Cao Phạ gian nan bài toán giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 25/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông tại xã Cao Pha, (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Rừng nguyên sinh ở Mù Cang Chải (Ảnh: Thanh Phúc)
|
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nhiệt, trình độ dân trí thấp, người dân chưa áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giá trị kinh tế trên 1 ha đất canh tác tại Cao Phạ vẫn đạt thấp, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao so với các xã trong tỉnh.
Một trong những nguyên nhân khiến công tác xoá đói giảm nghèo tại Cao Phạ chưa phát huy hiệu quả đó là do xã chưa làm tốt việc vận động người dân đầu tư thâm canh tăng vụ cũng như chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa các loại cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nếu như đối với các xã vùng thấp cách thức canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu đã được triển khai từ rất lâu thì hiện nay tại Cao Phạ vẫn chỉ là 1 vụ lúa, 1 vụ màu. Thêm vào đó, do bà con gieo trồng theo tập quán cũ nên năng suất giống lúa lai mới đạt 38 tạ/ ha, lúa địa phương cũng chỉ đạt gần 30 tạ/ha, còn lúa nương là 19 tạ/ ha.
Ông Sùng A Dê - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hiện nay, xã có 203,8 ha lúa nước, 80 ha lúa nương nhưng chỉ có chưa đến 60 % diện tích đưa được giống lúa lai có năng suất cao vào gieo trồng, 40% diện tích còn lại bà con chủ yếu sử dụng giống lúa thuần địa phương. Việc sản xuất của bà con hiện nay vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp nên mặc dù diện tích trồng nếp Tan (nếp Tú Lệ) trên địa bàn xã khá lớn nhưng chưa thành sản phẩm hàng hoá.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất sang trồng các loại rau màu như: ngô, sắn, đậu tương, dong riềng, khoai các loại…; phấn đấu năm 2009, năng suất lúa trung bình sẽ đạt trên 40tạ/ ha".
Ngoài những hạn chế trong canh tác lúa, việc phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế trên địa bàn xã cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2006, thông qua Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải, xã Cao Phạ được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/ ha rừng trồng mới, nhưng đến nay chính quyền xã mới vận động được gần 60 hộ tham gia trồng 38,5 ha, trong đó 24,5 ha quế, 14 ha sơn tra (chủ yếu tại thôn Tà Chơ).
Được hỗ trợ, nhưng một số hộ dân cũng không mấy mặn mà với việc trồng rừng. Công tác tổ chức trồng rừng chủ yếu thực hiện theo kế hoạch, việc chăm sóc chưa được bà con chú trọng nên cây trồng sinh trưởng chậm và chắc chắn sản lượng gỗ cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Một trong những khó khăn nữa trong công tác phát triển kinh tế tại Cao Phạ, đó là tập quán thả rông gia súc và ý thức chủ quan trong công tác phòng trừ dịch bệnh cũng như giữ ấm cho trâu, bò trong mùa đông. Chỉ tính riêng trong đợt rét đầu năm, Cao Phạ đã chết 226 con trâu, 14 con bò. Do vậy, đến tháng 6 năm 2008, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã đã giảm trung bình từ 1- 3% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn xã chỉ còn 900 con trâu, 165 con bò, 1.210 con lợn, 338 con dê, 120 con ngựa, 8.700 con gia cầm, 100 đõ ong.
Từng bước tháo gỡ những khó khăn và giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, xoá đói giảm nghèo, thời gian qua Cao Phạ đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thành lập 3 tổ vay vốn, 12 tổ uỷ thác tạo điều kiện cho 416 lượt người vay trên 2,5 tỷ đồng phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, xã cũng phối hợp với các tổ chức hội mở 3 lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật trồng trọt và chế biến lâm sản cho gần 100 lượt người tham gia. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, người dân vẫn quen canh tác theo tập quán cũ nên đến nay Cao Phạ vẫn chưa xây dựng được nhiều mô hình kinh tế trang trại có giá trị kinh tế cao.
Do đó, để nâng cao đời sống cho người dân, thực hiện giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, Cao Phạ cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, giảm tỷ lệ gieo trồng giống lúa thuần địa phương, tăng tỷ lệ lúa lai có năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, xã cũng cần chú trọng hướng dẫn bà con chăm sóc tốt những diện tích rừng, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm; đầu tư xây dựng các điểm mô hình kinh tế trang trại tổng hợp để bà con nhân dân tham quan học tập, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 50%.
Việt Lâm
Các tin khác
YBĐT - Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,53% so với tháng 10. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng trước. Sau 11 tháng, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái tăng 21,84%.
Vinamilk vừa gửi thông báo tăng giá sản phẩm, theo đó, từ tháng 12 sữa bột sẽ tăng 2.000-4.000 đồng/sản phẩm, bột dinh dưỡng tăng 2.000-6.400 đồng/sản phẩm. Sữa bột Dielac Alpha step 1 hộp thiếc 900g giá bán 134.000 đồng, Dielac Alpha 123 hộp lên 127.700 đồng/hộp.
Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ giảm thêm 20.000 – 30.000 đồng/bình 12 kg trong tháng 12 tới.
YBĐT - Những năm gần đây, kinh tế Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng đã có bước khởi sắc. Toàn huyện có 19 doanh nghiệp (DN), chủ yếu được thành lập năm 2005 - 2006, trong đó có 12 hợp tác xã. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của các DN này là hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.