Giải pháp nào cho vùng chè Shan Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trồng và phát triển cây chè Shan để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế các xã vùng cao là một hướng đi đúng, có tầm nhìn chiến lược ở Mù Cang Chải. Năm 1997, UBND tỉnh Yên Bái có Dự án đầu tư trồng chè Shan vùng cao Mù Cang Chải giai đoạn 1997-2004 với quy mô trên 2 ngàn ha và tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng. Qua 7 năm thực hiện, Mù Cang Chải trồng mới được 1.470 ha, tại các xã khu 2 và khu 4 đạt 72% kế hoạch.

Cây chè Shan tồn tại và phát triển phù hợp với điều kiện, sản xuất canh tác của đồng bào dân tộc Mông, là cây có hiệu quả kinh tế trước mắt cũng như lâu dài.
Cây chè Shan tồn tại và phát triển phù hợp với điều kiện, sản xuất canh tác của đồng bào dân tộc Mông, là cây có hiệu quả kinh tế trước mắt cũng như lâu dài.

Theo lý thuyết thì đến nay hầu hết diện tích chè đã hết thời kỳ kiến thiết cơ bản và đã cho thu hoạch, nhưng buồn thay loại cây được xác định là mang tính "đột phá" ở vùng cao này vẫn chưa phát huy hiệu quả và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.

Cùng với diện tích chè của dự án đã đưa tổng diện tích chè của Mù Cang Chải lên 1.652 ha, trong đó có 177 ha chè trung du và 1.470 ha chè Shan. Để có diện tích chè như hiện nay, ngoài sự đầu tư tiền tỷ của nhà nước, phải kể đến sự chỉ đạo sát sao của huyện, sự kiên trì, vận động đồng bào Mông triển khai dự án. Cây chè đã tạo thêm việc làm, thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông đã yên tâm định canh, định cư, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đã có nhiều hộ nhận thức đúng về tiềm năng kinh tế của cây chè, nắm bắt tốt kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái chế biến. Nhưng xét về mục tiêu dự án thì quả là còn nhiều điều phải bàn và rút kinh nghiệm vì đa số diện tích chè phát triển kém so với khả năng của nó và điều kiện tự nhiên ở đây. Trong tổng số 1.470 ha, thì chỉ có 295 ha phát triển tốt, chiếm 23%, 369 ha phát triển trung bình, còn lại 617,9 ha chè rất xấu, (chiếm 48% diện tích). Nhiều diện tích trồng từ năm 1999-2000 cây mới cao 0,6-1m, tỷ lệ cây chết chiếm 40-50%, có nhiều diện tích ở xã Púng Luông, Nậm Khắt và La Pán Tẩn còn mất trắng.

Năm 2007 là năm được đánh giá là đạt sản lượng chè cao nhất cũng chưa đầy 80 tấn. Với sản lượng ấy đem bán theo giá thị trường thì mỗi năm Mù Cang Chải cũng chỉ thu được trên dưới 400 triệu đồng. Cứ thu như vậy, không kể công chăm sóc, thu hái cũng phải mất 15 năm mới hoàn được vốn đầu tư ban đầu.

Ông Trần Đình Tiến - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Từ năm 2005 trở lại đây, theo sự chỉ đạo của tỉnh, huyện là không đầu tư trồng mới nữa mà tập trung vào trồng dặm, chăm sóc diện tích chè, nâng cao chất lượng nương chè. Đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành trồng dặm và đang tiếp tục vận động nhân dân bảo vệ, chăm sóc diện tích hiện có. Tuy nhiên, do phong tục tập quán cùng với người dân chưa nhận thức đúng đắn về cây chè dẫn đến không đầu tư, chăm sóc, bảo vệ, nhiều diện tích chè gần như bỏ hoang. Ngay cả việc thu hái để bán mà vẫn có nhiều hộ dân không chịu làm”. 

Việc người dân vẫn chưa thật quan tâm đầu tư, chăm sóc bảo vệ chè là có thật, thậm chí ngay cả cán bộ xã, thôn, bản cũng chưa nhận thức đúng về việc trồng chè, coi việc trồng chè là của Nhà nước, mình trồng là để lấy tiền công ban đầu. Dẫn tới việc trồng, chăm sóc, bảo vệ nương chè kém, trồng không đảm bảo mật độ, việc chọn đất, quy hoạch đất trồng chè cũng không đạt yêu cầu, có nhiều diện tích trồng không đúng quy hoạch… Tuy nhiên nhìn nhận một cách khách quan về Dự án phát triển chè Shan ở Mù Cang Chải thì diện tích chè trồng rất thưa, trồng theo kiểu “đa mục đích”, nếu chè phát triển tốt thì có thu hoạch, nếu không cũng góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Diện tích trồng phân tán, chưa đúng vùng quy hoạch, xa khu dân cư, diện tích trồng thì nhỏ lẻ. Nhiều diện tích còn trồng xen vào cả diện tích rừng phòng hộ.

Từ những lý do đó, đến nay có nhiều diện tích chè cho thu hoạch nhưng người dân cũng chẳng thèm quan tâm thu hái, bởi lẽ muốn thu hái chè người dân phải băng đèo, vượt núi thu hái rồi lại vượt núi, băng đèo đi bán. Đi thu hái chè vất vả quá, do vậy người dân không thiết tha với cây chè cũng là lẽ thường. Hiện nay chỉ có vùng chè ở xã Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, Khau Mang, Lao Chải, Hồ Bốn là cho thu hoạch khá, còn lại hầu hết ở các xã nhiều diện tích cây còn, cây mất. Chè mọc xen với rừng và đã trở thành rừng hỗn giao, người dân muốn thu hái đã khó, nói gì đến chăm sóc. Đấy là chưa kể đến khâu thu mua, chế biến trên địa bàn còn rất yếu và thiếu.

Cây chè Shan vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, song huyện Mù Cang Chải vẫn xác định “Cây chè Shan tồn tại và phát triển phù hợp với điều kiện, sản xuất canh tác của đồng bào dân tộc Mông, là cây có hiệu quả kinh tế trước mắt cũng như lâu dài”. Những nhận định, đánh giá đó quả không sai, nhưng để cây chè thực sự phát triển và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo thì Mù Cang Chải phải giải quyết tốt những vấn đề đã nêu trên. Trước mắt Mù Cang Chải phải nâng cao nhận thức của người dân về cây chè, để họ hiểu rõ việc trồng và phát triển cây chè là để đảm bảo cuộc sống, thu nhập cho chính gia đình họ.

Bên cạnh đó, phải tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho người dân từ cách thu hái, chăm sóc, bảo vệ diện tích chè. Huyện cũng cần có cuộc khảo sát, đánh giá đúng thực trạng diện tích chè hiện có và chỉ tập trung phát triển diện tích chè trồng gần khu vực dân cư, nơi đất tốt và diện tích lớn. Những diện tích trồng nhỏ lẻ, xa dân cư, đất xấu thì không nên tập trung chăm sóc, đầu tư nữa mà cứ để cây mọc thành rừng. Khi đã đánh giá, khảo sát xác định rõ diện tích tiến hành cho trồng dặm, trồng cải tạo, trồng phục hồi bảo đảm đủ mật độ, tạo vùng chè đạt năng suất cao. Song song với phát triển vùng nguyên liệu, cũng cần đầu tư, nâng cấp các cơ sở chế biến đồng bộ sản xuất theo hướng hàng hoá.

Thanh Phúc

Các tin khác
Cán bộ Ngân hàng CSXH Yên Bái kiểm tra việc thực hiện giải ngân của khách hàng.

YBĐT - Đợt lũ lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua đã khiến 1.963 hộ gia đình là khách hàng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái bị thiệt hại với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng. Khách hàng của NHCSXH đều là những đối tượng nghèo, cận nghèo, dân tộc ít người nay lại mất nhà cửa, tài sản, ruộng vườn nên cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại khó khăn hơn và việc khắc phục hậu quả của lũ lụt sẽ gặp nhiều gian nan.

Ủy ban Chứng khoán vừa hoàn tất dự thảo quy chế giám sát giao dịch chứng khoán và đang trình Bộ Tài chính xem xét.

YBĐT - Huyện Yên Bình (Yên Bái) có trên 40.955 ha rừng, địa hình chia cắt bởi hồ Thác Bà quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Những năm trước, Yên Bình luôn là điểm nóng trong khai thác vận chuyển lâm sản trái phép.

Hai cây xăng được chọn thí điểm bán loại xăng này là cửa hàng dịch vụ xăng dầu Thái Thịnh và cửa hàng dịch vụ xăng dầu Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), sau đó sẽ tiếp tục mở rộng ra Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục