Không để thiếu vốn cho các dự án điện

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/7/2008 | 12:00:00 AM

Ngày 3/7, chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ một số vướng mắc về nguồn vốn cho ngành Điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Cần sắp xếp, cơ cấu lại nguồn vốn, không để tình trạng thiếu vốn dẫn tới việc lùi, giãn tiến độ các dự án nguồn điện đang là nhu cầu hết sức cấp thiết của nền kinh tế.

Thi công công trình thủy điện Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải(Yên Bái).
Thi công công trình thủy điện Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải(Yên Bái).

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn rất lớn hiện nay của ngành Điện là thiếu vốn đầu tư, các dự án bị đình trệ.

Năm 2008, tổng đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN khoảng 43.000 tỷ đồng với 40 công trình nguồn điện, hơn 200 công trình lưới điện. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, giá trị khối lượng thực hiện mới đạt khoảng 16.298 tỷ đồng, bằng 37,2%kế hoạch. 12 dự án thủy điện, 2 dự án nhiệt điện đang thi công nhưng không giải ngân tiếp được, 5 dự án chưa thu xếp được nguồn vốn.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo EVN và 4 tổ chức tín dụng có nguồn tín dụng lớn đối với ngành Điện là các Ngân hàng: Ngoại thương, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đầu tư và Phát triển, việc cung ứng vốn để thi công, xây lắp nhiều dự án thủy điện, nhiệt điện, lưới điện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do các bên chưa thống nhất được lãi suất vốn vay.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo cụ thể: Trước mắt, các ngân hàng liên quan thực hiện đúng hợp đồng tín dụng đã ký với EVN, giải ngân các khoản vay trên cơ sở đàm phán điều chỉnh lại mức lãi suất cho phù hợp với tình hình mới.

“Từ hôm nay (3/7) đến hết tuần này, các bên phải thỏa thuận xong mức lãi suất, nếu không Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định để các bên thực hiện. Tinh thần là cả ngân hàng và EVN đều cần chia sẻ vì lợi ích chung trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không để những vướng mắc ảnh hưởng tiến độ đến các công trình hạ tầng của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tuy nhiên, do nguồn cung vốn cũng có hạn, Phó Thủ tướng lưu ý ngành Điện phải lên kế hoạch nhu cầu vốn và giải ngân hàng tháng, cùng ngân hàng bố trí vốn một cách chọn lọc, tập trung vào các dự án cấp thiết, trọng điểm, có khả năng hoàn thành, đưa vào phục vụ nền kinh tế trong năm 2008, đầu năm 2009.

Về lâu dài, ngành điện cần phải tìm phương án chuyển đổi cơ cấu nguồn vốn, từ việc đẩy mạnh cổ phần hóa, đấu thầu EPC theo phương án nhà thầu thu xếp nguồn tài chính đến kêu gọi vốn FDI. “Đây cũng sẽ là chủ trương cần áp dụng thống nhất trong tất cả các lĩnh vực, kinh tế hạ tầng xây dựng cơ bản như điện, xi măng, giao thông…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến tháo gỡ một số các vướng mắc khác về vốn của ngành Điện, như vấn đề giải ngân khoản vay tín dụng ưu đãi cho di dân tái định cư các dự án thủy điện, cơ chế cho vay lại đối với khoản vay 400 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thanh toán cho các hợp đồng thiết bị của Thủy điện Sơn La, vấn đề giá ngoại tệ mà EVN thanh toán các hợp đồng với đối tác nước ngoài.

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Tiếp tục tăng thuế để hạn chế xuất khẩu phôi thép.

Tại buổi giao ban kinh tế mới đây, các chuyên gia Bộ Công thương và Tổng công ty Thép Việt Nam tiếp tục phản ánh về tình trạng xuất khẩu phôi thép và tiếp tục đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép.

Ngày 3-7, Bộ Công thương cho biết: Bắt đầu từ tháng 7, hoạt động xuất khẩu gạo của cả nước sẽ nằm dưới sự giám sát của Tổ Công tác điều hành xuất khẩu gạo, gồm đại diện các bộ NN-PTNT, Tài chính, KH-ĐT, Công thương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 2.7 đã phát đi thông cáo báo chí về khả năng thiếu điện nghiêm trọng trong tháng 7 do hệ thống thiếu công suất điện. Theo tính toán của EVN, dự báo phụ tải hệ thống điện tháng 7 đạt tới trên 7.152 triệu KWh.

Ngày 2/7, Bộ Xây dựng đã đưa ra dự thảo nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục