Khôi phục nuôi cá sau lũ: Cần có sự tạo điều kiện của ngân hàng
- Cập nhật: Thứ hai, 15/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Lũ đã đi qua, nhưng đến nay nhiều ao hồ của các hộ nuôi cá vẫn không có khả năng tái đầu tư. Muốn khôi phục sản xuất, nhưng họ đang gặp phải những khó khăn về vốn và giá giống quá cao...
Công nhân Trại cá giống Nghĩa Lộ kiểm tra chất lượng cá giống xuất cho khách hàng. (Ảnh: Sơn Nam)
|
Trong trận lũ lịch sử vừa qua, trên 600 ha ao nuôi cá ở Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên bị thiệt hại nặng nề. Xã Văn Tiến (huyện Trấn Yên) là địa phương có nghề nuôi cá ao, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nuôi cá. Xã có trên 20 ha ao, sản lượng mỗi năm ước cũng đạt trăm tấn cá, vậy mà lũ tràn về cuốn đi tất cả và nặng nhất là thôn Lưỡng Sơn. Thế nhưng, đến nay nhiều ao hồ vẫn trống không; nhiều hộ chỉ tự khôi phục lại bờ, nạo vét, vệ sinh ao, còn việc mua cá giống thì gần như không thể.
Bà Đinh Thị Thu Hương - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngay sau khi nước rút, xã đã vận động nhân dân vệ sinh ao hồ nhưng cũng được rất ít, vì đến nay nhiều ao hồ ở đây nước vẫn chưa rút hết. Nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, tiền vay ngân hàng chưa trả hết nên ngại nợ mới chồng nợ cũ.
Đặc biệt, nhiều hộ dân trước đây đã vay vốn bên ngoài để đầu tư thả cá với lãi suất cao nay sẽ gặp khó khăn hơn về vốn. Việc khôi phục nuôi thuỷ sản khó thực hiện được trong năm nay". Ông Phạm Xuân Quý, thôn Lưỡng Sơn cho hay: “Năm 2007, gia đình vay vốn ngân hàng đầu tư 7 triệu tiền cá giống, trước lũ vài ngày, đầu tư thêm 3 triệu nữa. Định cuối năm thu hoạch trả nợ ngân hàng, nào ngờ lũ đến cuốn đi hết. Đến nay, gia đình vẫn nợ ngân hàng 7 triệu đồng. Lũ rút gia đình đã đầu tư nạo vét, vệ sinh ao để nuôi tiếp nhưng cá giống đắt đỏ quá. Giá một con cá vược trước chỉ 500 đồng/con, giờ lên đến 1000 đồng/con, cá chép, cá trắm cỏ cũng 1.500-2500 đồng/con. Với giá như hiện nay, có đầu tư nuôi cũng lỗ vốn”.
Rời xã Văn Tiến chúng tôi đến thôn Linh Đức, xã Minh Quân (Trấn Yên), nơi đây từng là “lá cờ đầu” trong việc chuyển đổi ruộng một vụ kém hiệu quả sang đào ao thả cá. Vài năm trở lại đây, với nghề nuôi cá không ít gia đình đã khá lên, nhưng nay thì nhiều hộ trắng tay. Nhưng lo hơn là, người dân không còn đủ khả năng tái đầu tư để nuôi cá nếu không có sự giúp đỡ của tỉnh, của ngành ngân hàng. Gia đình bà Bùi Thị Tuấn có gần 7 sào ao nuôi cá, lũ về cuốn phăng tất cả, thiệt hại trên 10 triệu đồng. Từ hôm lũ đi qua, bà Tuấn cũng không nghĩ đến xử lý ao hồ, vì theo bà, có xử lý tu bổ ao rồi cũng lấy tiền đâu ra để mua cá giống, cá giống vừa đắt vừa hiếm mà không biết có đảm bảo chất lượng không?
Anh Lê Văn Triệu cũng có ao bị mất trắng buồn rầu nói: “Cứ nghĩ nuôi đến tết Nguyên đán bán lấy tiền trả bớt nợ, ai ngờ lũ về không còn một con, cả ao cá thịt lẫn cá giống. Tính ra thiệt hại trên 20 triệu đồng, khổ nhất là ao ươm cá giống cũng bị cuốn sạch. Mấy ngày nay, gia đình đã vệ sinh ao sạch sẽ nhưng không kiếm đâu ra vốn để mua cá giống và thức ăn cho cá, giá giống lại cao quá”. Ông Lê Công Luân, Trưởng thôn Linh Đức một trong những hộ nuôi cá giỏi nhất nhì thôn cũng thiệt hại trên 50 triệu đồng. Gần một tháng trôi qua, gia đình ông Luân huy động mọi nguồn vốn cũng chỉ đủ vốn khôi phục lại 30%.
Theo các hộ dân, giống cá trước đây chủ yếu ở dưới xuôi mang lên, giờ họ bắt chẹt, giá tăng cao quá. Được biết, những ngày sau lũ, cá giống tăng đột biến. Trước đây, một con cá trắm giống bằng đầu ngón tay giá 700-800 đồng, giờ này cũng lên đến 2.500-3.000đồng/con, đắt đỏ là vậy nhưng số lượng cũng không có nhiều. Xã Minh Quân có gần 60 ha ao hồ nuôi cá bị xoá sổ, ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng và toàn xã chỉ còn lại khoảng 3 ha ao nằm rải rác ở các thôn.
Ông Trần Văn Hẹ - Chủ tịch UBND xã Minh Quân cho biết: “Ngay sau khi nước rút, xã đã tiến hành thống kê diện tích ao hồ bị thiệt hại và tập trung khôi phục lại ao. Đồng thời, làm việc với huyện đề nghị ngân hàng cho khoanh nợ, giãn hạn nợ đối với các hộ bị thiệt hại, đề nghị ngân hàng cho vay vốn giải quyết kinh phí cho dân mua cá giống”.
Để giúp người nuôi cá nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, tỉnh cũng đã có cơ chế hỗ trợ 5 triệu đồng tiền mua cá giống cho 1ha. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ như hiện nay, người nuôi cá chưa đủ vốn để khôi phục ngay được nếu không có sự giúp đỡ của ngân hàng. Mong muốn hầu hết của các hộ chăn nuôi là ngoài việc hỗ trợ của tỉnh, ngân hàng cần khoanh nợ cũ và tiếp tục cho vay vốn với lãi suất ưu đãi thì mới có thể khôi phục lại được. Ngành nông nghiệp, Trung tâm Thuỷ sản nên cần có giải pháp về cá giống cung ứng cho người dân. Ngoài ra, các địa phương cũng cần khai thác nguồn cá giống tại chỗ để nuôi.
Văn Thông
Các tin khác
Sáng nay 15.9, Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) bắt đầu bán thí điểm sản phẩm xăng ethanol (Gasohol E5) tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa tiếp tục có văn bản yêu cầu Bộ Công thương phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương kiểm tra và xử lý nghiêm những điểm nóng về vi phạm pháp luật trong xuất khẩu khoáng sản, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11-2008.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bai phát phát hiện và xử lý là 488 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó khai thác là 3 vụ, vận chuyển 170 vụ, chế biến cất giấu 150 vụ, cháy rừng 3 vụ, nương rẫy 160 vụ; tiến hành xử phạt hành chính và bán gỗ thu giữ với số tiền thu được là 1,9 tỷ đồng.
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái tại Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh chè 8 tháng đầu năm và bàn biện pháp thực hiện nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2008 vừa tổ chức tại huyện Văn Chấn.