Hiệu quả từ Dự án cải tạo, phát triển đàn bò
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau nhiều năm đàn gia súc, nhất là đàn bò liên tục giảm về số lượng cùng với thể trạng, tầm vóc nhỏ bé thì đến nay đã có những dấu hiệu phát triển khá, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi đã tăng đáng kể.
|
Sau hai năm thực hiện dự án cải tạo, phát triển, đàn bò đã tăng trên 12 ngàn con và đã có 800 hộ dân nuôi với quy mô từ 5 con trở lên. Quan trọng hơn là nó đã và đang cải tạo đàn với thể trạng cao, to hơn, người dân chăn nuôi theo hướng hàng hoá thị trường đã mang lại hiệu quả tốt, tạo tiền đề cho phát triển những năm tiếp theo.
Là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc, thế nhưng trong nhiều năm qua, chăn nuôi bò liên tục giảm từ 30 ngàn con năm 1995 xuống còn chưa đầy 26 ngàn con 2003. Đáng buồn hơn nữa là thể trạng, vóc dáng bò Yên Bái quá nhỏ bé không đáp ứng cho sản xuất cũng như làm hàng hoá. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là tỉnh chưa có chính sách, cơ chế phù hợp; người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm chăn thả tự nhiên. Bãi chăn thả ngày càng thu hẹp để gieo trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp, trồng rừng... Hình thức chăn nuôi quảng canh, giống bò không được lựa chọn tốt, chủ yếu là giống địa phương năng suất thấp, sinh đẻ kém, hiệu quả kinh tế thấp khiến người dân không mặn mà với chăn nuôi.
Nhằm đưa chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi bò trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo cho nông dân, từ cuối năm 2004, tỉnh xây dựng “Chương trình cải tạo và phát triển đàn bò thịt” bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giai đoạn 2005-2010. Ngày 29.7.2005 UBND tỉnh lại có Quyết định 250/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn trong 2 năm 2005-2006”. Mục tiêu của dự án, chương trình là đưa chăn nuôi bò phát triển, tăng nhanh về số lượng, nâng cao thể trọng và sức sản xuất của đàn bò, phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh có trên 50 ngàn con bò, quan trọng hơn thay đổi phương thức từ chăn thả quảng canh sang nuôi theo bán công nghiệp.
Mặc dù thời gian thực hiện chưa dài, song dự án đã được triển khai rộng khắp. Người dân phấn khởi tự tin và tận dụng tốt cơ hội cho xoá đói nghèo. Ngay trong năm đầu thực hiện, chương trình đã được triển khai tới 67 xã của 7 huyện, thị với 287 hộ tham gia và đã mua được 1.436 con bò sinh sản và đã trồng 120 ha cỏ voi đưa diện tích cỏ lên 500 ha. Kết quả số bò do bà con chăn nuôi đã sinh sản được 300 con bê. Những kết quả đó càng khẳng định cho hướng đi đúng đắn của nhà nông Yên Bái trong phát triển chăn nuôi đại gia súc. Cùng với chăn nuôi bán công nghiệp, việc cải tạo nâng cao tầm vóc đàn cũng khá hiệu quả, số bò lai chiếm trên 50% tổng đàn.
Bước vào năm 2006 và năm 2007, việc chăn nuôi và phát triển đàn bò theo phương thức bán công nghiệp đã không còn xa lạ với người dân. Chăn nuôi bò đã trở thành một nghề không thể thiếu với hàng ngàn hộ dân nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao.
Nói về dự án phát triển chăn nuôi bò, ông Đoàn Kim Thành-Phó giám đốc, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: “Thời gian thực hiện hiện dự án chưa dài, nhưng có thể nói đây là một dự án phù hợp trong chiến lược phát triển nông-lâm nghiệp Yên Bái trong giai đoạn hiện nay. Chương trình đã thúc đẩy tăng đàn khá tốt, dự kiến hết năm 2007 đàn bò toàn tỉnh đạt 38.800 con, tăng 12.600 con so với trước khi triển khai dự án. Tập quán chăn nuôi của người dân đã thay đổi từ chăn nuôi quảng canh sang hướng hàng hoá và cứ đà này đến năm 2010 tổng đàn đạt 50 ngàn con là nằm trong tầm tay”.
Rõ ràng việc chăn nuôi, phát triển đàn bò đang phát huy hiệu quả tốt, nhiều gia đình từ khó khăn nay đã khá giả hơn. Toàn tỉnh đã có trên 800 hộ dân nuôi từ 5 con trở lên và có 67 hộ có quy mô nuôi trên 20 con. Tiêu biểu trong phong trào chăn nuôi bò theo phương thức bán công nghiệp là các huyện Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên. Phát triển nuôi bò đã góp phần đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 21,61% trong sản xuất nông-lâm nghiệp năm qua. Tập quán chăn nuôi đã được thay đổi một bước từ chăn thả tự nhiên sang trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn.
Những kết quả đạt được càng khẳng định hướng phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi bò theo hướng hàng hoá là phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay. Quan trọng hơn nó đã tạo một nền tảng vững chắc cho phát triển chăn nuôi đại gia súc của địa phương.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai nằm trên tuyến đường hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu là cửa ngõ thông thương quan trọng, thuận tiện và là hành trình ngắn nhất nối Việt Nam, các nước ASEAN với miền Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
YBĐT - Năm 2007, được coi là năm sản xuất, kinh doanh chè có bước chuyển tốt, tổng sản lượng đạt 70 ngàn tấn, tăng 5 ngàn tấn so cùng kỳ nhưng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác chỉ đạt 12 triệu đồng. Trên thị trường, đã có thêm một số sản phẩm chè mới là chè Ô Long, Bát Tiên... có giá bán cả trăm ngàn đồng/kg, nhưng số lượng rất ít, các doanh nghiệp vẫn chế biến chè đen là chính và chủ yếu bán qua các tổng công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh, số lượng xuất khẩu chưa đầy 500 tấn...
YBĐT - Năm 2007 là năm thứ hai, ngành Thuế huyện Trấn Yên thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010). Đây là một năm dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn bởi các khoản thu từ đất giảm mạnh, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng cũng chững lại...
YBĐT - Mục tiêu của đợt thanh tra là: xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân kinh doanh MBH xe máy hoặc để khuyến mại cho hoạt động của mình mà không đạt tiêu chuẩn bắt buộc TCVN 5756: 2001 hoặc TCVN 6979: 2001 theo quy định, nhằm bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn cho người sử dụng; góp phần nâng cao nhận thức cho các cơ sở kinh doanh MBH và các cơ sở dùng MBH để khuyến mại cho hoạt động kinh doanh.