Sau lũ, đồng đất lại sinh sôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những ngày tháng 9, không khí lao động sản xuất ở các xã vùng lũ Văn Yên đang rất khẩn trương. Người dân tập trung chăm sóc lúa mùa, trồng ngô trên những diện tích bị thiệt hại sau lũ và chuẩn bị sản xuất vụ đông. Đồng đất nơi lũ đi qua, lại sinh sôi bởi bàn tay và ý chí của con người...

Cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Văn Yên kiểm tra sinh trưởng của ngô trên cánh đồng Dẹt, thôn Cầu có, xã Đông Cuông.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Văn Yên kiểm tra sinh trưởng của ngô trên cánh đồng Dẹt, thôn Cầu có, xã Đông Cuông.

Những nông dân thăm đồng sớm ở xã Đông Cuông cho chúng tôi hay, sau lũ, một số diện tích đã xuất hiện khô vằn, rầy đốm sọc, nhưng nhờ chủ động phòng dịch nên đã kịp thời khống chế, không để lan rộng, ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất lúa.

Ông Đào Văn Vinh, đang kiểm tra nước trên thửa ruộng của gia đình kể: "Bà con đã thực hiện đúng hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp - PTNT: diện tích ngập úng đã và đang phục hồi thì bón thêm kali, mức 2kg/sào; tro bếp, vôi bón 5-10 kg/sào; tiến hành rửa bùn trên lá ở nơi lúa bị ngập, giữ nước đều ở các chân ruộng; thường xuyên thăm đồng, diệt trừ sâu bệnh".

40/148 ha lúa mùa ở Đông Cuông đã trỗ. Gay nhất là các công trình thủy lợi không đáp ứng nhu cầu nước tưới cho lúa do hư hỏng sau lũ. Thống kê của UBND huyện: 8 công trình đầu mối, 25 phai đập bị hư hỏng sau lũ. Ở Đông Cuông và các xã bị thiệt hại do lũ, đã huy động nhân lực, vật lực khắc phục tạm thời, bảo đảm nước cho lúa.

"Năng suất bình quân cố gắng đạt 51 tạ/ha, riêng cánh đồng Đại-Phú-An tập trung đẩy năng suất lên khoảng 58 tạ/ha, bù cho những xã bị ảnh hưởng năng suất do bão lũ". Phó trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT Khổng Giang Lam cho biết khi cùng lên Lâm Giang. Lúa ở Lâm Giang trỗ chậm hơn vùng trọng điểm Đông Cuông, Đại-Phú-An. Trên cánh đồng Ba Soi, bà Vũ Thị Hà dừng tay phun thuốc cho lúa, cho hay, bà con đang tập trung phòng trừ bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, bệnh đốm sọc, thối nõn theo chỉ đạo của huyện.

Có mặt trên những cánh đồng đang khôi phục sản xuất sau lũ, chúng tôi thấy nông dân thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật làm đất theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện. Những nông dân đang làm đất bên ngòi Cài cho biết, với đất ráo nước, bà con đã cày lật để hoại đất từ 3- 5 ngày rồi mới tra hạt; đất ruộng chưa ráo sau lũ thì khơi rãnh quanh bờ, khơi rãnh trong ruộng và đánh luống để nước rút, trồng ngô trên đất ướt để bảo đảm thời vụ.

Chủ tịch UBND xã Vũ Mạnh Hải trao đổi: "Hai việc cấp thiết lúc này là bảo đảm nước cho lúa mùa và cải tạo đồng ruộng, trồng ngô trên diện tích bị ảnh hưởng lũ, chuẩn bị cho sản xuất vụ đông. Trong 70 ha bị mất do lũ, xã chỉ đạo nông dân khôi phục 30 ha bị phù sa bồi đắp, trồng ngô giống VN 10 thay thế. Lâm Giang đã tiếp nhận 1.600 kg ngô giống từ huyện chuyển về. Số giống này đã phát cho các hộ đăng ký, trồng từ ngày 25/8, đúng chỉ đạo của Phòng Kinh tế".

Ngoài Lâm Giang, 16 xã khác bị ảnh hưởng bão lũ cũng đã được nhận ngô giống hỗ trợ. Tổng số là 15.232 kg, trong đó tỉnh hỗ trợ 10.882 kg, còn lại là hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn thế giới... Trao đổi về sản xuất vụ đông, Chủ tịch UBND huyện Trần Thế Hùng cho biết, tổng diện tích vụ đông 2008 của Văn Yên là 2.050 ha. Trong đó, cây vụ đông trên đất hai vụ lúa là 950 ha, bao gồm: ngô vụ đông 600 ha, khoai lang 350 ha, rau màu 200 ha.

Còn lại là 1.000 ha ngô đông, 100 ha khoai lang trên đất đồi bãi. Các giống ngô chủ yếu là CP989, C919, LVN4, LVN99; B06. Chỉ đạo của huyện là, diện tích đất màu bị cát bồi lấp, không có khả năng thâm canh ngô, sẽ chuyển trồng khoai lang đông, thời vụ từ tuần đầu tháng 9 tới 10,10, chủ yếu là khoai lang (giống Hoàng Long, KB4, KB1, K143); khoai tây giống KT3, P003, Điamam, Nicola. Diện tích trũng, phù sa bồi lấp, lầy thụt, sỏi đá vùi lấp thì tập trung khơi rãnh để khô đất, xúc bỏ cát sỏi để trồng bí, đậu cô ve, su hào, cải bắp…

Sau lũ, việc nhiều vô kể. Chỉ đạo trong sản xuất nếu không cụ thể, kiên quyết sẽ dẫn tới "xôi hỏng, bỏng không". Thực tế là, một số nơi, nông dân đã cấy mạ già trên ruộng sau lũ, huyện đã chỉ đạo kiên quyết dừng, chuyển sang trồng ngô, giống ngắn ngày…

Những ngày tháng 9 này, không khí lao động, sản xuất ở các xã vùng lũ Văn Yên đang rất khẩn trương. Hơn 700/2.300 ha lúa mùa đương vào kỳ trổ bông. Bên những đồng lúa đang phơi màu là những bãi ngô non tươi vừa hồi sinh sau lũ. Đất đang giao mùa, ruộng đồng đang thay áo mới. Văn Yên, những làng quê nơi lũ đi qua, đồng đất lại sinh sôi bởi bàn tay và ý chí con người…

Quốc Khánh

Các tin khác

Hiện nay ngành tài chính đang thiếu một hệ thống tổng thể, trong đó bao gồm những hệ thống tác nghiệp lớn của ngành để tạo nền tảng hướng tới chính phủ điện tử, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học thống kê, Bộ Tài chính cho biết.

Những túi sữa này được bày bán rất công khai mà trên bao bì túi sữa không có bất cứ nhãn mác nào ngoài hai chữ "sữa béo" được nhà kinh doanh dùng bút tự ghi vào. Một số hộp vani hương bột sữa thì chằng chịt chữ Trung Quốc mà không có bất kỳ nhãn phụ tiếng Việt nào.

Giá vàng niêm yết tại các cửa hàng sáng 18/9 làm cho những người theo dõi thị trường sát sao cũng phải ngỡ ngàng: 18,3 triệu đồng mỗi lượng, tăng 1,3 triệu đồng sau một đêm.

Theo Thông tư mới ban hành của Bộ Tài chính, xe máy chịu mức phí trước bạ là 2%, riêng xe đăng ký tại các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở phải chịu mức phí là 5% (đối với việc kê khai nộp lần đầu). Từ lần thứ 2 trở đi là 1%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục