Nặng lòng với tiếng thoi đưa
- Cập nhật: Thứ ba, 20/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hai mươi mốt tuổi, cô gái bản Pá Khết Lò Thị Tuyên, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lập gia đình. Sáu năm sau, vợ chồng và hai đứa con chị ra ở riêng với 1.800 mét vuông ruộng nước và 2 gian nhà tranh tre. Những lúc mùa màng thất bát, cái ăn cái mặc không đủ, Lò Thị Tuyên trăn trở không biết làm cách nào để cuộc sống ổn định, bớt kham khổ.
Dệt thổ cẩm ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). (Ảnh: Đức Thành)
|
Nấu rượu, nuôi lợn là công việc chị thử sức đầu tiên, cũng là cái nghề xưa nay ở một mảnh đất thuần nông như quê hương chị. Nhưng để hiệu quả, phải có kiến thức. Chính suy nghĩ đầu cuối này mà chị được Hội Phụ nữ thị xã cử đi tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi. Kiến thức trong tay, với 5.000.000 đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách qua Hội Phụ nữ, chị đầu tư mua sắm đồ nấu rượu và chăn nuôi lợn.
Biết cách chăn nuôi, không ngại vất vả, mỗi năm chị có 2 tấn lợn xuất chuồng, đem lại cho gia đình 30.000.000 đồng/năm. Niềm mong mỏi thoát nghèo ngày nào, giờ đã là hiện thực, cuộc sống gia đình chị ổn định dần.
Thế nhưng, tiếng thoi đưa đều đều bên khung cửi hằng đêm từ thuở bé thơ chưa bao giờ nguôi ngoai trong chị. Còn nhớ, ở cái tuổi chỉ biết ăn và lớn, nhiều đêm chợt giật mình bởi tiếng lạch cạch thoi đưa - mẹ vẫn ngồi nhẫn nại bên khung cửi.
Gia đình người Thái nào ở đây chẳng quen thuộc với chiếc khung cửi, với sợi lanh, với vải thổ cẩm. Nhà lại nghèo, mẹ cứ cặm cụi thêm thắt cho gia đình nhờ chiếc khung cửi. Đau đáu một tiếng thoi đưa, đau đáu về một nghề truyền thống của bản làng cộng với sự nhạy bén khi nhận thấy thị trường Nghĩa Lộ có điều kiện để sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng thổ cẩm đã thôi thúc chị cùng chồng bàn cách khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm của gia đình.
Với lưng vốn đã có, cùng 15 triệu đồng vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm do Hội Phụ nữ nhận uỷ thác, chị đầu tư mua 4 khung dệt cải tiến, năng suất gấp 10 lần khung dệt thủ công truyền thống. Những ngày đầu, nhận sợi len từ các chủ cửa hàng về dệt rồi trả vải thô cho họ, cũng vẫn chỉ là sự lấy công làm lãi. Chị đã nghĩ: "Mở rộng qui mô, tự hoàn thiện sản phẩm… có thể lắm chứ?”. Vậy là, thêm 10 chiếc quay xa và máy khâu, mua nguyên liệu, nghiên cứu các mẫu mới và hoàn thiện quy trình sản phẩm. Xưởng dệt của chị đã là một cơ sở sản xuất khép kín với đủ sản phẩm thổ cẩm: chăn, ga, gối, đệm, khăn len, túi, ví, bao đựng điện thoại di động… phục vụ bán buôn, bán lẻ không chỉ ở Nghĩa Lộ mà cả các vùng lân cận.
Từ những khung dệt ngày nào của gia đình, giờ đã thành xưởng dệt khá nổi tiếng trong vùng, không chỉ tạo việc làm cho chính 3 nhân khẩu trong nhà mà đã mang lại thu nhập trung bình 600.000đ/tháng cho 8 chị em nữa ở địa phương.
Ngôi nhà tranh tre nứa ngày ra ở riêng của hai vợ chồng chị, giờ đã là một ngôi nhà sàn khang trang, không thiếu tiện nghi. Người phụ nữ Thái dám nghĩ, dám làm đã được chị em trong bản lấy làm gương học tập và tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng phụ nữ bản Pá Khết và là cộng tác viên dân số của bản. Nhưng hơn bất cứ điều gì, điều chị hài lòng nhất là đã góp phần gìn giữ, phát triển và làm giàu bằng nghề truyền thống của dân tộc.
Nặng lòng với từng sợi lanh, mảnh vải, từng nét hoa văn, chị không tiếc công sức, thời gian, hướng dẫn, dạy nghề cho các em gái trong bản. Chị nói: “Nhiều cháu 13, 14 tuổi đã biết bắt hoa văn thành thạo rồi đấy!”. Rồi chị cười chào khách, nụ cười tươi tắn như một nét hoa văn!
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001- 2010, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã phát triển nhanh, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.
YBĐT - Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm tài chính, ngành thuế Yên Bái đang bước vào chặng thi đua nước rút, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách năm 2007.
YBĐT - Tỉnh Yên Bái đã xây dựng đề án xuất khẩu chè giai đoạn 2006 - 2010 trong đó có mục tiêu phải đạt 8000 tấn chè khô trong năm 2007 nhưng đến hết tháng 10, toàn tỉnh mới xuất khẩu được 473 tấn.
YBĐT - Đến cuối tháng 10-2007, toàn tỉnh đã trồng mới được trên 13.465 ha rừng, đạt gần 90% kế hoạch năm. Trong đó, các lâm trường trồng được 1.033 ha; các huyện, thị và nhân dân trồng được 12.432 ha.