Làm theo lời Bác
- Cập nhật: Thứ ba, 28/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông công chính. Kể từ đó đến nay đã 62 năm trôi qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Giao thông - Vận tải Yên Bái trong thời chiến cũng như thời bình dũng cảm, sáng tạo góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và đổi mới đất nước.
Nông dân thôn Chấn Hưng 4, xã Nậm Búng (Văn Chấn) tham gia bê tông hóa đường liên thôn theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
(Ảnh: Pa Ri)
|
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Giao thông là mạch máu của mọi việc. Giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ”, trong chiến tranh, khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã trở thành lý tưởng sống của những cán bộ, công nhân ngành Giao thông - Vận tải Yên Bái. Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành giao thông vận tải(GTVT)Yên Bái luôn xác định giao thông phải luôn đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KTXH và tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng trong tỉnh và khu vực.
Vũ Văn Quỳnh - Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải. |
Nằm ở trung tâm của khu vực miền núi phía Bắc, Yên Bái có ưu thế về điều kiện tự nhiên để phát triển đa dạng các loại hình GTVT. Không những thế, Yên Bái còn là điểm trung chuyển giữa các tỉnh biên giới phía Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng, giữ vị trí chiến lược trong phát triển KT-XH và phòng thủ đất nước. Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, ngành GTVT tích cực huy động mọi nguồn lực cho phát triển mạng lưới giao thông. Đến nay, Yên Bái đang có 6.307 km đường bộ, 83 km đường sắt, 305 km đường thuỷ và một sân bay quân sự cạnh thành phố Yên Bái.
Đặc biệt, mạng lưới GTVT đường bộ dần được vào cấp đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Mặc dù trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ngành GT-VT gặp nhiều khó khăn về vốn, thời tiết, địa hình cũng như việc huy động nguồn lực cho phát triển còn hạn chế do Yên Bái là tỉnh nghèo, nhưng được sự quan tâm của các cấp các ngành, các địa phương, mạng lưới giao thông được đầu tư và có tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, bình quân 20%/ năm về vốn. Nhiều công trình được đầu tư có trọng tâm trọng điểm, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị, các khu kinh tế trọng điểm, hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn.
Đến nay, Yên Bái đã có mạng lưới giao thông đường bộ rộng khắp với 377 km quốc lộ (trong đó 4 tuyến đã được đầu tư nâng cấp); đường tỉnh có 424 km và 100 ngầm tràn gồm 11 tuyến đã được đầu tư vào cấp; hệ thống đường ở tất cả 9 huyện thị đều đã được đầu tư nâng cấp lên đường đô thị. 5.506 km đường giao thông nông thôn được mở mới và nâng cấp. Giờ đây, trên hệ thống quốc lộ đã có gần 300 cây cầu lớn nhỏ, ngầm tràn và hàng trăm cầu treo phục vụ đi lại, phát triển nông nghiệp nông thôn.
Đường lên Mù Cang Chải (Ảnh Thanh Miền). |
Trong các năm từ 2000 đến nay, ngành GT-VT đã huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển giao thông với tổng giá trị đầu tư gần 2 nghìn tỷ đồng. Nhờ vậy Quốc lộ 37 dài 100 km được đầu tư nâng cấp đến nay cơ bản hoàn thành đoạn : Yên Bái - Ba Khe - Thượng Bằng La - Đèo Lũng Lô, đoạn Thác Ông - Cát Lem, cầu Thác Ông cũng đã đưa vào khai thác. Quốc lộ 32 dài 128 Km cũng đã hoàn thành đưa vào khai thác theo kế hoạch của Bộ GT-VT. Quốc lộ 32c nối Phú Thọ - Yên Bái đã hoàn thành cuối năm 2002. Không xa nữa Quốc lộ 70 qua địa bàn Yên Bái cũng được khởi công xây dựng.
Không chỉ có quốc lộ, hệ thống đường tỉnh nhiều công trình trọng điểm như: đường Yên Bái - Khe Sang, Mậu A - Tân Nguyên, Yên Thế - Vĩnh Kiên, Cảng Hương Lý - Văn Phú, Yên Bái - Văn Tiến, Nghĩa Lộ - Trạm Tấu... đã hoàn thành đưa vào khai thác. Hệ thống đường đô thị được đầu tư xây dựng góp phần quan trọng vào qui hoạch thành phố, thị tứ, thị trấn hiện tại và tương lai góp phần tạo tiền đề cho kinh tế đô thị và khu vực phát triển.
Giao thông nông thôn Yên Bái phát triển nhanh, nhân dân đóng góp 40,9% bằng tiền và ngày công cho đầu tư phát triển. Chỉ riêng năm 2004, toàn tỉnh đầu tư tới 75 tỷ đồng cho giao thông nông thôn trong đó có tới 30 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực mở đường tới các xã đặc biệt khó khăn còn lại, giờ đây, tất cả các xã trong tỉnh đều có đường ô tô tới trung tâm. Năm 2004, Yên Bái không chỉ có thêm nhiều đoạn trên quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp, những cây cầu mới được khánh thành mà còn là mốc son ghi dấu ấn khó phai 100% số xã có đường ô tô.
Nhiều đoạn thuộc dự án công trình mới như: đường Hợp Minh – Mỵ qua vùng chiến khu Vần; đường Qui Mông - Đông An đã hoàn thành việc nâng cấp đưa vào sử dụng. Tuyến đường nối từ các xã đặc biệt khó khăn An Lương (Văn Chấn) với Mỏ Vàng (Văn Yên) cũng đã thông tuyến. Nhiều huyện như: Lục Yên, Văn Chấn tích cực phát triển giao thông nông thôn và bê tông hoá đường về trung tâm các xã.
Trong những tháng cuối năm này, ngành chỉ đạo tư vấn quản lý dự án, ban quản lý dự án Sở, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông thuộc các dự án xây dựng cơ bản địa phương, đặc biệt là công trình trọng điểm Km5 - Yên Bình và các công trình phục vụ đảm bảo giao thông như: cầu Nghĩa Tâm, kè Móc Tôm... Ngành phối hợp với ban quản lý dự án Bộ GT-VT tiếp tục chỉ đạo xây dựng các dự án nâng cấp tỉnh lộ Qui Mông - Đông An; Mậu A - Tân Nguyên đúng tiến độ hợp đồng và chỉ đạo của Bộ GT-VT. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông nông thôn bằng các nguồn vốn WB3 và các nguồn vốn khác; chỉ đạo Ban quản lý dự án công trình giao thông triển khai thực hiện các dự án chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án được giao đảm bảo tiến độ, quy định của chủ đầu tư và chỉ đạo của cấp trên.
Đối với các dự án xây dựng cơ bản vốn trung ương, ngành hoàn thành toàn bộ công tác tổng nghiệm thu các gói thầu giai đoạn I; đồng thời hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để triển khai khởi công các hạng mục điều chỉnh, bổ sung của dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 đoạn Nghĩa Lộ - Vách Kim trong quí III năm 2007; triển khai tiểu dự án giải phóng mặt bằng thuộc dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 70 đảm bảo theo tiến độ chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ GTVT.
Trong không khí của những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 này, cùng với quản lý, bảo dưỡng tốt các công trình đã có, ngành giao thông - Vận tải Yên Bái đang tiếp tục triển khai các dự án, công trình mới phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Vũ Văn Quỳnh - Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
Các tin khác
YBĐT - Cũng như nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khác ở thị xã Nghĩa Lộ; thời gian gần đây, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Bắc thực hiện tự tính, tự khai, tự nộp thuế theo Luật Quản lý thuế. Được cơ quan thuế hướng dẫn, phân phát đầy đủ tờ khai, đến nay doanh nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục, đi vào sản xuất kinh doanh ổn định.
YBĐT - Công ty cổ phần chè Văn Hưng hiện có trên 500 ha chè nguyên liệu, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ từ 1.300 đến 1.500 tấn chè thành phẩm với doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài diện tích chè hiện có, Công ty còn bảo đảm việc thu mua hết chè nguyên liệu trong dân, tạo điều kiện cho nhân dân huyện Yên Bình phát triển kinh tế và có thu nhập cao từ trồng chè.
YBĐT - Quy Mông là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên với 1.162 hộ dân, 4.810 khẩu và diện tích tự nhiên rộng 2.022 ha, nhưng chỉ có 441 ha đất nông nghiệp. Toàn xã có 9 dân tộc và phần lớn là người Kinh, Mường, Dao, Tày... sống ở 12 thôn, bản. Những năm gần đây, Đảng bộ xã Quy Mông đã tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo phát triển kinh tế từng bước xoá đói giảm nghèo.
YBĐT - Những diện tích đất trống, đồi trọc, đất soi bãi, đất bạc màu đã chuyển đổi sang trồng các loại cây màu, cây ăn quả và trồng rừng kinh tế. Vì thế, chỉ với 350 ha chè, 20,5 ha sắn, 8,5 ha ngô, 8,4 ha khoai và gần 22 ha rau màu các loại đã đem về cho nhân dân xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) trên 1 tỷ đồng.