi có nhiều niềm vui, mọi người đều coi đây như "ngôi nhà thứ 2” của mình. Ngoài việc hỗ trợ nhau trong lao động, sản xuất, chúng tôi luôn chia sẻ những kiến thức tích lũy, học hỏi được từ thực tế và các nguồn thông tin, tài liệu để áp dụng vào quy trình trồng quế hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sống”.
Đi đôi với những kết quả đạt được, hiện tại, việc triển khai các mô hình THT trên địa bàn tỉnh còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: thiếu vốn, thiếu kỹ năng chuyên môn, quản lý. Nhiều THT thường tồn tại và phát triển theo tính chất mùa vụ, không đăng ký với chính quyền địa phương và giải thể sau khi kết thúc mùa vụ nên chưa phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế, thiếu tính bền vững…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, bên cạnh việc củng cố, phát huy vai trò của các THT, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng phát triển, hình thành các THT hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ trên cơ sở tự nguyện của các thành viên. Các THT này được hình thành có thể là độc lập hoặc trực thuộc HTX nông nghiệp.
Cùng đó, tăng cường kết nối với các đơn vị khoa học, công nghệ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cao và kéo gần sự tham gia của các doanh nghiệp lớn; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho các thành viên; chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực cao để các THT phát triển bền vững… Với những nỗ lực và chính sách đúng hướng, chắc chắn tỉnh sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân và đạt mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Điểm nổi bật là từ khi hình thành mô hình THT, các hộ dân đã ngày càng gắn bó với nhau hơn trong công việc, cuộc sống; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, giúp đỡ nhau về vốn, giống, khoa học, kỹ thuật; phối hợp bao tiêu sản phẩm hàng hóa; sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về lao động, đất đai, vật tư, tiền vốn… |
Hồng Oanh