Văn Tiến: Tập trung sản xuất kinh doanh gạch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm gần đây, sản xuất gạch vật liệu xây dựng tại xã Văn Tiến, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã được thị trường chấp nhận. Nghề làm gạch tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thạnh (người mặc áo phông), chủ cơ sở sản xuất đang nói về chất lượng gạch sản xuất tại địa phương hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thạnh (người mặc áo phông), chủ cơ sở sản xuất đang nói về chất lượng gạch sản xuất tại địa phương hiện nay.

Tuy nhiên, do phát triển mang tính tự phát nên quy mô và công nghệ sản xuất gạch hiện nay đa phần lạc hậu, không phù hợp với sự phát triển chung và sản phẩm mới chỉ được tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình và Trấn Yên.
 
Những năm đầu thập niên 80 chỉ có 3 - 4 hộ như hộ ông Nguyễn Văn Thạnh, Lại Xuân Nghiêm, Đỗ Đức Vinh, Hà Viết Phúc là mở lò đốt gạch. Sau đó phong trào sản xuất gạch phát triển mạnh, hiện nay toàn xã có 17 hộ với 28 lò đốt tập trung ở ba thôn là: Nhà Giát, Lưỡng Sơn và Ngòi Sen, giải quyết việc làm cho trên hai trăm lao động. Tổng sản lượng gạch sản xuất tại địa phương đạt từ 16 - 18 triệu viên/năm.

Hiện nay tại các cơ sở sản xuất có 17 máy ép gạch nhưng mới chỉ là máy ép ER2, không có bộ phận nghiền đất thô, nghĩa là chỉ ép được gạch bằng đất lẫn phù sa, chứ không thể sử dụng được khi pha trộn đất gò đồi. Phần lớn nhà xưởng chưa xây dựng kiên cố, không có mái che an toàn, mặt bằng sân bãi sử dụng diện tích tại chỗ của gia đình nên rất chật hẹp, nhỏ lẻ mang tính cá thể. Gạch mộc che đậy bằng phên néo và bạt không tạo dây chuyền khép kín, do vậy công suất đạt rất thấp, gây lãng phí tài nguyên.

Sản phẩm gạch của các cơ sở hiện nay chưa đồng đều về chất lượng, khuôn mẫu, giá cả. Việc khai thác đất tràn lan, trái quy định ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ xung quanh và công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất trên địa bàn. Điều đáng nói ở đây là các cơ sở sản xuất gạch đang nằm đan xen trong khu dân dân cư của các thôn và 100% các lò đốt chưa sử dụng hệ thống xử lý khói thải dẫn đến ô nhiễm môi trường trong vùng sản xuất, gây thiệt hại về kinh tế và sức khoẻ cộng đồng.

Nhằm ổn định lâu dài cho việc sản xuất gạch cũng như bảo vệ an toàn môi trường trong vùng sản xuất gạch, từng bước đưa nghề sản xuất gạch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, HĐND xã đã thông qua nghị quyết phê chuẩn Đề án sản xuất gạch giai đoạn 2008 – 2015, trong đó tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới công nghệ sản xuất, quy hoạch nguồn nguyên liệu bảo vệ môi trường, giúp các cơ sở phát huy tính chủ động trong sản xuất kinh doanh, kích thích phát triển bền vững, trọng tâm phấn đấu tạo ra sản phẩm có thương hiệu đích thực trên thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện đã có 15/17 hộ đăng ký tham gia thực hiện Đề án, cam kết hết năm 2010 thì 100% các cơ sở sản xuất xây dựng lò ống khói và lò đứng kiểu Trung Quốc; xử lý khói thải trước khi thải ra môi trường; đầu tư máy ép gạch từ ER3 đến ER5 nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu có pha trộn 30 đến 35% đất gò đồi, phấn đấu đưa sản xuất gạch trở thành một ngành kinh tế chủ đạo của địa phương. Chính quyền xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ trong vùng sản xuất kinh doanh, trong đó nguồn vốn chủ yếu sẽ được huy động từ các chủ đầu tư. Ngoài ra, xem xét hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn tạo việc làm, quỹ hỗ trợ phát triển liên minh HTX, vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiêp & Phát triển nông thôn huyện...”.

Để nhanh chóng có uy tín trên thị trường, các cơ sở sản xuất gạch ở Văn Tiến ngoài việc đổi mới quy mô sản xuất (thiết bị lò đốt, công nghệ xử lý chất thải), cần đầu tư công nghệ tiên tiến đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định của Sở Khoa học & Công nghệ, Sở Xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, người đi đầu trong việc sản xuất gạch vật liệu xây dựng ở xã cho hay: “Sản lượng gạch như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Các lò thường xuyên “cháy gạch” trong mùa xây dựng. Do vậy, sau khi chính quyền có Đề án quy hoạch khu sản xuất tập trung, tạo điều kiện vay vốn giúp một số hộ chưa đủ vốn mua sắm máy móc, đầu tư công nghệ hiện đại, chắc chắn khi đi vào sản xuất, gạch Văn Tiến sẽ khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Theo tính toán, sau khi thực hiện Đề án với những trang thiết bị hiện đại, mặt bằng sản xuất sản được mở rộng thì sản lượng gạch sẽ đạt ổn định từ 27 đến 30 triệu viên/năm. Đây sẽ là cơ hội tiếp tục giải quyết tốt vấn đề việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn trong vùng, từng bước đưa Văn Tiến trở thành xã phát triển về công nghiệp, phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất công nghiệp tập trung của huyện và tỉnh.

Linh Chi

Các tin khác

Theo nguồn tin của hải quan Nhật, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật năm 2008 có thể đạt 16,2 tỉ USD (vượt xa mục tiêu 15 tỉ USD vào năm 2010).

Lãi suất cơ bản duy trì ổn định từ 11/6/2008.

Từ ngày 1/9/2008, lãi suất cơ bản bằng VND được giữ nguyên mức 14%/năm. Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND đối với tổ chức tín dụng được điều chỉnh tăng từ 1,2% lên 3,6%/năm.

Cán bộ nhân viên Viễn thông Yên Bái khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt đảm bảo đường truyền dẫn liên tỉnh.

YBĐT - Theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ đã làm hư hỏng, thiệt hại nặng nề mạng viễn thông của tỉnh, hàng chục km mạng ngoại vi bị đổ, cuốn trôi, bị ngập, ngâm trong nước và bị vùi lấp. Nhiều thiết bị ngập nước, hư hỏng gồm: 10 máy phát điện, trên 10.000m cáp quang, 1145 cột bê tông, gần 200 tủ cáp, hộp cáp, hàng trăm ngàn mét dây cáp đồng các loại… Tính sơ bộ thiệt hại ước tính trên 10 tỷ đồng.

Nông dân Văn Chấn thu hoạch chè. (Ảnh: Thanh Phúc)

YBĐT - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã cấp bổ sung cho Ngân hàng NN&PTNT huyện Văn Chấn thêm 34 tỷ đồng từ nguồn vốn vay theo chương trình bổ sung vốn cho chính sách "tam nông" của Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục