Chuyện nuôi bò ở xã vùng cao Hưng Thịnh

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Giống như ở nhiều xã vùng cao khác, người dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) luôn có nhu cầu phát triển chăn nuôi nói chung và nuôi bò nói riêng, nhằm tận dụng thế mạnh đồi rừng làm nơi chăn thả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đàn bò ở xã Hưng Thịnh đang khôi phục trở lại.
Đàn bò ở xã Hưng Thịnh đang khôi phục trở lại.

Tuy nhiên, những năm qua, nghề chăn nuôi bò ở Hưng Thịnh không phát triển với nhiều nguyên nhân như: vốn liếng để mua bò là vấn đề không hề nhỏ đối với các hộ nghèo; bãi chăn thả ngày càng thu hẹp do phong trào trồng rừng phát triển mạnh, giống bò địa phương chậm lớn, lượng thịt thấp nên bán được ít tiền...

Trước thực trạng kể trên, cuối năm 2005, Dự án "Xây dựng mô hình bán thâm canh và cải tạo đàn bò tại xã Hưng Thịnh" đã được triển khai với mục tiêu "Chuyển đổi phương thức chăn nuôi bò thịt từ quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cải tạo giống, tạo nguồn thức ăn thô xanh có chất lượng. Nâng cao thể vóc, năng suất sản phẩm chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân".

Với tổng nguồn vốn 1,196 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương hỗ trợ 500 triệu đồng; ngân sách sự nghiệp khoa học địa phương 50 triệu đồng và dân tự đóng góp 646 triệu đồng được ví như "luồng gió mới" thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò ở xã Hưng Thịnh. Đã có 128 hộ ở Hưng Thịnh tham gia thực hiện Dự án và 58 hộ tham gia đầy đủ các hạng mục. Bốn bò đực giống lai Sind F1 được đầu tư cho bốn hộ thuộc 4 khu vực trong xã quản lý và chăm sóc; 58 hộ đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mua về 150 bò nái sinh sản; 15 ha cỏ chủ yếu giống cỏ voi đã được trồng ở cả 58 hộ tham gia Dự án.

Các hộ nuôi bò đực giống được đầu tư 100% tiền làm chuồng, các hộ nuôi bò nái sinh sản được hỗ trợ vốn cải tạo, nâng cấp chuồng nuôi. Hàng loạt các buổi thăm quan, học tập, các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật đã được tổ chức nhằm trang bị đẩy đủ cho bà con kỹ thuật trồng cỏ, chế biến, dự trữ thức ăn; kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc bò... Cách làm mới, phương pháp chăn nuôi mới đã thúc đẩy nghề chăn nuôi bò ở Hưng Thịnh.

Hiệu quả của Dự án khá rõ nét, trong đó phải kể tới 4 bò đực lai Sind trong cải tạo giống, đàn bò tăng gấp đôi sau một năm triển khai; cỏ voi và rơm khô đã giúp bà con chủ động nguồn thức ăn, đặc biệt là những ngày đông giá rét, giảm công chăn thả. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, chất lượng đàn bò ở Hưng Thịnh cũng được cải thiện đáng kể. Ngay trong năm đầu đã có 150 bê con lai Sind ra đời, năm thứ hai là 230 con và nửa đầu năm 2008 đã có 125 bò mẹ được phối giống lai Sind. Khó có thể nói hết được niềm vui của các gia đình nuôi bò khi bò nái sinh bê lai Sind, vì bò lai to khỏe, lông mượt và nhất là nhanh lớn, giá bán tăng từ 30 đến 50% so với giá bò dé cùng độ tuổi.

Ông Lưu Văn Tần ở thôn Yên Thành là một thí dụ. Năm 2006, ông mua một bò nái với giá 4 triệu đồng, đến nay bò nái đã đẻ được 2 bò con giống lai Sind, trong đó có 1 con 11 tháng tuổi, khách đã đến trả giá 4 triệu đồng nhưng ông không bán. Ông Lưu Văn Xứng nhà cùng thôn nuôi hai bò mẹ, đến nay đã đẻ được 3 bò con, năm trước ông bán đi một con được 3,3 triệu đồng, phụ thêm ít tiền ông mua được một con trâu về chăn thả để làm sức kéo. Với những gia đình nhận quản lý, chăm sóc bò đực giống, do con giống tốt nên người nuôi bò trong và ngoài xã khi bò đến kỳ động dục đều đưa đến để phối giống với giá quy định của dự án là 30 nghìn đồng. Mặc dù giá đó thấp hơn nhiều so với giá ngoài dự án nhưng cũng tạo được nguồn thu nhập cho các gia đình nhận nuôi.

Có thể nói, phong trào nuôi bò ở Hưng Thịnh cũng như nhiều xã khác đang phát triển thì đến năm 2007 giá bò giảm mạnh so với hai năm trước đó, cộng với nhiều gia đình mua phải bò nái chất lượng thấp nên kém sinh sản, kén ăn, nhiều gia đình không mặn mà với việc nuôi bò nên đã vội bán cho thợ mổ... đã dẫn tới tốc độ tăng trưởng của đàn bò giảm hẳn.

Theo đánh giá của UBND xã Hưng Thịnh thì mục tiêu đến năm 2010 số lượng đàn bò toàn xã đạt 1200 con là không thể thực hiện được. Đến nay giá bò tăng trở lại, bà con cũng đã tích lũy được kinh nghiệm cũng như kiến thức KHKT về chăn nuôi bò nhưng để nghề chăn nuôi bò thực sự phát triển ở Hưng Thịnh là hết sức khó khăn, tâm lý làm ăn nhỏ lẻ vẫn là chủ đạo. Cả xã không có hộ gia đình nào nuôi tới 10 bò nái sinh sản. Gia đình ông Đinh Văn Tường ở thôn Kim Bình là hộ nuôi nhiều nhất, cả đàn mới có 7 con.

Trao đổi với ông Khoa ở Yên Thành, ông Huân ở Kim Bình hay rất nhiều gia đình chăn nuôi bò ở Hưng Thịnh cho thấy người dân đều thấy được lợi ích của việc chăn nuôi bò như: ít rủi ro, dễ bán, thu lãi cao (bình quân mỗi con cho thu 4 triệu đồng/năm); một sào ruộng mỗi năm thu được tối đa 4 tạ thóc với bao chi phí và sức lực mới thu được 2 triệu đồng, nhưng sào ruộng đó trồng cỏ sẽ đủ thức ăn cho một con bò sinh sản và thu nhập luôn gấp đôi. Lợi ích là thế nhưng bà con không muốn nuôi thêm vì "Còn phải làm thêm nhiều thứ khác như: chè, lúa, rừng đồi, gà, lợn..." hay không muốn bỏ lúa đi để trồng cỏ vì: "Nhà nông mà không có tý ruộng, không có tí lúa thì đáng lo lắm".

Câu chuyện về nghề nuôi bò ở Hưng Thịnh là vậy. Lợi ích từ Dự án mang lại là rất rõ, bà con hiểu được cái hay của nghề nuôi bò nhưng không muốn nuôi nhiều vì phong tục tập quán, vì tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ. Chương trình chăn nuôi bò cần thận trọng trong việc lựa chọn cung cấp con giống và cũng không nên gượng ép phải nuôi thật nhiều, quy mô lớn, để bà con tự nhận thức được vấn đề, chủ động phát triển quy mô lớn, nuôi theo hướng bán công nghiệp hoặc công nghiệp thì tính bền vững mới thực sự cao.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Năm 2008, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được giao kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng 11 công trình và 2 hạng mục thanh toán giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 7,518tỷ đồng.

Giá vé đối với ghế ngồi cứng sẽ tăng thấp nhất để phục vụ nhu cầu đi lại của những người có thu nhập trung bình.

Trong khoảng thời gian từ ngày 5-10/8 tới đây, giá vé và cước vận chuyển đường sắt mới có sự điều chỉnh.

Xăng dầu lậu bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép áp dụng những biện pháp hành chính cấp bách, tạm thời trong việc kiểm soát mua, bán và chống xuất lậu xăng dầu trước tình hình xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới Tây Nam.

Lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam vẫn còn ở mức cao

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu đã hé mở khả năng sẽ tiếp tục tăng thuế nhập ôtô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục