Quy định mới về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/2/2025 | 8:13:05 AM

Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Chuyến tàu Bắc-Nam xuất phát tại ga Hà Nội. Ảnh minh họa
Chuyến tàu Bắc-Nam xuất phát tại ga Hà Nội. Ảnh minh họa

Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, quản lý, gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.

Nghị định nêu rõ, toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho doanh nghiệp quản lý đường sắt quốc gia thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao, điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là kết quả của quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước:

Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án và đối tượng thụ hưởng đó là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm, chủ đầu tư, chủ dự án, ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án nhưng đối tượng thụ hưởng đó không phải là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì xử lý như sau:

Nếu đối tượng thụ hưởng là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì sau khi đối tượng thụ hưởng tiếp nhận tài sản, thực hiện việc điều chuyển tài sản từ đối tượng thụ hưởng sang Bộ Giao thông vận tải để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia; việc điều chuyển được thực hiện theo quy định.

Nếu đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thì đối tượng thụ hưởng thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan. 

Theo Nghị định, các hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bao gồm: Thu hồi tài sản; điều chuyển tài sản; chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý; thanh lý tài sản; xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Trong đó, về thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Nghị định nêu rõ, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bị thu hồi trong các trường hợp sau: Khi có sự thay đổi về quy hoạch, phân cấp quản lý; tài sản đã được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng làm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; tài sản được giao không đúng đối tượng; trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc phạm vi quản lý. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi được xử lý theo các hình thức sau: Điều chuyển; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định.

(Theo Báo Tin tức)

Các tin khác
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Yên Bái trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024 và phần thưởng 600 triệu đồng của tỉnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Minh Xuân.

Xã Minh Xuân, huyện Lục Yên vừa tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2024.

Người dân thôn Làng Giữa, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình tích cực ra đồng gieo cấy lúa xuân

Ngay từ những ngày đầu năm mới, bà con nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã khẩn trương xuống đồng làm đất, gieo cấy vụ Xuân để đảm bảo hoàn thành việc gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

Tháng 1 năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 2.850 tỷ đồng.

Tháng 1 năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 2.850 tỷ đồng, bằng gần 9% kế hoạch, tăng trên 24% so với cùng kỳ năm 2024.

Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục