Toàn tỉnh Yên Bái có 1.030 trang trại
- Cập nhật: Thứ năm, 12/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày 12/6, Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm về phát triển kinh tế trang trại và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ khóa XV về xây dựng và phát triển kinh tế đồi rừng.
Diện tích rừng ở các địa phương vùng thấp của Yên Bái có 233.675 ha. Ảnh Quang Tuấn
|
Sau 15 năm áp dụng và khuyến khích phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, kinh tế trang trại của Yên Bái đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Mô hình kinh tế trang trại đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, chuyển dần từ sản xuất bằng kinh nghiệm mang tính tự cung, tự cấp sang cách làm mới theo hướng sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, giá trị cao. Kinh tế trang trại đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: vùng chè, quế, nguyên liệu giấy, cây ăn quả, sắn cao sản…
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.030 trang trại, trong đó có 319 trang trại đủ tiêu theo quy định. Bình quân mỗi trang trại ở Yên Bái có quy mô là 15,44 ha đất, trong đó có 77,4% các trang trại tổ chức sản xuất theo mô hình sản xuất nông nông nghiệp. Các trang trại đã tạo công ăn việc làm cho 3.774 lao động; bình quân mỗi trang trại có thu nhập hàng năm là 36,7 triệu đồng.
Với 70% diện tích là đất lâm nghiệp, với 80% dân số sinh sống gắn liền với rừng và nghề rừng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU kinh tế lâm nghiệp ở Yên Bái đã có bước chuyển biến quan trọng. Diện tích rừng không ngừng được tăng lên.
Ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu và Mù Cang Chải và các xã vùng cao của huyện Văn Chấn, sau 5 năm (tính đến hết năm 2007) đã trồng mới được 13.253 ha rừng phòng hộ và trên 4200 ha rừng sản xuất, khoang nuôi tái sinh mới 34.200 ha rừng phòng hộ; đưa tổng diện tích rừng toàn vùng lên 140.637 ha, độ che phủ của rừng đạt 44,5%.
Tại các huyện vùng thấp, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, tổng diện tích rừng toàn vùng đạt 233.675 ha, độ che phủ rừng đạt 63%. Rừng đã cung cấp ổn định nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Hàng năm, sản lượng khai thác bình quân đạt từ 130.000 - 150.000 m3 gỗ các loại, 100.000 tấn tre, vầu, nứa; trên 3.000 tấn vỏ quế khô, 10.000 tấn tre măng Bát Độ, trên 100 tấn nhựa thông…
Việc thực hiện Nghị quyết 06 đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp cũng như nguồn lực đầu tư cho lâm nghiệp tăng lên, đời sống nhân dân nơi có rừng từng bước được cải thiện, môi trường sinh thái được bảo vệ, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển…
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 15 năm tổng kết thực hiện kinh tế trang trại và 5 năm thực hiện phát triển kinh tế đồi rừng, Yên Bái cũng bộc lộ những tồn tại yếu kém như: dù có tăng nhanh nhưng kinh tế trang trại ở Yên Bái có quy mô trang tại còn nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu; một số địa phương, ban ngành có liên quan chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của kinh tế trang trại, chưa quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để kinh tế trang trại phát triển; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp và Nhà nông để phát triển…
Trong phát triển kinh tế đồi rừng, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân ý thức bảo vệ rừng, tuân theo pháp luật và những quy định của nhà nước chưa thường xuyên, liên tục dân đến vẫn còn tình trạng khai thác rừng trái phép, phá rừng, đốt nương…; chất lượng rừng trồng phòng hộ, rừng kinh tế và rừng khoanh nuôi tái sinh còn thấp còn thấp; công tác giao khoán rừng và bảo vệ rừng phòng hộ còn mang tính hình thức, chưa có chủ rừng đích thực; sự đầu tư cho chế biến lâm sản còn hạn chế; công tác quản lý điều hành nhiều nơi còn bất cập… gây cản trở phát triển kinh tế đồi rừng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: Kinh tế trang trại và phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi đúng đắn trong phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển nông thôn mới. Vì vậy, tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương cần tiếp tục tạo mọi điều kiện để kinh tế trang trại và kinh tế đồi rừng tiếp tục phát huy hiệu quả.
Làm sao để trang trại và đồi rừng trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống nghề rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và giữ gìn an ninh quốc phòng…
Đình Tứ
Các tin khác
YBĐT - Ngày 12/6/2008, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã tổ chức lễ khai trương chi nhánh tại tỉnh Yên Bái. Dự lễ khai trương có đồng chí Phạm Duy Cường - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Ngày 12/6/2008, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển". Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại khiến giá vàng trong nước tiếp tục đi lên vào sáng 12/6, lên mức bán ra 1,850 triệu đồng/chỉ.
YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ sản xuất 500 ha lúa trong dự án lúa hàng hóa vụ mùa 2008 / Năng suất lúa ở Trấn Yên ước đạt 47 - 48 tạ/ha / Xã Sơn Thịnh thử nghiệm 4 mô hình sản xuất cây lương thực