Cần làm tốt việc tỉa thưa cây pơ mu trong vùng chè tuyết
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cách đây hơn chục năm, cây pơ mu được đưa vào trồng xen với cây chè Tuyết ở xã Suối Giàng (Văn Chấn). Diện tích trồng xen chỉ có khoảng trên chục ha và đều nằm ở khu vực trung tâm xã. Cây pơ mu sau khi trồng rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây nên rất nhiều cây có đường kính gốc khoảng 30 cm. Có điều khi trồng xen với chè Tuyết, người ta đã không tính toán đến yếu tố về sau này cây pơ mu sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cây chè Tuyết.
Cần tỉa thưa pơ mu trong vùng trồng chè Tuyết.
|
Ảnh hưởng rõ nhất là, nó cạnh tranh nguồn dinh dưỡng xung quanh gốc chè. Tán pơ mu chèn ép làm cho tán chè không phát triển được. Chè Tuyết ưa ánh nắng tán xạ, trong khi đó vùng này quanh năm âm u, lại thêm tán pơ mu hạn chế ánh nắng nên nhiều thành phần nội chất trong búp chè cũng suy giảm. Cũng có ý kiến cho rằng, pơ mu là loại cây có dầu, nên khi lá rụng xuống và phân huỷ cũng làm ảnh hưởng đến cây chè...
Qua thực tế trên, đã có nhiều cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo cần phải có biện pháp khắc phục hữu hiệu nhất để cho cây pơ mu không nguy hại đến cây chè. Bởi vì, cây chè là nguồn lợi kinh tế bền vững và đầy tiềm năng trong tương lai. Cây chè Tuyết cũng là một cây đặc thù riêng của Suối Giàng và sẽ là một yếu tố góp phần quan trọng vào chương trình phát triển thương mại và du lịch ở đây. Do đó, huyện Văn Chấn đã đưa ra giải pháp là, tỉa thưa cây pơ mu để tránh mọi sự chèn ép với cây chè.
Ông Vàng A Giao-Phó chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, sau khi có chỉ đạo của huyện thì xã đã tuyên truyền vận động các hộ dân có diện tích chè Tuyết trồng xen thì nên tỉa thưa cây pơ mu. Các hộ dân đều hiểu rõ mối nguy hại này với cây chè Tuyết nên đều chấp hành tỉa thưa.
Vậy, làm thế nào để khi đốn tỉa cây pơ mu mà không làm gẫy cây chè? Ông Giao cho biết một cách làm rất hay là, bà con đẽo vỏ xung quanh gốc để cây pơ mu chết khô, nhẹ rồi buộc dây vào ngọn cây, đốn gốc và hạ dây từ từ cho cây đổ xuống. Khoảng cách tỉa thưa là: cây cách cây, hàng cách hàng 10 mét. Những cây để lại thì yêu cầu bà con phải phát hết cành tán ở gần gốc để tạo độ thoáng cho cây chè.
Vào thời điểm chúng tôi lên xã Suối Giàng, ông Vàng A Giao cho biết, đã hoàn thành việc tỉa thưa pơ mu theo hướng dẫn của huyện. Tự đi thăm một số vạt chè và cảm nhận trước hết là, không phải chỗ nào mật độ trồng xen cây pơ mu cũng dày. Bởi vì sau khi trồng xen, tỷ lệ cây sống cũng không cao.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi thì mật độ pơ mu lại khá dày. Những cây pơ mu đã khô ngọn thì đúng là bà con đã đẽo vỏ quanh gốc, chờ khô hẳn mới đốn hạ. Nhưng số cây khô chỉ nhìn thấy loáng thoáng và rất nhiều nơi những cây còn sống chỉ cách nhau khoảng 3 đến 4 mét.
Trở lại trụ sở UBND xã Suối Giàng, chúng tôi lại hỏi Phó chủ tịch Vàng A Giao rằng: "Vì sao đã tỉa thưa xong rồi mà còn thấy nhiều cây pơ mu vẫn mọc liền nhau như vậy? Hay là bà con mình tiếc mà không chặt?", ông Vàng A Giao chỉ cười và không trả lời.
Thiết nghĩ, cây chè Tuyết đúng là báu vật mà trời đất ưu ái ban tặng cho người Mông ở xã Suối Giàng. Gần hai trăm ha chè đã cho khai thác và khoảng trăm ha trồng mới ở vùng núi khí hậu khắc nghiệt này, vẫn chắt lọc từ những thân cành khẳng khiu nảy ra những chồi non lộc biếc để đời sống người Mông thêm phần no đủ. Vậy mà, cây chè Tuyết gần đây đã phải chịu nhiều "kiếp nạn".
Chẳng hạn, có lúc việc chế biến "thật hư lẫn lộn" khiến cho tiếng thơm của "chè Tuyết Suối Giàng" mất đi uy tín. Lúc thì người ta bứng nhiều cây vào loại to nhất, đẹp nhất mang về xuôi để làm cây cảnh. Và cả những lúc xây dựng hạ tầng cơ sở người ta cũng ủi phăng đi không biết bao nhiêu cây chè Tuyết...
Những vấn đề tồn tại trên đã từng bước được khắc phục. Vì vậy, việc tỉa thưa cây pơ mu để không gây hại đến cây chè Tuyết, cần được thực hiện một cách triệt để hơn và trách nhiệm trước tiên phải thuộc về chính quyền huyện trong công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Do giá các loại nông sản thực phẩm tiếp tục duy trì ở mức cao có lợi cho người sản xuất nên nhiều năm qua, vụ đông đã được coi là vụ sản xuất chính và được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tỉnh Yên Bái quan tâm chỉ đạo sát sao.
YBĐT - Công ty cổ phần Thành Công (TP Yên Bái) có 2 phân xưởng chế biến sản xuất tinh bột cao lanh tại phường Nguyễn Thái Học và xã Nam Cường. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động với mức thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng.
YBĐT - Đầu tháng 11, Trung tâm Thuỷ sản tỉnh Yên Bái đã tổ chức thả cá bổ sung đợt 2 năm 2007 vào các hồ Thác Bà và Vân Hội gồm 6.481,1 kg cá trôi và cá mè. Tổng cộng 2 đợt thả bổ sung đã có 9137,6 kg cá giống trôi và mè được thả vào các hồ nuôi lớn trong tỉnh.
YBĐT - Để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã có nghị quyết xây dựng dự án trồng mới 500 ha chè Shan giai đoạn 2008 - 2010 tại 6 xã là: Suối Giàng, Suối Quyền, Nậm Lành, Nậm Mười, Sùng Đô, An Lương.