Ứng dụng CNTT trong ngành tài chính: Thiếu hệ thống tổng thể

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/9/2008 | 12:00:00 AM

Hiện nay ngành tài chính đang thiếu một hệ thống tổng thể, trong đó bao gồm những hệ thống tác nghiệp lớn của ngành để tạo nền tảng hướng tới chính phủ điện tử, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học thống kê, Bộ Tài chính cho biết.

Đến nay, ngành tài chính là cơ quan chính phủ đi đầu trong ứng dụng CNTT với trên 90% nghiệp vụ tác nghiệp chính đã được ứng dụng CNTT. Mạng hạ tầng truyền thông đã thiết lập được 3541 kênh truyền (MPLS và leased-line) từ cấp trung ương tới cấp quận, huyện. Số lượng máy chủ và máy trạm đã được trang bị cho toàn ngành lần lượt đạt 3894 và 54975 chiếc. Tổng cộng đã có khoảng 6300 cán bộ tham gia vào công tác triển khai ứng dụng tin học, trong đó có 3144 là cán bộ tin học (chiếm 4,9% tổng số cán bộ toàn ngành), số còn lại là cán bộ kiêm nhiệm.

Mạng của ngành tài chính đang được đánh giá là mạng có quy mô lớn nhất trong các Bộ ngành, sử dụng công nghệ mới NGN và thống nhất cho toàn bộ các ứng dụng nghiệp vụ của ngành hiện nay.


Một gian hàng tại triển lãm Vietnam ICT in Finance 2008.

Tuy nhiên, tại Hội thảo Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính 2008 được khai mạc tại Hà Nội sáng nay, ông Mai cho rằng, so với yêu cầu hiện đại hóa của ngành, hệ thống hiện tại mới đáp ứng được yêu cầu cơ bản của một hệ thống CNTT phục vụ tác nghiệp. Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành còn yếu, tính tích hợp hệ thống chưa cao.

Và mặc dù hệ thống tác nghiệp đang được coi là thế mạnh của ngành, thì tài chính vẫn thiếu nhiều những hệ thống tác nghiệp lớn. Kinh nghiệm triển khai những hệ thống lớn hiện nay đang là cả một vấn đề. Việc tích hợp giữa các hệ thống như thế nào để trao đổi thông tin trong toàn ngành cũng là một câu hỏi lớn đặt ra trong giai đoạn tới. Đó là nhiệm vụ của việc xây dựng hệ thống tổng thể.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cũng cho biết, Bộ Tài chính luôn coi trọng việc ứng dụng CNTT vào phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành là một trong những ưu tiên hàng đầu để triển khai chính phủ điện tử.

Hội thảo - triển lãm thường niên “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính - Vietnam ICT in Finance 2008” (ICTF’08) diễn ra từ 18 đến 19-9.
Hội thảo triển lãm ICTF’08 đề cập đến các vấn đề về ứng dụng CNTT – TT trong hiện đại hóa quản lý tài chính, hỗ trợ cải cách hành chính, và tạo điều kiện thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của ngành tài chính, giúp các nhà lãnh đạo và quản lý tại các tổ chức nhà nước và DN, có được những giải pháp và công nghệ mới nhất, cũng như kinh nghiệm triển khai các dự án CNTT của ngành Tài chính.

Đây là lần thứ năm Bộ Tài chính và IDG tổ chức sự kiện này.

Theo định hướng và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010 đã được Quốc hội và Chính phủ đề ra, mục tiêu ứng dụng CNTT quan trọng nhất trong giai đoạn 2008-2010 của ngành tài chính là xây dựng nền tảng chính phủ điện tử, xây dựng hệ thống chỉ đạo điều hành hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin quản lý, tài chính hợp nhất từ trung ương đến địa phương, tạo nền tảng cho việc thực hiện chính phủ điện tử bao gồm: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách – kho bạc (TABMIS), Hệ thống thông tin quản lý thuế (ITAIS), Hệ thống thông tin quản lý hải quan (VCIS), Hệ thống thông tin thống kê và dự báo tài chính quốc gia (SFSS)...

Từ nay đến 2010, việc trao đổi thông tin, giao dịch giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng sẽ được tăng cường lưu chuyển trên mạng, giảm thiểu sử dụng giấy tờ, và Bộ cũng sẽ triển khai thực hiện họp qua mạng.

Hướng ứng dụng CNTT thứ 2 sẽ được đẩy mạnh là phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua việc triển khai Cổng thông tin điện tử và triển khai ít nhất năm dịch vụ công trực tuyến (hai dịch vụ mức độ 3 và ba dịch vụ mức độ 4) trên Cổng thông tin điện tử này. Những dịch vụ công sẽ được cung cấp qua mạng gồm tư vấn thủ tục hải quan qua mạng; dịch vụ tra cứu mã số hàng hóa và thuế xuất nhập khẩu; khai hải quan từ xa; hỗ trợ kê khai Thuế điện tử; cấp mã số ngân sách qua mạng; đăng ký tài sản công qua mạng.

Cũng trong giai đoạn này, ngành tài chính sẽ nâng cấp năm cơ sở dữ liệu đã xây dựng (gồm CSDL đối tượng nộp thuế, CSDL đối tượng sử dụng ngân sách, CSDL Thu chi ngân sách, CSDL quản lý công sản và CSDL văn bản pháp quy) và xây dựng mới bảy CSDL (gồm CSDL Quản lý giá, CSDL về đầu tư xây dựng cơ bản, CSDL về hàng hóa xuất nhập khẩu, CSDL Quản lý nợ công và CSDL chuyên ngành về dự trữ quốc gia, CSDL về công ty đại chúng và CSDL về giao dịch trên thị trường Chứng khoán).

(Theo NhanDan)

Các tin khác

Những túi sữa này được bày bán rất công khai mà trên bao bì túi sữa không có bất cứ nhãn mác nào ngoài hai chữ "sữa béo" được nhà kinh doanh dùng bút tự ghi vào. Một số hộp vani hương bột sữa thì chằng chịt chữ Trung Quốc mà không có bất kỳ nhãn phụ tiếng Việt nào.

Giá vàng niêm yết tại các cửa hàng sáng 18/9 làm cho những người theo dõi thị trường sát sao cũng phải ngỡ ngàng: 18,3 triệu đồng mỗi lượng, tăng 1,3 triệu đồng sau một đêm.

Theo Thông tư mới ban hành của Bộ Tài chính, xe máy chịu mức phí trước bạ là 2%, riêng xe đăng ký tại các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở phải chịu mức phí là 5% (đối với việc kê khai nộp lần đầu). Từ lần thứ 2 trở đi là 1%.

Từ khi có Đội quản lý thị trường, giá muối ở các địa bàn đã được bán chung một giá. (Ảnh: Đức Minh)

YBĐT - Để ngăn chặn và giải quyết các hành vi buôn lậu, kinh doanh trái phép khác, góp phần bảp vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, ngày 13/2/2008, UBND tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 249 về việc thành lập Đội quản lý thị trường số 9 đặt tại huyện Mù Cang Chải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục