Xuất khẩu: Đâu là giải pháp?

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái xác định rõ các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là: quế, chè, giấy, tinh bột sắn, chế biến gỗ rừng trồng. Trong khai thác khoáng sản tập trung đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không xuất khẩu thô, chưa qua chế biến... phấn đấu đến năm 2013 Yên Bái không còn tình trạng xuất khẩu thô.

(Ảnh minh họa). Ảnh: PV.
(Ảnh minh họa). Ảnh: PV.

Là một tỉnh miền núi, nằm sâu trong nội địa, nhưng Yên Bái lại có nhiều thế mạnh về tài nguyên, khoáng sản, các sản phẩm nông-lâm sản phong phú, đa dạng đáp ứng cho xuất khẩu. Mặc dù đã có nhiều cố gắng sản xuất, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, mời gọi đầu tư… song kim ngạch xuất khẩu hàng năm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có: năm 2006 chỉ đạt gần 12 triệu USD, 2007 đạt 12,516 triệu USD và từ đầu năm 2008 đến nay mới đạt gần 4 triệu USD, phấn đấu hết năm đạt 17 triệu USD. Yên Bái không được xếp hạng trong số các tỉnh, thành mạnh về xuất khẩu trong cả nước.

Nói về các mặt hàng để xuất khẩu thì không phải Yên Bái không có, thậm chí còn khá phong phú về chủng loại, nhóm hàng nông sản có chè, quế, tinh bột sắn; nhóm hàng công nghiệp và khai thác có sản phẩm từ bột đá CaCO3 và đá hạt, sứ cách điện; hàng công nghiệp nhẹ và thủ công may mặc, thổ cẩm, tranh đá mỹ nghệ, mây tre đan và một loạt mặt hàng lâm sản: giấy vàng mã, giấy đế, sản phẩm gỗ rừng trồng… Chẳng nói đâu xa, chỉ tính riêng mặt hàng chè khoảng 15 ngàn tấn, trên 3 ngàn tấn quế vỏ, 8 ngàn tấn tinh bột sắn, 27 ngàn tấn giấy đế, vàng mã và sản phẩm đá, nếu xuất khẩu hết cũng đạt 40-45 triệu USD/năm. Tiềm năng là thế, nhưng kết thúc năm 2007, toàn tỉnh mới đạt kim ngạch xuất khẩu chưa đầy 13 triệu USD, năm 2008 phấn đấu 17 triệu USD. Nhưng theo dự báo thì con số 17 triệu USD này rất khó hoàn thành.

Một vấn đề nữa là sản phẩm các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian qua chủ yếu xuất sang thị trường châu á, một thị trường được đánh giá là tương đối "dễ tính" so với thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Tại sao kim ngạch xuất khẩu đạt thấp? Câu hỏi không khó trả lời mà bất cứ nhà quản lý, doanh nghiệp nào cũng hiểu và thừa nhận. Đó là hiện toàn tỉnh có 615 doanh nghiệp, 273 HTX và trên 2.500 tổ hợp tác, song các doanh nghiệp của ta quy mô nhỏ bé, tiềm lực tài chính thì hạn chế. Đó cũng là lý do chỉ có 22 doanh nghiệp, HTX sản xuất có sản phẩm xuất khẩu với tổng số 14 mặt hàng đến 15 nước. Số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 1 triệu USD/năm đếm chưa hết 5 đầu ngón tay.

Nguồn hàng thì rất lớn, song lượng hàng xuất khẩu trực tiếp chiếm tỷ trọng nhỏ; mặt hàng đơn điệu, chưa có nhiều hàng hoá có chất lượng tốt đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chè, quế được coi là hai mặt hàng nông sản chủ lực cho xuất khẩu nhưng chất lượng sản phẩm thấp, các doanh nghiệp mới chỉ sản xuất hàng hoá dạng thô rất khó xuất khẩu, mà chủ yếu bán qua các tổng công ty hoặc xuất khẩu ủy thác là chính. Đành rằng trong thời gian qua, đồng USD mất giá so với các đồng ngoại tệ mạnh, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao và tình hình lạm phát gia tăng là những yếu tố bất lợi cho xuất khẩu.

Nhưng có lẽ nguyên nhân chính dẫn đến xuất khẩu yếu là hoạt động xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp yếu; trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác xúc tiến kém, lúng túng khi tiếp cận các thông lệ quốc tế trong xuất khẩu hàng hoá; chưa có định hướng và chiến lược sản xuất hàng hoá xuất khẩu lâu dài mà vẫn chạy theo nhu cầu nhất thời; tiềm lực tài chính không có, lại không mạnh dạn vay vốn ngân hàng, có doanh nghiệp muốn vay lại thiếu thủ tục, không có hợp đồng ngoại thương; phần lớn các doanh nghiệp chưa đi sâu nghiên cứu đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất hàng hoá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Một vấn đề không thể không nói đến, là các doanh nghiệp tham gia sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như chè, quế, bột đá các loại thì mạnh ai người ấy làm, giá cả tùm lum; vấn đề xây dựng chiến lược sản phẩm, thương hiệu hàng hoá không được quan tâm đúng mức.

Để tìm rõ những nguyên nhân, tồn tại, đẩy mạnh xuất khẩu đến năm 2010, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là đến năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 25 triệu USD trở lên, tại hội nghị đánh giá 2 năm công tác xuất khẩu và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu đến năm 2010, do Thường trực Tỉnh ủy vừa tổ chức, với sự tham gia của các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, bí thư các huyện, thị, thành ủy, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, hầu hết đại biểu các ngành, doanh nghiệp đều thừa nhận những yếu kém trong công tác xuất khẩu từ khâu sản xuất, lựa chọn mặt hàng, chất lượng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm đến xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong công tác xuất khẩu và chỉ rõ những việc phải làm trong thời gian tới, là: tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, có cơ chế chính sách phù hợp thu hút đầu tư; các doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất phải gắn với vùng nguyên liệu; thành lập các hiệp hội, ngành hàng; hình thành trung tâm giao dịch chè Yên Bái; phối hợp với ngành chức năng mở Chi nhánh Hải quan tại Yên Bái. Yên Bái cũng xác định rõ các ngành hàng, mặt hàng chủ lực là: quế, chè, giấy, tinh bột sắn, chế biến gỗ rừng trồng. Trong khai thác khoáng sản tập trung đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không xuất khẩu thô, chưa qua chế biến. Đối với chè là mặt hàng chủ lực cần tiếp tục cải tạo giống chè, công nghệ chế biến, sản xuất, nhất là chế biến chè tinh. Các mặt hàng giấy, gỗ rừng trồng: đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mở rộng sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ… để đến năm 2013 Yên Bái không còn tình trạng xuất khẩu thô.

Chủ trương đúng, định hướng đúng, cơ chế chính sách phù hợp, đó là điều kiện tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Song một vấn đề cốt lõi của xuất khẩu Yên Bái là các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự quan tâm và đầu tư có chiều sâu, tầm chiến lược từ công nghệ máy móc đến con người, chất lượng sản phẩm hàng hoá. Sản xuất, buôn bán vẫn theo kiểu "chụp giật" cốt chỉ để bán được hàng dẫu cho lợi nhuận thấp... Những hạn chế đó cần sớm dứt điểm giải quyết thì mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là đến năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 25 triệu USD mới có thể thành hiện thực.

 Thanh Phúc

Các tin khác

Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết dự kiến mức giải ngân vốn ODA cả năm 2008 sẽ đạt trên 2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Ngày 16-6, giá thép giao tại nhà máy tăng 200.000-300.000 đồng/tấn. Cụ thể, tại phía Nam, giá thép cuộn của Vina Kyoei hiện giữ mức16,35-16,55 triệu đồng/tấn, khoảng 16,57 triệu đồng/tấn (thép cây).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc vừa cho biết, bắt đầu từ ngày 22-6, 11 đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì sẽ đi kiểm tra tại các bộ ngành và địa phương về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách.

Vùng phủ và chất lượng phát sóng điện thoại di động Mobi Fone tại Yên Bái ngày càng được nâng cao.

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 24 trạm phát BTS của mạng di động Mobi Fone. Theo đó, hệ thống đại lý đã được phủ kín ở các huyện thị, thành phố với trên 50 điểm phục vụ và chăm sóc khách hàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục