Một mô hình giảm nghèo bền vững
- Cập nhật: Thứ tư, 26/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ năm 2004 đến năm 2006, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện ba dự án mô hình giảm nghèo bền vững: phát triển đàn trâu, bò sinh sản tại một số địa phương.
Đàn bò của dự án.
|
Trong năm đầu thực hiện, dự án được triển khai tại 9 xã thuộc huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Lục Yên. Với tổng nguồn vốn 900 triệu đồng, dự án đã hỗ trợ 159 hộ nghèo theo cơ chế mỗi hộ được nhận 1 con trâu hoặc 1 con bò sinh sản. Sau ba năm, số bê, nghé được sinh ra là 72 con, nâng tổng đàn gia súc của dự án lên 231 con. Bước sang năm thứ hai, cũng vẫn với số vốn 900 triệu đồng, dự án hỗ trợ mua 149 con trâu, bò sinh sản cho 149 hộ gia đình ở 10 xã thuộc huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Yên. Sau hai năm, số trâu bò này sinh thêm 47 con. Đến năm 2006, dự án đã mở rộng ra 13 xã thuộc 4 huyện, nguồn kinh phí nâng lên 1,3 tỉ đồng; 228 con trâu, bò giống giao cho 183 hộ nghèo được hưởng lợi. Trạm Tấu và Mù Cang Chải, mỗi huyện giao 48 con bò giống cho 48 hộ nghèo; huyện Lục Yên giao 40 con trâu cái cho 40 hộ nghèo; riêng Văn Chấn giao 92 cặp bò cho 47 hộ. Đến nay, đàn bò đã sinh thêm 2 con.
Qua kết quả ban đầu cho thấy, đây là một dự án có hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa cả về mặt kinh tế và xã hội; vốn đầu tư không lớn, phù hợp với điều kiện của hộ nghèo; kỹ thuật chăm sóc giản đơn, mức độ rủi ro thấp. Đồng thời cũng tận dụng được lao động phụ, tạo sức kéo, cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân, từ đó có thể giúp họ xóa đói giảm nghèo bền vững. Mặt khác, dự án hoạt động dưới hình thức cho vay bằng hiện vật nên đã tránh được tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích. Do có sự ràng buộc về trách nhiệm giữa những hộ nghèo được vay bò trước và những hộ nghèo được vay bò sau theo quy chế nên dự án ngày càng mở rộng, đem lại hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, dự án cũng không tránh khỏi những rủi ro nhất định. Quá trình triển khai dự án từ năm 2004, 31 con gia súc đã bị chết (15,6% tổng đàn), trong đó có 27 con trâu, bò ban đầu của dự án (16,9%). Trong năm thứ hai, 17 con bị chết, trong đó có 14 con của dự án đầu tư mua về. Và năm thứ ba, 1 con bò ban đầu của dự án bị chết. Đây là những rủi ro khách quan do khí hậu khắc nghiệt, địa hình tại Trạm Tấu và Mù Cang Chải có độ dốc cao, nhiều khe núi hiểm trở nên trong quá trình chăn thả, trâu, bò bị rơi, ngã từ trên cao xuống. Bên cạnh đó là dịch lở mồm long móng xảy ra trong năm 2005 và 2006. Và thực tế cũng cho thấy, trình độ dân trí thấp, sự trông chờ ỷ lại của một bộ phận không nhỏ người dân cũng là nguyên nhân làm mất hoặc chết gia súc.
Đến nay, với 11 con gia súc được luân chuyển và tốc độ tăng trưởng của đàn bò trung bình là 16% vẫn chưa phải là những kết quả như mong muốn. Nhưng dự án mô hình xóa đói giảm nghèo "Phát triển đàn bò sinh sản" đã ít nhiều chứng minh hiệu quả giảm nghèo và tính bền vững của nó. Song, cùng sự nỗ lực của Nhà nước, người dân nhất thiết phải có sự thay đổi tư duy, nhận thức cũng như thực sự quý trọng đồng vốn được đầu tư, có ý thức vươn lên thoát nghèo mạnh mẽ thì những dự án xóa đói giảm nghèo như thế này mới thực sự đem lại hiệu quả cao nhất.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Khi giá xăng, dầu tăng cao, kéo theo đó là giá vật liệu xây dựng cũng tăng theo, gây khó khăn cho các đơn vị thi công trong lĩnh vực XDCB. Nhiều công trình bị lỗ hàng tỷ đồng, đơn vị thi công khóc dở mếu dở sau khi ký hợp đồng...
YBĐT - Thực hiện Quyết định số 6969 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/12/2007 tại thành phố Hải Phòng đã diễn ra lễ bàn giao Công ty Vật tư nông nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Yên Bái về Tập đoàn Công nghiệp tầu thuỷ Việt Nam. Dự lễ bàn giao về phía tỉnh Yên Bái có các đồng chí Phạm Duy Cường - ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các sở: Tài chính vật giá, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
YBĐT - Năm 2007, công tác sửa chữa đường bộ Trung ương và sửa chữa đường bộ địa phương được ngành GTVT Yên Bái tích cực triển khai và đạt giá trị thực hiện cả năm trên 32 tỷ 100 triệu đồng, trong đó sửa chữa đường bộ Trung ương đạt trên 19 tỷ 300 triệu, sửa chữa đường bộ địa phương đạt gần 12 tỷ đồng.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tổng giá trị đầu tư phát triển giao thông nông thôn của huyện ước đạt 30 tỷ 60 triệu đồng, bằng 22% so với năm 2006, trong đó: vốn Nhà nước 22 tỷ 710 triệu đồng, nhân dân đóng góp trên 7 tỷ đồng.