Thấy gì ở thị trường xe máy ở Yên Bái?
- Cập nhật: Thứ năm, 25/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân mở đại lý bán xe máy. Tại thành phố Yên Bái, có gần 30 điểm bán xe máy lớn nhỏ, đặc biệt đoạn từ km 8 đến km 9 đường Yên Bái đi Hà Nội qua huyện Yên Bình đã có trên 10 cửa bán xe máy.
Xe máy YAMAHA bán tại cửa hàng uỷ nhiệm của Công ty TNHH Hoà Bình luôn được bảo hành. (Ảnh: M.Q)
|
Thế nhưng, theo giới kinh doanh xe máy, thì chỉ có khoảng 10 của hàng bán xe được xếp hạng và các cửa hàng này đều làm đại lý cho các nhà máy sản xuất xe máy. Việc xếp hạng này căn cứ một số tiêu chuẩn, nhưng chủ yếu là quy mô, địa điểm kinh doanh và doanh số bán ra trong ngày.
Việc kinh doanh xe máy hai bánh ở Yên Bái có thể chia làm 3 loại: đại lý hoặc doanh nghiệp bán xe theo uỷ nhiệm của các hãng; tổng đại lý; đại lý con.
Phương thức kinh doanh cũng rất đa dạng: bán xe trả góp, bán thẳng với giá ưu đãi, bán qua việc giải ngân chịu nợ của ngân hàng… Thị trường xe máy ở Yên Bái khá lộn xộn. Trừ những nhãn hiệu xe máy nổi tiếng như Honda, Suzuki, Yamaha… được bán tại một số đại lý lớn như đại lý uỷ nhiệm Honda, ở 267 đường Hoàng Hoa Thám hay đại lý uỷ nhiệm Yamaha, ở tổ 10, phường Nguyễn Thái Học… còn đa số các đại lý bán các loại xe lắp ráp trong nước với linh kiện đủ loại.
Đến cửa hàng xe máy T.A trên đường Trần Hưng Đạo, T.P Yên Bái, chúng tôi hỏi một nhân viên bán hàng chiếc xe hiệu Mikado dạng Win và được biết đây là loại xe lắp ráp đủ loại linh kiện và phụ tùng của Trung Quốc, Việt Nam… nhưng tem trước và sau lại để của Indonesia. Chúng tôi hỏi: "Sao xe không có phụ tùng, linh kiện gì của Indonesia lại để nhãn Indonesia?". Nhân viên bán hàng cho biết: "Để nhãn hiệu đó cho đẹp!".
Một đoạn phố ngắn có đến 4 cửa hàng xe máy.
Chúng tôi tiếp tục dạo đến một của hàng bán xe máy có tên H.L trên đường Điện Biên hỏi mua chiếc xe có nhãn Dream nhưng sau khi xem mới biết đây là xe Cpi được lắp ráp thủ công trong nước, còn nhãn và mặt nạ Dream chỉ để hình thức cho đẹp.
Dạo qua các cửa hàng bán xe máy tại thành phố Yên Bái, chúng tôi thấy, nhiều loại xe đang bày bán thì nhãn, tem và lốc máy đều khác nhau. Có xe Stroke nhìn giống Jupiter MX của hãng Yamaha, các phụ tùng và linh kiện đều của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, nhưng nhìn vào lốc máy lại có tên SanDa.
Đa số xe máy hai bánh được bày bán ở thị trường Yên Bái đều làm rất giống các hãng xe máy nổi tiếng của Nhật Bản. Nhiều tên nhãn được bày bán nghe rất lạ như: Sytta, PiGo, Manke, Mikado, MXwizapd... Các loại xe này hầu hết lắp ráp trong nước với các linh kiện lẫn lộn trong và ngoài nước nên người tiêu dùng khó mà biết chất lượng.
Các loại tem dán và mặt nạ của chiếc xe đều lấy mẫu của các hãng nổi tiếng, vì thế, khách hàng không am hiểu xe máy chắc chắn sẽ mua nhầm vì chúng giống nhau đến từng con ốc. Khi chúng tôi hỏi về các linh kiện và phụ tùng lắp ráp các dạng xe như trên thuộc nước nào và có đăng ký chất lượng không? Anh Thắng - nhân viên bán xe máy không trả lời!
Về giá cả của các loại xe máy lắp ráp trong nước thì giá một chiếc xe rẻ nhất từ 5 triệu đồng và đắt nhất gần 40 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết: với giá bán như vậy, khách hàng mua xe phải mua đắt khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng/xe. Bởi lẽ, khi nhà sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường không phải đến thẳng ngay khách hàng mà phải qua tổng đại lý đến đại lý con rồi mới đến khách hàng nên giá xe cao hơn giá xuất xưởng.
Ngoài ra, cũng không ít khách hàng còn bị mất thêm tiền bồi dưỡng cho “cò” khi mua xe. Bên cạnh các loại xe máy của các hãng nổi tiếng trên thị trường được người dân tin dùng trong những năm qua như Honda, Suzuki, Yamaha… các đại lý được uỷ nhiệm của các hãng xe trên luôn lấy chất lượng làm chiến lược kinh doanh của mình, các xe bán ra ở các đại lý này được bảo hành khá kỹ, có chế độ chăm sóc khách hàng thường xuyên.
Còn các đại lý bán xe khác, tuy có chế độ bảo hành nhưng thời gian bảo hành ngắn và cách bảo hành rất thủ công. Các loại xe này chất lượng kém, nhiều khách hàng mua xe về chạy chưa được một tháng đã phải vào “viện” vì bị hỏng. Nếu khách hàng ở xa như huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải… khi mua xe bị trục trặc phải ra tận đại lý bán xe ở Yên Bái để bảo hành thì cũng khá phức tạp.
Anh Giàng A Lý, ở xã suối Giàng, huyện Văn Chấn cho biết: "Tôi mua 1 chiếc xe Mikado dạng Win giá 7 triệu đồng, nhưng đi chưa được 2 tháng đã bị hỏng, khi đến để bảo hành thì phải chờ rất lâu. Nên xe có bị hỏng lặt vặt thì mình đành bỏ tiền túi ra của hàng sửa xe gần nhà để sửa!".
Từ thực tế trên cho thấy chất lượng xe máy ở nhiều điểm bán chưa được đảm bảo. Nhiều điểm bán xe máy của các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn đã được Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh cấp giấy phép nhưng chưa đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp theo luật định. Hơn nữa, trên thị trường hiện nay có có quá nhiều loại xe máy hai bánh sản xuất và lắp ráp trong nước, nên hiện tượng hàng nhái, hàng giả vẫn còn xảy ra.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và góp phần kiềm chế tai nạn giao thông do xe kém chất lượng gây ra. Các khách hàng khi đi mua xe cần chọn những đại lý có uy tín, các cửa hàng bán xe theo uỷ nhiệm của các hãng để có một phương tiện vừa chất lượng, vừa hợp túi tiền và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Quang Thiều - Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Năm 2007, huyện Yên Bình được tỉnh giao thu ngân sách cân đối trên địa bàn 23 tỷ 050 triệu đồng, nhưng đến giữa tháng 10, huyện mới thu được 14 tỷ 600 triệu đồng, đạt trên 63% kế hoạch năm.
YBĐT - Thời gian qua, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái (Yên Bái) đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện 3 đề án phát triển sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh, thương mại dịch vụ và nông lâm nghiệp giai đoạn 2004 - 2010 của thành phố.
YBĐT - Ngày 25/10, Sở Thương mại - Du lịch phối hợp cùng Sở Công nghiệp Yên Bái và Công ty cổ phần hội chợ và xúc tiến thương mại FTP tổ chức khai mạc Hội chợ Tây Bắc 2007. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Yên Bái…
YBĐT - Trong hai tháng cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái phải đạt trên 264 tỷ đồng. Muốn đạt được mục tiêu đó trước tiên phải đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các huyện thị, thành phố, đồng thời tập trung vào các mặt hàng địa phương có lợi thế, có thị trường tiêu thụ và chiếm tỷ trọng lớn.