Bí thư Đảng ủy thị trấn Khổng Giang Lam trao đổi: "Năm nay chúng tôi xác định tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh để nâng giá trị thu nhập; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ XXV đề ra, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân”.
Được biết, năm 2024 vừa qua thị trấn đã đảm bảo diện tích gieo trồng theo kế hoạch, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 769,3 tấn, đạt 100% kế hoạch. Tổng đàn gia súc chính trên địa bàn thị trấn hiện có trên 4.900 con, so với mục tiêu đề ra vượt 2,5%. Người dân đã thực hiện được 10 mô hình chăn nuôi đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh. Trong đó có 1 mô hình nuôi trâu, 3 mô hình lợn nái sinh sản quy mô 15 con nái trở lên và 6 mô hình nuôi gà Mông, tổng đàn 300 con.
Cùng với nông nghiệp, tổng giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 107,8 tỷ đồng đạt 121,4% kế hoạch. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thị trấn ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm quế, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong năm, thị trấn thành lập mới được 11 doanh nghiệp, vượt 1 doanh nghiệp so với chỉ tiêu và thành lập 2 tổ hợp tác, đạt 100% kế hoạch.
Hiện trên địa bàn thị trấn duy trì hoạt động của 140 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và 1.772 hộ kinh doanh trên địa bàn. Mặc dù gặp khó khăn do hình thức phục vụ và bán hàng cũng như ảnh hưởng của thiên tai, song các hộ vẫn duy trì ổn định kinh doanh và đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước.
Bà Bùi Thị Tình - một tiểu thương nhiều năm kinh doanh vải vóc, quần áo ở khu vực Chợ Mậu A cho biết: "Chợ có khoảng 170 ki-ốt và quầy hàng, trong đó 50 gian bán quần áo vải vóc. Mấy năm gần đây, hàng hóa dồi dào, hình thức kinh doanh cũng đa dạng nên hàng bán chậm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân và đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước”. Cùng với đó, thị trấn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch. Số lượt khách du lịch lưu trú năm 2024 đạt trên 28.000 lượt, doanh thu từ du lịch là 15,1 tỷ đồng, đạt 100,67% kế hoạch.
Công tác xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng được thị trấn đặc biệt quan tâm, trong đó có hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng yếu thế có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Năm 2024, thị trấn còn 36 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,05%; 12 hộ cận nghèo (0,35%).
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của các hộ, đã đưa ra khỏi danh sách 7 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo, đạt 100% kế hoạch; triển khai hỗ trợ sửa nhà và làm mới cho 4 hộ (2 hộ nghèo bị thiệt hại do cơn bão số 3 và 2 hộ nghèo khó khăn về nhà). Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể cũng sớm vào cuộc giúp đỡ 7 hộ thoát nghèo trong năm 2025, góp phần nâng cao hiệu quả tính bền vững của hoạt động giảm nghèo trên địa bàn thị trấn.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, 11 tổ dân phố đều duy trì hoạt động câu lạc bộ văn nghệ; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các lễ hội được tổ chức; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 94,1%. Trong năm, thị trấn còn tuyên truyền vận động 34 hộ dân hiến đất trị giá trên 3 tỷ đồng để mở rộng trên 300m đường giao thông, xây dựng thị trấn Mậu A đạt chuẩn đô thị văn minh và góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới.
Quang Tuấn