Đại Sơn: Khai thác thế mạnh nông lâm nghiệp
- Cập nhật: Thứ năm, 10/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là địa bàn vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên đời sống, kinh tế – xã hội của xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) nhiều năm về trước rất khó khăn.
Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền và các ngành, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… đã tập trung tuyên truyền tới các hội viên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông- lâm nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, tạo ra hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó là thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông- lâm nghiệp, giúp người dân thuận lợi trong phát triển kinh tế.
Từ những giải pháp trên, Đại Sơn mặc dù là xã vùng cao, nhưng cũng là một trong số địa phương của huyện Văn Yên sớm đưa các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy đại trà và đưa được năng suất bình quân đạt 96 tạ/ ha/ năm. Qua đi tìm hiểu thực tế, thấy hiệu quả kinh tế từ cây sắn cao sản là rất cao, nhân dân các thôn đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp để trồng sắn.
Từ chỗ chỉ có trên 50 ha năm 2006, thì nay đã lên 138 ha, năng suất sắn tươi đạt từ 18 tấn đến 20 tấn/ ha. Vụ sắn năm vừa qua toàn xã thu đạt 2.752 tấn sắn tươi, giá trị kinh tế đạt trên 3 tỷ đồng. Đại Sơn còn là địa phương đặc biệt quan tâm đến phát triển chăn nuôi và công tác thú y. Do chú trọng lĩnh vực này, nhiều năm qua trên địa bàn không để xảy ra dịch bệnh nên đàn trâu hiện có 559 con, đàn bò 91 con, đàn lợn 2.935 con, đàn gia cầm 20.100 con.
Nói đến Đại Sơn, còn phải kể đến thế mạnh vượt trội so với các xã khác trong huyện đó là cây quế. Ở đây nhà nhà trồng quế, diện tích quế của toàn xã hiện có khoảng 1.500 ha, trong đó quế từ 8 tuổi đến 12 tuổi chiếm 70% diện tích. Quế được trồng nhiều ở các thôn 1, thôn 2, thôn 3 và thôn 4 và có những cây quế có giá trị kinh tế từ 20 đến 30 triệu đồng. Những năm gần đây, giá quế luôn giữ ổn định, do vậy người trồng quế cũng có thu nhập khá bởi vì hàng năm diện tích quế của Đại Sơn đến tuổi cho khai thác từ 60 đến 80 ha đã mang lại thu nhập từ 4 đến 5 tỷ đồng mỗi năm. Khai thác đến đâu, bà con trồng mới ngay đến đó và nghề chế biến tinh dầu quế, thu mua quế vỏ… đã tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm người dân lúc nông nhàn với mức thu nhập từ 500 đến 800 ngàn đồng/người/tháng.
Kinh tế đi lên thì tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” cũng được phát huy. Những hộ có đời sống kinh tế khá đã tích cực giúp các gia đình nghèo, từng bước thoát nghèo dưới nhiều hình thức như: trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp vốn, cây con giống…Từ năm 2002 đến nay, số tiền giúp nhau đạt gần 30 triệu đồng không tính lãi, trên 2 tấn lợn giống, hàng nghìn con gia cầm, trên 1 nghìn công lao động…
Ở Đại Sơn nhiều năm nay, đang dấy lên phong trào xây dựng làng bản văn hoá, gia đình văn hoá; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ ở cơ sở và mô hình tự quản về ANTT, thôn bản không có ma tuý… Những nỗ lực đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân yên tâm lao động sản xuất, làm ra nhiều của cải vật chất góp phần đắc lực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo của địa phương.
Thạch Phong
Các tin khác
Hơn 260 cán bộ tình báo tài chính cấp cao của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có mặt tại Bali (Indonesia) để tham gia Hội nghị thường niên lần thứ 11 và Diễn đàn tập huấn và trợ giúp kỹ thuật lần 7 của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương (APG) về chống rửa tiền.
Nhằm tiếp nhận và xử lý các ý kiến thuận tiện và nhanh chóng hơn, ngày 9.7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố bổ sung 4 số điện thoại mới cho đường dây nóng phản ánh hoạt động của ngân hàng.
Đến năm 2010 ngành than sẽ đầu tư thử nghiệm một số dự án khai thác tại bể than đồng bằng sông Hồng, và đến năm 2015 thăm dò, đánh giá xong phần tài nguyên của bể than này.