Giá muối Việt Nam đắt nhất thế giới
- Cập nhật: Thứ hai, 7/7/2008 | 12:00:00 AM
Tình trạng sốt muối đã đẩy giá muối trong nước lên cao chóng mặt đến mức, ở thời điểm hiện tại, giá muối tại Việt Nam chạm ngưỡng đắt nhất thế giới.
Làm muối ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
|
Giá trong nước gấp 5 lần giá thế giới
Giá muối tăng cao như vậy chỉ có thể do đầu cơ, hoặc do cầu vượt quá cung, một chuyên gia kinh tế cho biết. Theo Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản & Nghề muối (Cục CBTM), giá muối nhập về đến cảng Việt Nam là 70 USD/tấn. Cộng thêm các chi phí khác ở cảng, chi phí vận chuyển về các nhà máy sản xuất, chế biến, giá thành một tấn muối ở thị trường Việt Nam chạm mức 100 USD.
Đây là mức giá được coi là đắt nhất thế giới (trung bình muối ở thị trường thế giới khoảng 20 - 25 USD/tấn).
Tuy nhiên, con số này mới phản ánh giá muối nhập khẩu thời điểm giữa tháng 6. Đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, giá muối nhập về Việt Nam đã vượt xa mức 70 USD/tấn.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất muối cho biết: “Gần đây có nhiều nơi chào mời với giá 75 USD/tấn về tới cảng, nhưng Cty không dám nhập vì quá đắt. Thậm chí hiện thời giá đã lên 80 USD/tấn do giá xăng dầu thế giới tăng”. Như vậy có nghĩa, khi về đến các nhà máy chế biến, giá muối vượt 100 USD/tấn.
Giá muối nhập cao hơn giá muối trong nước nên các doanh nghiệp chưa mặn mà gì với việc nhập. Tuy nhiên, muối trong nước rất khó để mua dù đang chính vụ nên một số doanh nghiệp vẫn phải nghiến răng nhập. Những doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, không vay được ngân hàng, đành hoạt động cầm chừng.
Theo chuyên gia kinh tế, với mức lạm phát như hiện nay ở tất cả các mặt hàng, nếu có sự lên giá ở muối thì mức tăng cũng phải tương ứng với các mặt hàng khác hoặc nếu vượt ngưỡng trung bình, cũng không thể vượt quá nhiều như thực tế đang diễn ra. “Không thể có chuyện lạm phát 17% mà riêng giá muối tăng 300% như hiện nay. Giá muối tăng cao như vậy chỉ có thể do đầu cơ, hoặc do cầu vượt quá cung” – Một chuyên gia kinh tế cho biết.
Thực tế, việc đầu cơ muối là không thể xảy ra bởi lẽ diêm dân không có tiền, làm được cân muối nào phải bán ngay. Các doanh nghiệp kinh doanh muối cũng không trường vốn để giữ muối lại, nhất là trong tình hình các ngân hàng hạn chế mức vay và lãi suất tăng cao như hiện nay.
Như vậy, theo các chuyên gia kinh tế, rõ ràng giữa cung và cầu ở thời điểm này đã có một khoảng cách quá lớn chứ không phải chỉ là chuyện bình thường như nhiều năm trước và một vài tờ báo phản ảnh mới đây.
Điều lạ là, trong bối cảnh giá muối cao ngất ngưởng không thể chối cãi, Cục CBTM vẫn đưa ra báo cáo cho hay sản lượng muối trong nước vẫn tăng (năm 2008, tổng sản lượng muối sản xuất trong nước ước đạt từ 950.000- 980.000 tấn, tăng so với năm 2007 chỉ đạt 926.000 tấn) và không có sự đột biến về cầu (năm 2008 là 1,4 triệu tấn, năm 2007 là 1,3 triệu tấn). Sự thật liệu có phải vậy?
Cơ quan quản lý mâu thuẫn với chính mình
Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục CBTM, thừa nhận có tình trạng thiếu muối từ nhiều năm nay. “Chúng ta nhập khẩu muối từ cả chục năm nay rồi, có gì lạ đâu” – Ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, thiếu muối không phải do sản lượng sụt giảm. Thậm chí, theo các con số được báo cáo về Cục, sản lượng muối sản xuất trong nước sáu tháng đầu năm nay vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước 1,5%.
“Nguyên nhân thiếu muối là do sản lượng trong nước dù tăng nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu. Tổng cầu năm nay khoảng 1,4 triệu tấn. Như vậy là còn thiếu vài trăm ngàn tấn nữa. Tính cả xuất dự trữ quốc gia 30.000 tấn và hạn ngạch nhập khẩu 230.000 tấn đã cấp, vẫn cần bổ sung qua hạn ngạch nhập khẩu từ 150.000 – 200.000 tấn muối nữa.
Không phải cơ quan quản lý không tính toán được lượng cung, cầu. Có hẳn một chiến lược quốc gia về phát triển muối đến 2010 được Chính phủ phê duyệt từ năm 2007.
Tuy nhiên, do thiếu tiền, đầu tư cho ngành này chưa được thỏa đáng, dẫn đến việc dù sản lượng muối trong nước tăng nhưng không đáng kể, không đáp ứng được kế hoạch đặt ra” – Ông Xuân lý giải.
Như vậy có thể hiểu, từ nhiều năm nay, cơ quan quản lý chấp nhận việc thiếu muối, phải nhập muối, do điều kiện trong nước chưa thể phát triển ngành này đáp ứng đủ nhu cầu.
Điều bất bình thường nằm ở chỗ, trong khi các số liệu do Cục CBTM cung cấp cho thấy không có bất cứ đột biến nào thì giá muối lại không tăng cao kỷ lục và nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao do không có muối chế biến. Đây là điều từ trước tới nay chưa từng có!
Trong văn bản trả lời báo Tiền phong mới đây, đại diện Cục CBTM cho rằng “điều tra cơ bản nhu cầu muối hàng năm không phải là việc khó. Trong những năm qua, các ngành, địa phương đã xác định nhu cầu tiêu dùng muối tương đối chính xác”.
Vậy vì lý do gì năm 2007 các doanh nghiệp lại không nhập đủ 230.000 tấn muối đã cấp hạn ngạch mà chỉ nhập 180.000 tấn?
Phải chăng chính việc nhập không hết hạn ngạch đã góp phần khiến tình trạng thiếu muối càng thêm trầm trọng. Cả nước phải sử dụng hết nguồn muối gối vụ, dẫn đến đầu năm 2008 không còn muối. Nhà nước phải mở kho dự trữ quốc gia xuất 30.000 tấn.
Nếu đúng việc cân đối cung cầu của cơ quan quản lý là chính xác, thì ngay cả khi không nhập đủ hạn ngạch, với số lượng muối dự trữ quốc gia đã xuất, năm 2007 chỉ còn thiếu 20.000 tấn. Con số này quá nhỏ so với lượng muối gối vụ hàng năm, nếu biết, hai năm trước vào cuối vụ, muối ê chề, rẻ như cho, chỉ 200đ/kg cũng khó bán.
Phải chăng cơ quan quản lý ngành muối có biểu hiện chủ quan với số liệu sản xuất muối trong nước được báo cáo về? Phải chăng ngay một cục đầu ngành về quản lý muối cũng không nắm chắc được tình hình, nhu cầu sản xuất muối? Căn cứ vào những số liệu do Cục CBTM cung cấp và những số liệu chúng tôi thu thập được, có thể nhận thấy dường như cơ quan quản lý mâu thuẫn với chính mình.
“Nếu không có những rà soát, điều tra thực tế, sâu sát về tình hình sản xuất muối trong nước để có những điều chỉnh kịp thời, việc giá muối tiếp tục bị đẩy cao vô tội vạ, lợi nhuận rơi vào tay một số ít doanh nghiệp sản xuất muối, gây mất cân bằng thị trường, là điều hoàn toàn có thể xảy ra - Một chuyên gia kinh tế đề nghị không nêu tên nhận định – Đó là chưa nói, việc cung cấp các số liệu về sản lượng muối khi chưa được điều tra bài bản, khoa học cho Chính phủ, có thể dẫn đến các tư vấn và quyết sách sai về chiến lược phát triển ngành muối”.
(Theo TPO)
Các tin khác
Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) cho biết, sản lượng phân bón sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2008 tăng 17% so với cùng kỳ năm 2007. Từ nay đến cuối năm, tổng công ty tiếp tục triển khai các giải pháp linh hoạt, đảm bảo không để thiếu phân bón và thuốc trừ sâu cho sản xuất nông nghiệp.
Công ty cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Yên Bái: Năm 2008, phấn đấu đạt sản lượng trên 13 tỷ đồng
YBĐT - Ngày 5/ 7, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Yên Bái đã tổ chức Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2008 - 2012.
Chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông vận tải, sáng 5/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: "Bộ Giao thông vận tải cần phải lập ngay các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá kết quả giải ngân tại các dự án; từ đó tổng hợp và đề xuất những giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thi công, giải ngân các dự án giao thông sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ".
Tin từ Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước đã mang về hơn 7,6 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt hơn 4,2 tỷ USD (tăng 31%), thủy sản đạt 1,9 tỷ USD (tăng 16%) và lâm sản đạt hơn 1,5 tỷ USD (tăng 21%).