Quy Mông sau cơn "đại hồng thủy"
- Cập nhật: Thứ năm, 11/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cách đây chưa lâu, cả xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phải gồng mình chung tay chống lũ, nay cả xã lại đang tiếp tục gắng sức để lo khắc phục từng phần việc sau khi cơn lũ đi qua nhưng tất cả mới chỉ là bắt đầu vì trước mắt vẫn còn đang đầy rẫy những khó khăn.
Gần 3.000 người dân Quy Mông bị ảnh hưởng của cơn "đại hồng thuỷ".
|
Quy Mông nằm ở phía tả ngạn sông Hồng. Những năm chỉ có "con nước ròng" đã đưa phù sa bồi đắp nơi đây để có những cánh đồng "bờ xôi, ruộng mật" mỗi vụ cho năng suất tới gần 300 kg/sào.
Nhưng trận “đại hồng thủy” do cơn bão số 4 gây ra hồi đầu tháng 8 đã để lại hậu quả nặng nề, Giờ đây những cánh đồng "bờ xôi, ruộng mật" ấy đã bị cát non vùi lấp sâu gần vút cổ bông những cây lúa đang độ phun đòng. Mùa này mất trắng đã đành, những mùa sau làm sao đủ sức san ủi lớp cát kia đi để trả lại mặt ruộng canh tác.
Sau 40 năm mới lặp lại, trận lũ lụt lịch sử vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề cho 20 xã của huyện Trấn Yên, trong đó có xã Quy Mông. Đây là một xã vùng III thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau 5 năm được Chương trình 135 đầu tư cùng với các chính sách ưu đãi khác, cơ sở hạ tầng của xã được xây dựng khá hoàn chỉnh, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Dự kiến đến năm 2009, Quy Mông sẽ đủ điều kiện ra khỏi danh sách các xã "đặc biệt khó khăn". Thế nhưng, những thiệt hại do ngập lụt bởi cơn bão số 4 đã xóa đi tất cả. Kinh tế của xã cùng với đời sống nhân dân ở đây đã bị kéo lùi trở lại 5 năm về trước. Toàn xã có 12 thôn thì tới 9 thôn bị ngập chìm trong nước, trên 700 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 215 hộ nhà cửa bị ngập chìm sâu, 96 ha lúa và hơn 70 ha cây màu bị mất trắng.
Nhìn cánh đồng thẳng cánh cò bay, nơi mà trước kia là cánh đồng dâu tằm, một nghề mới được hình thành do việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo nghị quyết của Đảng bộ huyện, trong mấy năm qua đã mang lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân trong xã, giờ đã bị cát trắng vùi lấp tới hơn 1m. Những nong tằm đang thì ăn rỗi nay sống lay lắt, nhiều hộ đã phải đổ đi làm phân bón mà thấy xót xa.
Nhìn cánh đồng trắng cát, anh Đào Văn Sửu, Trưởng thôn 4 nói trong xót xa: "Năm nay dân tôi rồi sẽ đói to anh ạ! Cả cánh đồng Đầm Tròn vốn được coi là "bồ thóc" của thôn năm nay "trắng bảng". Con ngòi tiêu nước cho cánh đồng dài hơn 300m, cửa ngòi sâu tới 7 - 8m mà còn bị cát san bằng, sức người không thể đào cát đổ đi đâu được. Vừa rồi huyện có cho máy về giúp thì mới chỉ tiêu nước được phần mặt, nhưng cứ hễ trời mưa là cát lại lở xuống lấp đầy. Không biết vụ tới dân chúng tôi sẽ làm gì?”.
Chúng tôi mang những băn khoăn của người dân thôn 4 nói riêng và hơn 700 hộ dân trong xã bị ảnh hưởng trong cơn bão số 4 vừa qua để trao đổi với ông Đỗ Xuân Sang, Chủ tịch UBND xã Quy Mông. Ông cho biết: "Những năm trước, xã được chương trình "kiên cố hóa kênh mương" thực hiện kiên cố trên 10.000m, trong đó có tới 7000m được bê tông hóa, nay đất cát vùi lấp cả mương lẫn ruộng. Nếu xúc đất để trả lại lòng mương cũ thì ruộng lại cao hơn mương, không thể đáp ứng cho việc tưới tiêu. Còn nếu san ủi mặt ruộng với hàng vạn mét khối cát thì lấy đâu sức mà làm, vả lại số cát ấy không biết sẽ đổ đi đâu?".
Trong cái nắng cháy da, người dân Quy Mông vẫn đang miệt mài bên những "thửa ruộng cát" để cào chang, sau đó gieo sạ những cân thóc cuối cùng với hy vọng được chăng hay chớ. Để đảm bảo lương thực cho vụ tới, huyện chỉ đạo các xã trong vùng ngập lụt tận dụng mọi diện tích đất có thể gieo trồng được để trồng ngô (giống ngô được cấp bằng hình thức không thu tiền đến từng hộ theo nhu cầu, giống được cung ứng kịp thời ngay sau khi nước rút).
Đến nay, đa số các hộ đã trồng. Một số diện tích còn úng nhân dân đang tích cực khơi thông, lên luống cho khô đất để tiếp tục trồng xong trước 15/9. Những cánh đồng đã le lói màu xanh, nhưng cứ nhìn những nhánh mạ yếu ớt len lỏi trong cát để vươn lên như những que tăm mảnh dẻ thiếu sức sống, những mầm ngô nửa vàng nửa xanh gầy guộc mong manh trong cát bỏng mà lòng người quặn thắt một nỗi lo: "Đói!".
Ngay sau khi cơn lũ đi qua, toàn xã đã huy động tổng lực để dồn sức khắc phục hậu quả. Công việc trước mắt là vận động lực lượng của các đoàn thể giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình bị hư hỏng nhà cửa nhanh chóng sửa chữa để có chỗ ở, huy động các thôn tập trung lực lượng khai thông hàng chục km các tuyến giao thông liên thôn, nạo vét hàng nghìn mét kênh mương, vận động nhân dân gieo trồng rau màu để khắc phục tạm thời cái ăn trong vụ tới.
Đồng thời, để chia sẻ với những mất mát thiệt thòi của nhân dân vùng bị thiên tai, rất nhiều các tổ chức cá nhân đã ủng hộ tiền, quà, hàng hóa, lương thực tới xã để cứu trợ kịp thời ngay cả trong và sau lũ. Nhưng những gì mà hậu quả do cơn lũ để lại cho xã Quy Mông là quá lớn: hơn 3.000 người dân trong xã bị ảnh hưởng và có nguy cơ đói nghèo, tổng thiệt hại theo ước tính ban đầu lên tới hàng chục tỷ đồng.
Thiệt hại của xã Quy Mông lên tới hàng chục tỷ đồng.
Công tác khắc phục là công việc lâu dài và rất khó khăn, vì vậy những sự hỗ trợ lúc này vẫn chỉ là tạm thời. Còn về lâu dài, xã sẽ phải có một kế hoạch cụ thể chi tiết để từng bước ổn định sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.
Trên những con đường làng bụi mù cát bay, luồn lách vào từng xóm nhỏ đó đây vẫn còn những ngôi nhà xiêu vẹo chưa kịp sửa sang. Những cụ già vẫn đang cần mẫn giúp con cháu dọn dẹp những gì vương vãi quanh nhà sau cơn "đại hồng thủy".
Cũng trên những ngả đường ấy, từng tốp học sinh vẫn tung tăng đến trường đón năm học mới. Mặc dù năm học này, học sinh xã Quy Mông đã được tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ để đủ điều kiện đến trước, nhưng các bậc phụ huynh vẫn đang lo đến cháy lòng để làm sao có đủ cái ăn, cái mặc, cái đóng góp cho con em đến trường trong cả một năm học dài dằng dặc.
Cách đây chưa lâu, cả xã Quy Mông đã phải gồng mình chung tay chống lũ, nay cả xã lại đang tiếp tục gắng sức để lo khắc phục từng phần việc sau khi cơn lũ đi qua nhưng tất cả mới chỉ là bắt đầu vì trước mắt vẫn còn đang đầy rẫy những khó khăn. Hơn lúc nào hết, nhân dân trong xã rất mong được cả cộng đồng cùng chia sẻ.
Phạm Vĩnh Cường
Các tin khác
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều tin tưởng rằng với những chính sách hiện nay của chính phủ, Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
YBĐT - Mù Cang Chải là một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, 100% xã, thị trấn thuộc vùng 135, với 7.370 hộ, trên 51 ngàn nhân khẩu, hơn 90% là đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí còn hạn chế. Nhân dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông lâm nghiệp, thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp so với các huyện khác trong tỉnh.
Tổng sản lượng bán hàng của các hãng ôtô nội địa tháng 8/2008 đã sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm với 7.809 chiếc.
Giá vàng thế giới trượt dài đã đẩy giá vàng trong nước mất hơn 10.000 đồng, tuột khỏi mốc 1,7 triệu đồng/chỉ, xuống còn 1,695 triệu đồng/chỉ vào sáng nay (10/9). Hiện giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 130.000 đồng/chỉ.