Tiếp tục đổi mới và phát triển hợp tác xã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững
- Cập nhật: Thứ ba, 26/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở Yên Bái, hoạt động của hợp tác xã không những phục vụ các nhu cầu kinh tế, tạo việc làm, ổn định đời sống xã viên, hộ xã viên, người lao động và phát triển cộng đồng là chủ yếu mà còn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
|
Nghị quyết Đại hội IX, X của Đảng đều đã xác định "Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Luật HTX 1996 đã làm cơ sở cho việc chuyển đổi HTX, tạo nên những nét mới về hình thức và nội dung hoạt động của HTX. Nghị quyết 13 Hội nghị TƯ5 (khoá IX) về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể", Luật HTX sửa đổi năm 2003 đã thúc đẩy HTX phát triển sang một giai đoạn mới phù hợp với tiến trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Ở tỉnh Yên Bái, kinh tế tập thể đã chuyển đổi, phát triển theo hướng đổi mới, mở rộng ngành nghề, đa dạng hoá sản phẩm, liên doanh, liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hoạt động của hợp tác xã không những phục vụ các nhu cầu kinh tế, tạo việc làm, ổn định đời sống xã viên, hộ xã viên, người lao động và phát triển cộng đồng là chủ yếu mà còn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ở tỉnh Yên Bái, Tỉnh ủy có Chương trình hành động số 15-CT/TU thực hiện Nghị quyết TW5 và UBND tỉnh đã xây dựng "Chiến lược phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2006 - 2020" và ban hành Chỉ thị 22 về củng cố các HTX yếu kém... là cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương xác định trách nhiệm cụ thể trong việc phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thông qua các hoạt động của mình, các tổ hợp tác, hợp tác xã đã khẳng định được vai trò quan trọng không chỉ đối với sản xuất, kinh doanh, mà còn trở thành nhân tố tích cực góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát huy dân chủ ở cơ sở và bảo đảm ổn định chính trị xã hội ở địa phương. Trong khu vực nông nghiệp - nông thôn, HTX đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chuyển giao kỹ thuật, hình thành và phát triển phúc lợi xã hội. Thông qua dịch vụ cung ứng giống, vật tư, phân bón, kỹ thuật, vốn tín dụng..., HTX thực sự là "bà đỡ" cho kinh tế hộ xã viên phát triển, là nơi duy trì và phát triển tình làng nghĩa xóm, củng cố nâng cao tính cộng đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 tổ hợp tác, 280 HTX với tổng số 40 ngàn xã viên, tổng vốn hoạt động trên 200 tỷ đồng, thu hút 30 ngàn lao động tham gia. Kinh tế hợp tác trở thành phổ biến, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực: công nghiệp - TTCN, nông nghiệp, vận tải, thương mại, dịch vụ... Các HTX có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, từng bước phát triển về quy mô phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng ngành, từng lĩnh vực. Các HTX kiểu cũ được chuyển đổi đã khắc phục được những tồn tại, yếu kém vươn lên tích cực, đứng vững trong cơ chế thị trường.
Nhiều mô hình mới được hình thành như HTX dịch vụ điện năng, HTX quản lý chợ, HTX chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, HTX dịch vụ VAC, HTX chế biến nông, lâm sản, khoáng sản...
Các HTX mới với các mô hình tổ chức đa dạng phát triển cùng với thực hiện chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhiều HTX nông nghiệp quy mô toàn xã có vốn quỹ khá lớn đang mở rộng các khâu dịch vụ kỹ thuật, đồng thời phát triển một số ngành nghề mới tạo thêm việc làm cho xã viên như HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Phù Nham (Văn Chấn), HTX Dịch vụ tổng hợp (DVTH) Nghĩa An, An Hoà (Nghĩa Lộ), HTX DVTH Đại Phác (Văn Yên), HTX DVNN Tân Lĩnh (Lục Yên), HTX DVTH Báo Đáp (Trấn Yên).
Hoạt động của kinh tế tập thể ngày càng đa dạng và hiệu quả, với xu hướng hợp tác giữa các HTX và mở rộng sự liên kết giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác. Nhiều HTX tham gia phát triển lưu thông hàng hoá, ổn định thị trường. Loại hình HTX dịch vụ nông nghiệp - tiêu thụ sản phẩm, sản xuất nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Hoạt động dịch vụ của các HTX, các tổ, bộ phận trong HTX đã góp phần phát triển sản xuất kinh tế hộ, kinh tế trang trại và phát triển nghề ở nông thôn.
Các HTX mộc dân dụng trong tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Các HTX phi nông nghiệp, xã viên tham gia góp vốn vào HTX để đầu tư đổi mới trang thiết bị, đa dạng hoá các mặt hàng, cải tiến mẫu mã. Điển hình trong lĩnh vực giao thông vận tải có HTX Vận tải Quyết Tiến, HTX Vận tải Yên Ninh (TP Yên Bái); lĩnh vực công nghiệp - TTCN có HTX Khai thác vận chuyển đá Mông Sơn, HTX Sản xuất chế biến chè Hương Lý (Yên Bình); HTX sản xuất kinh doanh Tĩnh Dung, HTX DVTH Hoàng Thắng (Văn Yên), HTX DVTH Tân Thịnh (Văn Chấn), HTX Mây tre đan Toàn Thắng (Lục Yên); lĩnh vực thương mại có HTX Quyết Tâm (TP Yên Bái), lĩnh vực tín dụng có Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Hồng Hà (TP Yên Bái), Đông An (Văn Yên), quản lý điện nông thôn có HTX Điện Hưng Thịnh (Trấn Yên), HTX Điện Xuân Ái (Văn Yên), lĩnh vực y tế có HTX Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Minh Thành (Yên Bình).
Tổ chức Liên minh HTX tỉnh thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tập hợp được trên 80% HTX tham gia, tích cực hỗ trợ giúp đỡ các HTX và doanh nghiệp thành viên sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chủ động tham mưu cho tỉnh thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.
Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế tập thể ở Yên Bái nhìn chung còn chậm so với nhịp độ phát triển của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực kinh tế này. Một số khó khăn mang tính nội tại của HTX chưa được khắc phục như quy mô nhỏ bé, vốn ít, trình độ khoa học kỹ thuật lạc hậu, sản phẩm làm ra còn đơn điệu, thiếu sức cạnh tranh, tính liên kết thấp, đội ngũ cán bộ quản lý HTX năng lực và trình độ quản lý sản xuất kinh doanh còn hạn chế, đa số chưa được đào tạo và bồi dưỡng một cách có hệ thống...
HTX dịch vụ điện Xuân Ái (Văn Yên) một trong những đơn vị kinh doanh điện nông thôn hiệu quả. |
Những hạn chế, yếu kém của HTX một phần do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn thấp, nhận thức về vai trò vị trí và tính khách quan của việc phát triển kinh tế tập thể chưa đầy đủ, toàn diện; việc tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và mô hình HTX kiểu mới chưa sâu rộng và thường xuyên. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số huyện, xã, phường chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển HTX; bộ máy và cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ở các cấp không tương xứng, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, vì vậy, không có đủ điều kiện đi sâu theo dõi, hướng dẫn, chưa đủ sức tham mưu cho các ngành, các cấp để chỉ đạo kịp thời...
Từ thực tế phát triển của HTX ở tỉnh Yên Bái có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
1- Vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành, tồn tại và phát triển của HTX. Thực tế cho thấy, những năm qua nơi nào HTX được cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương thực sự quan tâm chỉ đạo và có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể thì nơi đó HTX phát triển tốt, đời sống của xã viên được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
2- Liên minh HTX tỉnh phải phát huy cao độ vai trò, vị trí là chỗ dựa thiết thực trong quá trình phát triển HTX, là nơi tập hợp sức mạnh tập thể cung cấp những thông tin bổ ích về nhiều mặt cho HTX; giúp cho các HTX tiếp cận được những nguồn vốn, tài trợ, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo HTX, tổ chức dạy nghề, học hỏi kinh nghiệm phát triển HTX...
3- Các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX phải vươn lên từ chính nội lực của mình, xác định được hướng kinh doanh đúng, chủ động thích ứng với cơ chế thị trường, đổi mới về nhận thức và cách làm, về phương thức quản lý, chế độ phân phối, hoạt động dịch vụ...; sản xuất kinh doanh gắn liền với lợi ích xã viên, lợi ích tập thể và xã hội; mở rộng sản xuất kinh doanh, đa dạng hoá sản phẩm, phát triển kinh doanh tổng hợp, thực hiện tốt việc liên doanh liên kết.
4- Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho HTX mà trước hết là đào tạo và thu hút cán bộ có trình độ đại học, có năng lực và tâm huyết để gắn bó làm việc lâu dài trong hợp tác xã.
5- Tăng cường tuyên truyền, vận động mọi thể nhân và pháp nhân tham gia thành lập HTX; xã viên phải có nhu cầu thực sự tham gia vào HTX; hoạt động của HTX phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, cùng tự chịu trách nhiệm; phải chăm lo lợi ích của xã viên, gắn chặt lợi ích xã viên với lợi ích của tập thể và cộng đồng, không áp đặt chủ quan duy ý chí trong chỉ đạo thành lập HTX.
Định hướng phát triển HTX trong giai đoạn sắp tới ở Yên Bái được xác định cụ thể:
1- Lĩnh vực dịch vụ: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ thương mại, vận tải, quỹ tín dụng nhân dân. Phát triển các loại hình HTX dịch vụ ở các lĩnh vực theo hướng xã hội hoá: du lịch, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, thể thao, quản lý chợ, kinh doanh xuất nhập khẩu, làm đầu mối thu mua tìm đầu ra cho sản phẩm...
2- Lĩnh vực xây dựng, công nghiệp- TTCN: Phát triển và tiếp tục nâng cao năng lực của các HTX khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, xây dựng, chú trọng thúc đẩy các HTX tiểu thủ công nghiệp hoạt động theo định hướng đa dạng hoá sản phẩm hướng tới xuất khẩu.
3- Lĩnh vực nông lâm nghiệp: Tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, mở rộng các loại hình dịch vụ mà kinh tế hộ yêu cầu như dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đời sống, phát triển các ngành nghề trong nông thôn. Xây dựng, phát triển kinh tế HTX theo mô hình kinh doanh đa ngành vừa dịch vụ nông nghiệp, vừa phát triển chế biến nông lâm sản. Hình thành các HTX lâm nghiệp, các HTX sản xuất theo hướng đầu tư khoa học kỹ thuật như: trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh, phát triển trang trại chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp...
Trong quá trình phát triển, cần chú ý khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để định hướng đúng ngành nghề kinh doanh, mô hình hoạt động: chuyên ngành, tổng hợp, hoặc liên doanh, liên kết nhằm tạo ra nhiều hàng hoá, năng động thích ứng với thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Một số giải pháp chủ yếu:
1- Chú trọng công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, theo hướng kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý ngành và địa phương, tăng cường cán bộ chuyên môn theo dõi kinh tế tập thể; coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tốt vai trò của Liên minh HTX.
2- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến pháp luật về HTX, về tình hình hoạt động và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX.
3- Chú trọng xây dựng mô hình điểm các HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả để nhân rộng. Tập trung công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ HTX. Tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ HTX trên các mặt, các lĩnh vực.
4- Đổi mới HTX, bảo đảm cho xã viên thực sự làm chủ, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. HTX phải làm tốt các dịch vụ “đầu vào, đầu ra” và chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. HTX phải đi vào phục vụ kinh tế hộ, gắn kết chặt chẽ sản xuất của nông dân với sự phát triển của HTX. Khuyến khích và đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa các HTX với nhau, giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác.
Đặc biệt coi trọng liên kết giữa nông hộ, trang trại, HTX với doanh nghiệp, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ kinh tế hộ, trang trại, HTX phát triển. Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện cho HTX tham gia cung ứng các dịch vụ công đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân và tạo những điều kiện cho HTX phát triển. Tăng cường tiềm lực kinh tế cho HTX thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi...
Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những cơ hội, sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức; trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, tiếp tục thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động; kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái cần chủ động đón nhận cơ hội, vượt qua thách thức; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, ổn định xã hội của tỉnh nhà trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hoàng Xuân Lộc
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Đến ngày 25/8 toàn tỉnh đã trồng mới được 10.849 ha rừng, trong đó 9.994 ha rừng tập trung gồm các loại cây; keo, bồ đề, bạch đàn tre bát độ, quế… và 855 ha cây phân tán.
YBĐT - Là trung tâm huyện lỵ của huyện Văn Yên, Mậu A có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện. Trong những năm qua, thị trấn đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, hộ khá giàu ngày một tăng.
YBĐT - Năm 2005 huyện Văn Chấn (Yên Bái) triển khai dự án giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi (PALD) do tổ chức Thú y không biên giới của Thụy Sỹ hỗ trợ một phần kinh phí mua con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.
YBĐT - Một năm qua, Phòng Giao dịch "Một cửa" của Chi cục Thuế Lục Yên (Yên Bái), luôn bận rộn với việc tư vấn cho khách hàng, về những thủ tục hành chính thuế, nghiệp vụ kế toán và nhiều nội dung khác, liên quan đến thu nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế...