Công nghiệp Yên Bái tăng tốc về đích
- Cập nhật: Thứ năm, 25/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong hai tháng cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái phải đạt trên 264 tỷ đồng. Muốn đạt được mục tiêu đó trước tiên phải đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các huyện thị, thành phố, đồng thời tập trung vào các mặt hàng địa phương có lợi thế, có thị trường tiêu thụ và chiếm tỷ trọng lớn.
Đóng gói giấy vàng mã xuất khẩu ở Công ty cổ phần Yên Sơn.
|
Yên Bái là địa phương nằm sâu trong nội địa lại không trong hành lang kinh tế Đông Tây, trong khi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của địa phương còn gặp phải không ít khó khăn do thời tiết, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản vốn có nhiều lợi thế cũng gặp không ít khó khăn do công tác cấp phép, gia hạn khai thác chậm...
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, công nghiệp Yên Bái vẫn đạt được mức tăng trưởng cao và phát triển khá bền vững. Giá trị sản xuất 10 tháng đạt 1.025 tỷ đồng bằng 79,5% kế hoạch, tăng 11% so cùng kỳ.
Vượt qua chính mình
Với sự tăng trưởng liên tục những năm gần đây, vẫn có thể khẳng định, công nghiệp Yên Bái đang tiềm tàng một sức sống bền bỉ và từng bước thoát ra khỏi cái vỏ bọc của những hạn chế khu vực, cơ chế quản lý và chính sách thu hút đầu tư. Điều đó được thể hiện bằng một loạt tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào Yên Bái như: Nhà máy Xi măng Yên Bình có vốn đầu tư trên 1 ngàn tỷ đồng, Nhà máy Luyện gang thép vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng và hàng loạt nhà máy thuỷ điện như Mường Kim, Nậm Đông, Hưng Khánh...
Nhờ vậy đến hết tháng 10 giá trị sản xuất đã đạt 1.025 tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp Trung ương quản lý đạt trên 203 tỷ đồng, công nghiệp địa phương 796 tỷ đồng, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 26 tỷ đồng. Đặc biệt, sự "trỗi dậy" của công nghiệp địa phương chiếm tỷ trọng 39,4% giá trị công nghiệp toàn tỉnh, đã có 3 huyện, thị cán đích trước 2 tháng, còn lại đều đạt trên 80% kế hoạch. Điều đó càng khẳng định tính định hướng và tốc độ phát triển sản xuất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất cũng như diện mạo của ngành.
Một vấn đề nữa là ngành đã hoàn chỉnh quy hoạch, vùng sản xuất công nghiệp tập trung như Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Bắc Văn Yên, Khu công nghiệp phía Tây, Khu công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản. Các sản phẩm công nghiệp đã tạo được vị thế trên thương trường trong và ngoài nước như: đá vôi bột, Felspat, tinh bột sắn, giấy đế, giấy vàng mã, sứ điện, chè...
Kết thúc kế hoạch năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp đã vượt ngưỡng 1.190 tỷ đồng, quan trọng hơn là giữ được nhịp độ và phát triển ổn định. Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2007, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều nỗ lực sắp xếp tổ chức, tiết kiệm chi phí, đầu tư mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường...
Khó khăn và thách thức
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Quân - Phó giám đốc Sở Công nghiệp Yên Bái cũng thẳng thắn thừa nhận: "Sản xuất công nghiệp 10 tháng qua vẫn giữ được nhịp độ sản xuất và có mức tăng trưởng khá song không ổn định. Nhiều doanh nghiệp vẫn trong quá trình tổ chức, quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, xây dựng chiến lược sản xuất lâu dài. Sản phẩm chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh yếu, khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường yếu. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư lớn, nhưng khi đi vào hoạt động hiệu quả không cao và chưa tìm ra giải pháp khắc phục như: dây chuyền chế biến thức ăn gia súc, dây chuyền sản xuất ván dăm, dây chuyền sản xuất sứ treo...".
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng còn đang bỡ ngỡ trước cánh cửa hội nhập WTO. Ví như, trong sản xuất chè, đầu vụ gặp "cơn lốc" chè vàng, cuối vụ là thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp chế biến gỗ, đặc biệt chế biến giấy thiếu nguyên liệu trầm trọng - hệ quả của việc doanh nghiệp, nhà máy chỉ biết khai thác chứ không hề đầu tư cho vùng nguyên liệu.
Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản gặp khó khăn trong khâu cấp phép khai thác, khai thác chưa đúng quy trình, gây lãng phí tài nguyên dẫn đến việc tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh phải chỉ đạo ngừng việc sản xuất và tiêu thụ đá block...
Khu công nghiệp phía nam của tỉnh Yên Bái.
Về đích
Trong hai tháng cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt trên 264 tỷ đồng, một con số không lớn nhưng đòi hỏi nỗ lực rất nhiều. Muốn đạt được mục tiêu đó trước tiên phải đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các huyện, thị, thành phố, tập trung vào các mặt hàng địa phương có lợi thế, có thị trường tiêu thụ và chiếm tỷ trọng lớn.
Các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm cần tổ chức tốt công tác thu mua nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất, đặc biệt các nhà máy chế biến tinh bột sắn, doanh nghiệp chế biến chè. Các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản cần tích cực phát huy năng lực khai thác và chế biến... Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã vực dậy sau cơn khủng hoảng hoặc đang chạy nước rút để về đích trước thời gian.
Công ty Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn sau một thời gian "khủng hoảng" thì những ngày này trong nhà máy, các phân xưởng đã hoạt động đều đặn. Công ty phấn đấu trong hai tháng cuối năm sản xuất 500 tấn sản phẩm sứ cách điện các loại đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Văn Yên cũng hối hả vào ca, từng đoàn xe chở đầy nguyên liệu tấp nập về nhà máy.
Khu công nghiệp phía Nam những ngày cuối năm không khí càng khẩn trương, bận rộn. Nhà máy Giấy, Nhà máy Ván dăm, Nhà máy Nghiền bột đá Công ty cổ phần Mông Sơn cũng đang chạy hết công suất. Các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản như: Felspat bột, đá vôi bột, đá vôi hạt, quặng sắt tích cực phát huy năng lực khai thác và chế biến, đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trên công trường xây dựng Thuỷ điện Mường Kim, Nậm Đông, Nhà máy Xi măng Yên Bình, Nhà máy Luyện gang thép Cửu Long-Vinashin... tất bật thi công sớm đưa những hạng mục công trình vào vận hành.
Nhận định đúng thời cơ, thách thức cùng hướng chỉ đạo phù hợp và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp năm 2007 chắc chắn sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
YBĐT
Các tin khác
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có diện tích tự nhiên gần 120 ngàn ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm tới 80%. Nơi đây cũng có khu bảo tồn loài - sinh cảnh Chế Tạo rộng 23 ngàn ha với loài vượn đen và nhiều loài thực vật quý hiếm.
YBĐT - Cuối năm 2003, Nhà máy Xi măng Yên Bái tiến hành cổ phần hoá và chuyển đổi thành Công ty cổ phần Xi măng Yên Bái hoạt động. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Ban giám đốc và Hội đồng quản trị công ty đã tìm ra hướng đi mới cho Công ty, được cổ đông đồng tình ủng hộ, tạo nên bước phát triển vượt bậc sau 4 năm cổ phần hoá.
YBĐT - Vụ mùa 2007, toàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) gieo cấy được 3.036 ha lúa. Các địa phương có diện tích gieo cấy lớn như xã Báo Đáp 179 ha, Hồng Ca 220 ha, Hưng Khánh 185 ha... Nhiều địa phương đã chủ động bố trí nguồn nước, giống cây trồng, phòng trừ dịch bệnh hợp lý, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.
YBĐT - Thực hiện chủ trương của tỉnh Yên Bái về phát triển diện tích lúa chất lượng cao thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, từ năm 2001, huyện Trấn Yên đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, mở rộng và phát triển diện tích qua từng năm, dần định hình được vùng lúa hàng hoá có giá trị kinh tế cao, làm thay đổi căn bản thói quen sản xuất manh mún, tự cấp, hướng người dân, nhất là đồng bào các xã vùng sâu, vùng cao tới nền kinh tế thị trường.