Trấn Yên: Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp
- Cập nhật: Thứ hai, 24/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI huyện Trấn Yên quy hoạch các khu sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN-TTCN trên địa bàn theo hướng chế biến sâu, gắn chế biến với vùng nguyên liệu. Năm 2008 là năm kinh tế CN-TTCN có những khởi sắc mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế địa phương…
Công nhân Công ty cổ phần Phát triển Quy Mông (Trấn Yên) chuyển sản phẩm gỗ ván dán ép đi tiêu thụ.
|
Bám sát định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, huyện Trấn Yên tích cực kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực: chế biến nông-lâm sản, bao gồm chế biến chè, chế biến gỗ rừng trồng; khai thác chế biến khoáng sản; phát triển sản xuất gắn với chế biến, như trồng và chế biến măng tre Bát Độ, dâu tằm… Huyện đã quy hoạch và san tạo mặt bằng giai đoạn I các khu công nghiệp tập trung ở Hưng Khánh, Y Can, Báo Đáp; hoàn thiện chính sách, cơ chế thu hút đầu tư đi đôi với cải cách thủ tục hành chính nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các dự án phát triển sản xuất.
Tới nay, các khu sản xuất công nghiệp tập trung đều đã có dự án đầu tư; các lĩnh vực kêu gọi đầu tư đã có hàng chục dự án triển khai và tiếp tục đăng ký mới. Toàn huyện hiện có 17 công ty TNHH, công ty cổ phần và 4 doanh nghiệp tư nhân đầu tư chế biến các sản phẩm nông-lâm nghiệp. Thành công trong thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN ở Trấn Yên thời gian qua là đã hình thành được các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng gắn với vùng nguyên liệu. 10 doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng đã đầu tư thiết bị sản xuất gỗ ván dăm, ván dán ép, đũa gỗ xuất khẩu, gỗ xẻ thanh, gỗ ván bóc… với khối lượng từ 10.000 - 15.000m3 sản phẩm/năm.
Dự án Nhà máy Chế biến gỗ Quy Mông do Công ty cổ phần Phát triển Quy Mông đầu tư với công suất 10.000m3 sản phẩm/năm là một trong những dự án lớn, phát huy hiệu quả sau đầu tư. 10 tháng qua, Nhà máy sản xuất trên 4.000 m3 sản phẩm, bao gồm gỗ ván dăm, gỗ ván dán ép, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương, nộp ngân sách gần 1 tỷ đồng. Năm 2008, dự ước giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp ngành chế biến sản phẩm từ gỗ, tre nứa của Trấn Yên đạt 33,2 tỷ đồng.
Trong đó, các công ty cổ phần đạt 17 tỷ đồng, công ty TNHH gần 3,9 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân 1,2 tỷ đồng. Trong lĩnh vực chế biến nông – lâm sản, nổi bật là đã kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu măng tre Bát Độ và cây dâu gắn với chế biến tại vùng nguyên liệu. Tới nay, huyện đã có vùng dâu nguyên liệu gần 79 ha, sản lượng kén 10 tháng đã đạt 37.366 kg; vùng tre măng Bát Độ 1.019 ha, sản lượng măng củ tươi đưa vào chế biến trong 10 tháng gần 9.000 tấn. Sản xuất chè ở Trấn Yên cũng thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
4 doanh nghiệp chế biến chè lớn là Công ty TNHH Hữu Hảo, Công ty TNHH Hưng Thịnh, Công ty TNHH Thảo Nhung, Công ty cổ phần Sao Việt đã triển khai các dự án chế biến chè đen, chè xanh với sản lượng chế biến trong 10 tháng là 1.735 tấn, GTSX công nghiệp trên 21 tỷ đồng. Dự ước cả năm, riêng 4 doanh nghiệp chè này sản xuất khoảng 2.100 tấn sản phẩm, GTSX khoảng 25 tỷ đồng.
Sự phát triển nhanh chóng về số lượng cũng như chất lượng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và gia tăng đột biến về GTSX công nghiệp của Trấn Yên trong điều kiện cực kỳ khó khăn như năm 2008 cho thấy địa phương đã vận hành đúng hướng, khá hiệu quả các chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư. Phát triển công nghiệp chế biến ở Trấn Yên hiện đứng thứ 4 trong các địa phương của tỉnh. Năm 2008, huyện đề ra kế hoạch GTSX công nghiệp là 52 tỷ đồng. 10 tháng qua, chỉ tiêu này đã đạt 78,5 tỷ, bằng 194% kế hoạch, gần gấp 2 lần năm 2007. Riêng tháng 10, GTSX công nghiệp đạt 7,7 tỷ, dự kiến cả năm sẽ đạt 90 tỷ, cao nhất từ trước tới nay.
Từ một huyện thuần nông, có thời kỳ phát triển chậm so với một số địa phương trong tỉnh, Trấn Yên đã kiên trì phát triển kinh tế theo định hướng lấy công nghiệp làm khâu đột phá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Vấn đề được quan tâm sau hơn hai năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp là, huyện có cần phải điều chỉnh lại cơ cấu và tỷ trọng kinh tế công nghiệp xây dựng trong cơ cấu kinh tế chung của địa phương sau khi một số xã sáp nhập về thành phố Yên Bái hay không? Rõ ràng, sản xuất công nghiệp xây dựng và tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn huyện đã có những kết quả rõ nét, chế biến nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu là hướng đi bền vững đã được khẳng định.
Địa giới hành chính thu hẹp, nhưng các dự án đã đầu tư trong lĩnh vực này đang phát huy hiệu quả tốt. Nếu chính sách thu hút đầu tư tốt hơn, cải cách hiệu quả hành chính thực sự hiệu quả, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển sản xuất - đó cũng là cơ sở để một nền kinh tế vốn thuần nông như Trấn Yên có cơ hội “cất cánh” trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá!
T.A
Các tin khác
Từ ngày 1/1/2009, các mặt hàng khoáng sản than, đá, quặng, dầu thô... sẽ có khung thuế mới với mức sàn phổ biến là 0% và mức trần là 50%, thay cho khung phổ biến 0-20% hiện hành.
Đây là khuyến cáo về các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá thị trường những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán của chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính.
Năm nay, ga Hà Nội sẽ tổ chức bán vé tàu Tết phục vụ nhân dân ở nhiều địa điểm, địa phương, bán vé lưu động tại các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận… Ga Hà Nội cũng sẽ mở 13-20 cửa bán vé tàu Tết vào những ngày cao điểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 101/2008/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2003/QĐ-BTC về việc ban hành mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng.