Dưới những tán rừng Khau Phạ
- Cập nhật: Thứ tư, 26/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Báo cáo của chính quyền, cơ quan kiểm lâm và chủ rừng khác xa những gì chúng tôi chứng kiến khi lặn lội dưới những tán rừng tự nhiên phòng hộ (TNPH) thuộc xã Cao Phạ, Mù Cang Chải (Yên Bái).
Một cây gỗ sến có đường kính 40cm bị chặt hạ.
|
Những cây gỗ rừng nhiều năm tuổi bị chặt hạ ngổn ngang, những bãi xẻ gỗ liền kề nhau ở thượng nguồn suối Háng Nang, những người dân mang cưa, dao, búa lên rừng trong sự tĩnh lặng không ngờ - tất cả đặt ra những câu hỏi lớn về trách nhiệm và hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng ở đầu nguồn Cao Phạ…
Rừng không yên tĩnh
Tiểu khu 344 thuộc bản Tà Chơ, xã Cao Phạ. Những đường lao gỗ dốc dựng đứng, trơn tuột và nhão nhoét. Tôi phát khiếp khi chỉ sơ sểnh đã trượt chân rồi như thân gỗ, lao xuống chân rừng. Sự xuất hiện của chúng tôi không gây chú ý cho những người dân đang nối nhau lên rừng với cưa, dao, búa. Bắt chuyện là không thể, Vàng - anh bạn dẫn đường (tên đã thay đổi) cho biết, họ là người dân ở Tà Chơ, Ít Thái, Trống Tông (Cao Phạ); Tú Lệ, Nậm Búng (Văn Chấn). Trên bản đồ lâm nghiệp, Tiểu khu 344 thuộc địa bàn bản Tà Chơ và Ít Thái, tổng diện tích trên 1.270 ha, tất cả đều là rừng TNPH.
Theo Chủ tịch UBND xã Cao Phạ Sùng A Dê, từ cuối năm 2007 tới nay, chỉ phát hiện hai vụ vi phạm tài nguyên rừng, chủ yếu là người dân lấy gỗ làm nhà và lấy củi. “Thật không công bằng khi những người dân sống cạnh rừng lại không thể lấy vài cây gỗ để làm nhà ở, Nhà nước đã hỗ trợ dân tấm lợp, thì gỗ làm nhà mình phải tự lo chứ!”- Chủ tịch Dê nói như vậy. Vàng Sống Củ- người Mông ở Tà Chơ tỏ ý đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Dê. “Bà con ở Tà Chơ, Ít Thái, Trống Tông, Kháo Nhà… nghèo lắm, làm sao có gạch, xi măng, sắt thép làm nhà, phải trông vào rừng để dựng nhà thôi!”- ông nói. Việc người dân lấy gỗ làm nhà cũng là việc thường thấy ở vùng cao, tất nhiên, không ai trong số họ có một giấy tờ, thủ tục nào hợp pháp để khai thác. Thật khó cho chính quyền khi bà con xin khai thác gỗ, cấp xã thì không đủ quyền hạn, cấp huyện thì không dám ký vì rừng TNPH thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt.
Thực tế, không chỉ ở Cao Phạ, việc khai thác gỗ rừng tự nhiên với lý do làm nhà của người dân, từ lâu đã được coi như hợp pháp. Cửa rừng, vì thế, nhộn nhịp hàng ngày với những đoàn người vào rừng lấy gỗ, kiếm củi. Những cây gỗ hàng chục, thậm chí gần trăm năm tuổi bị chặt hạ hoặc cưa bằng gốc, rải khắp từ đỉnh xuống chân rừng. Củi được “kiếm” như thế nào? Vàng A Chu (đã thay tên), người Mông ở bản Trống Tông cho biết, để “kiếm” được củi, người dân phải lên rừng hạ cây từ 20 - 30 ngày trước đó. Cây hạ đổ trở thành vô chủ, người chặt thành vô can, sau họ mới lên rừng dùng búa chẻ thành củi. Những cây gỗ đường kính từ 30 – 40 cm được chẻ thành bốn, dài từ 2 – 2,5m, tập kết ở bìa rừng rồi dùng xe vận chuyển.
Thượng nguồn Háng Nang, vô số những cây gỗ đường kính từ 30- 40cm, cao 25-30m, gốc đã được khoanh chặt sẵn, chờ đổ để làm củi. Không chỉ hạ gỗ làm củi, gần một ngày leo, trượt dưới những tán rừngTNPH, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến gần chục bãi xẻ ẩn khuất hoặc công khai trên rừng thuộc Tiểu khu 344. Những cây gỗ sến đường kính 50- 60 cm bị chặt hạ và “làm thịt” giữa rừng. “Xẻ để bán cho dân buôn đấy!” - người dẫn đường tủm tỉm vì biết tỏng những người đã chặt xẻ gỗ nhưng không nói cụ thể với tôi, lý do “để an ninh cho nhà mình được tốt mà!”.
Phá rừng TNPH để làm củi, khai thác gỗ trái phép để buôn bán, vận chuyển - câu chuyện tận thu sản phẩm rừng xem ra không lành hiền như trong báo cáo. Một thực tế đáng buồn là rừng thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt ở Khau Phạ đang bị xâm phạm, sinh mệnh rừng hiện rất mong manh…
Một bãi xẻ gỗ trên rừng Khau Phạ.
Trách nhiệm và hiệu quả của cơ chế giao khoán
Nạn khai thác gỗ rừng TNPH trái phép ở Cao Phạ thời gian qua diễn ra khá gay gắt. Mới nhất, ngày 14.10.2008, các đối tượng khai thác gỗ đã tập kết 10m3 gỗ sến ngay ở cửa rừng chuẩn bị vận chuyển. Thế nhưng, lực lượng kiểm lâm địa bàn, chính quyền xã, chủ rừng dường như không hay. Chỉ khi Đội cơ động, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái tiến hành tịch thu tại cửa rừng, chính quyền và các cơ quan này mới biết (?). Những bãi xẻ và những khúc gỗ sến quy cách mà chúng tôi thấy được ở thượng nguồn Háng Nang, đương nhiên, cũng nằm ngoài ghi nhận UBND xã, chủ rừng, kiểm lâm. Tuy có những nỗ lực nhất định, nhưng thẳng thắn mà nói, chính quyền xã, chủ rừng, cơ quan thực hiện pháp chế bảo vệ rừng chưa làm tốt nhiệm vụ.
Trạm quản lý bảo vệ rừng Cao Phạ (Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải) nằm ngay cửa rừng nhưng vai trò tham mưu cho chính quyền, phối hợp với chủ rừng phát hiện, xử lý các vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn chưa rõ nét; chủ yếu là bắt giữ gỗ vận chuyển trái phép từ Phong Dụ Thượng, Nậm Có ra quốc lộ 32. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vàng A Lử nói rằng, kiểm lâm không thể làm thay nhiệm vụ của chính quyền, rừng nằm trên địa bàn thì chính quyền phải có trách nhiệm. Ông cho rằng, công tác phối hợp giữa chủ rừng, chính quyền, kiểm lâm thời gian qua còn lỏng lẻo, chính quyền xã chưa thực sự vào cuộc…
Về phía chủ rừng, Tiểu khu I (Ban quản lý Rừng phòng hộ) quản lý rừng ở địa bàn xã Cao Phạ, Nậm Có, đóng tại cửa rừng nhưng cũng không quản được tài sản của chính mình. Khi chúng tôi tới, cán bộ Tiểu khu I không thể cung cấp được số hộ nhận khoán bảo vệ ở Tà Chơ và số vụ vi phạm, báo cáo của Ban quản lý chỉ có 2 vụ, khác xa thực tế; các anh cũng không hay rừng ở tiểu khu đã bị xâm phạm thế nào. Vai trò, trách nhiệm của chính quyền xã trong quản lý, bảo vệ rừng đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 245/QĐ-TTg còn mờ nhạt. Chủ tịch UBND xã Sùng A Dê cũng không nắm được số hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng khi làm việc với chúng tôi. Ông vẫn cho rằng, người dân lên rừng là lấy củi tận thu và lấy một vài cây gỗ làm nhà chứ không có việc khai thác gỗ rừng trái phép (!)…
Trách nhiệm là một chuyện, hiệu quả của cơ chế, phương thức giao khoán bảo vệ rừng TNPH cũng rất đáng quan tâm. Từ tháng 4/2007, 4.800 ha rừng TNPH ở Cao Phạ được Hạt Kiểm lâm bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ. Việc bảo vệ được giao cho nhóm hộ, chủ rừng ký hợp đồng trực tiếp với trưởng bản. Trưởng bản là người thay mặt các hộ dân ký hợp đồng và thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán hàng năm với chủ rừng.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng, việc giao khoán bảo vệ theo nhóm hộ đã dẫn tới công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, nhất là ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép ở đây không hiệu quả. Rừng không có chủ cụ thể (là hộ dân), nhiều người nhận chung một diện tích, có hộ cả năm không thăm rừng, người dân đã ví rừng giao khoán như “củ khoai”.
Trong khi đó, định mức khoán bảo vệ 1 ha rừng tự nhiên phòng hộ chi trả cho dân rất thấp: năm 2007 là 30.000đ/ha/năm, trừ quản lý phí đến người dân còn 27.000 đ/ha; năm 2008, định mức nâng lên 50.000đ/ha, trừ phí quản lý tới dân là 45.000 đ/ha. Nếu bình quân, mỗi hộ dân nhận bảo vệ 10 ha, một năm cũng chỉ nhận 450.000 đồng, chưa đủ để họ gắn bó, dốc sức bảo vệ rừng.
Cây gỗ này bị chặt khoanh gốc để cây đổ rồi làm củi.
Người dân ở bản Trống Tông vận chuyển gỗ xẻ trên rừng Khau Phạ.
Lời kết
Rừng ở Cao Phạ là rừng TNPH, thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt. Trước tình hình rừng bị xâm phạm khá nghiêm trọng thời gian qua, đã có ý kiến đề nghị giao một phần diện tích rừng TNPH thuộc Tiểu khu 344 cho một đơn vị khác quản lý (không thuộc đối tượng giao rừng theo quy định của Nhà nước). Ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan và nguyện vọng của người dân Cao Phạ là, rừng TNPH phải được giao cho dân và chỉ giao cho dân bảo vệ.
Để quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng, việc cần làm ngay là chính quyền xã, Ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm tổ chức phối hợp ngăn chặn và kiên quyết xử lý các vụ vi phạm lâm luật; Nhà nước cần nâng định mức chi trả để người dân yên tâm gắn bó, bảo vệ rừng; phương thức giao khoán cần được thay đổi, không để tình trạng khoán “cha chung không ai khóc”, hiệu quả thấp, lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước; đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước: giao rừng cho dân bảo vệ để dân giữ rừng, sống được nhờ rừng, thiết thực xoá đói giảm nghèo ở vùng cao.
T.A
Các tin khác
NGày 25.11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Giá phôi thép thế giới nhích lên, lập tức các hãng thép trong nước tăng giá từ 500.000 đồng- 700.000 đồng/tấn, song lượng thép tồn kho còn rất lớn.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (ĐTNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11 năm 2008, cả nước có 106 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 726 triệu USD, tuy thấp hơn hẳn so với tháng trước (trên 2 tỷ USD) nhưng vẫn đủ để đưa tổng vốn FDI cấp mới trong 11 tháng lên 59 tỷ USD, tăng gần 7 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
YBĐT - Sản xuất công nghiệp Yên Bái 11 tháng qua gặp phải không ít khó khăn bởi lạm phát gia tăng, ngành ngân hàng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, lũ, lụt liên tiếp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và không ổn định. Song các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có nhiều nỗ lực xắp xếp tổ chức, tiết kiện chi phí, đầu tư mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường... sản xuất vẫn đạt mức tăng trưởng khá.