Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi
- Cập nhật: Chủ nhật, 30/11/2008 | 12:00:00 AM
Hôm qua 29.11, hội thảo "Chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng - Trách nhiệm của doanh nghiệp và cộng đồng" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt tổ chức tại TP.HCM.
Tăng cường phát hiện các vụ làm hàng giả vẫn chưa xóa được triệt để hành vi này
|
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã phát hiện xử lý 512 vụ vi phạm. Trong đó, hàng giả chiếm đến 490 vụ, vi phạm bản quyền 11 vụ, vi phạm kiểu dáng công nghiệp 8 vụ... Có nhiều vụ điển hình như ngày 13.8, QLTT TP.HCM kiểm tra các nhà số 229/8 và 229/6 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú bắt quả tang 3 người đang tháo nhãn các mặt hàng tân dược do Việt Nam sản xuất như Diclophenac để dán nhãn hiệu mới Voltaren do Pháp sản xuất. Ngày 3.9, Đội QLTT 3A đã kiểm tra Công ty TNHH Nghiệp Phát tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM) và phát hiện nơi đây đang sản xuất kinh doanh dép xốp giả mạo nhãn hiệu "hình con cá sấu" trên mặt và quai dép. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 671.500.000 đồng...
Ông Đặng Thành Bửu - Giám đốc Công ty cổ phần XNK Sa Giang chi nhánh TP.HCM kể: sản phẩm bánh phồng tôm của Sa Giang liên tục bị làm giả, làm nhái và được bán rộng rãi tại các chợ ở TP.HCM, thậm chí lan sang các tỉnh khác. "Hàng nhái bao bì giống hơn 80% thì người tiêu dùng sẽ khó phát hiện được. Hàng nhái có giá bán thấp hơn sản phẩm của công ty đến 50%, nhiều khi người bán còn trộn lẫn hàng nhái vào hàng thật để tăng lợi nhuận khiến uy tín của công ty bị ảnh hưởng vì chất lượng thấp hơn nhiều" - ông Đặng Thành Bửu nói. Hiện nay, để đối phó với tình trạng này, Công ty Sa Giang phải liên tục thay đổi mẫu mã sản phẩm và đã hạn chế được phần nào việc hàng nhái nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn.
Ông Phạm Công Sơn - Phó đội trưởng Đội QLTT 3A (thuộc Chi cục QLTT TP.HCM) nhìn nhận xử lý hành chính vẫn được xem là giải pháp thường được các chủ hàng tìm đến để giải quyết các hành vi làm hàng giả. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp ngăn chặn mang tính tình thế, mà không đủ mạnh để ngăn ngừa sự xâm phạm. Do đó, cần đơn giản các thủ tục, tạo sự dễ dàng cho các chủ hàng để tăng cường việc giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực này tại tòa dân sự. Các nhà sản xuất cũng phải thường xuyên hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, hàng giả để tránh những rủi ro khi sử dụng.
Bên cạnh đó, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc xâm phạm sở hữu trí tuệ nên lơ là trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu. Vì vậy, cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần phải có những hành động thiết thực hơn, phối hợp chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực này.
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT - Lạm phát gia tăng, ngân hàng thắt chặt tiền tệ, thời tiết bất lợi, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và không ổn định đã làm cho nhiều doanh nghiệp vừa sản xuất vừa “nghe ngóng”, thậm chí có những doanh nghiệp lao đao, khốn khó tưởng như không đứng vững được. Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó, song Công ty đã biết khắc phục khó khăn, giữ vững nhịp độ sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Chiếc máy bay mang số hiệu VN8302 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa hạ cánh xuống sân bay Utapao (Thái Lan) tối 29/11 để chở những hành khách Việt Nam mắc kẹt ở Thái Lan về nước. Do sân bay Utapao đang rất quá tải nên có thể chuyến bay về Hà Nội sẽ muộn hơn so với dự kiến.
Bộ NN-PTNT cho biết, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại trên toàn quốc đang có xu hướng hồi phục trở lại sau một thời gian dài bị "bỏ mặc" bởi giá đầu vào tăng, ảnh hưởng từ thịt nhập khẩu giá rẻ và dịch bệnh.
YBĐT - Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới là tết Nguyên đán nhưng ngay từ bây giờ, hàng hoá chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm đã trở nên sôi động hơn. Bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, dầu hoả, muối và các mặt hàng lương thực, thực phẩm, may mặc…đã được các doanh nghiệp thương mại, công ty trách nhiệm hữu hạn, tổng đại lý, chủ cửa hàng kinh doanh đã chuẩn bị khá chu đáo.