Trạm Thú y Yên Bình: Phòng trừ dịch bệnh kịp thời cho gia súc, gia cầm

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2006, tất cả các huyện thị trong tỉnh Yên Bái đều bùng phát dịch bệnh lở mồm, long móng trên đàn gia súc thì người chăn nuôi ở Yên Bình vẫn bình an vì trâu, bò, lợn, dê của mình vẫn khoẻ mạnh.

Đàn lợn 53 nghìn con của huyện Yên Bình luôn được Trạm Thú y coi trọng công tác phòng dịch. (Ảnh: T.P)
Đàn lợn 53 nghìn con của huyện Yên Bình luôn được Trạm Thú y coi trọng công tác phòng dịch. (Ảnh: T.P)

Năm 2007, trên địa bàn huyện Yên Bình không hề xảy ra một điểm dịch bệnh nào, còn trong năm 2008, tại huyện Yên Bình chỉ xuất hiện một điểm dịch tụ huyết trùng tại thôn Máy Đựng xã Yên Thành, trong thời gian 4 ngày. Mới đây, dịch bệnh lở mồm, long móng đã xuất hiện ở Trấn Yên và Văn Chấn trong khi đàn gia súc ở Yên Bình vẫn khoẻ mạnh và phát triển ổn định, đó là những tín hiệu tốt lành cho nông dân Yên Bình và thể hiện sự cố gắng của các cấp, các ngành, trong đó đội ngũ những người làm công tác thú y ở huyện Yên Bình.

Trong ngôi nhà cấp IV cũ kỹ, trên một ngõ nhỏ dùng làm trụ sở của trạm Thú y Yên Bình, ông Bùi Hoàng Thạch - Trạm trưởng tỏ ra ái ngại khi vừa thu gom những thuốc, những túi đựng băng khẩu, áo ni lông (đồ bảo hộ của cán bộ thú y) vừa phân trần: “Nhà chật quá, anh thông cảm! Cán bộ thú ý chúng tôi chịu thiệt nhiều và khổ mãi cũng quen”. Rồi ông cho biết thêm: "Cán bộ thú y cơ sở không phụ cấp, nghĩa là đi làm không có lương, còn anh em thú y huyện thì tháng 12 tới đây chưa biết lấy tiền ở đâu để chi lương.

Cơ quan thú y - sự nghiệp có thu nó thế, tỉnh giao chỉ tiêu năm nay thu 60 triệu đồng, không biết họ căn cứ vào đâu mà giao cao vậy, thực tế ở huyện Yên Bình này chưa năm nào thu phí kiểm dịch được đến 30 triệu đồng. Thu ít nên phần cứng còn chưa đủ, lấy đâu ra phần mềm…?!". Làm việc trong điều kiện khó khăn như vậy mà công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở huyện Yên Bình những năm qua đạt kết quả khá tốt, điều đó thật đáng trân trọng.

Huyện Yên Bình có 25 xã và thị trấn, trình độ dân trí không đồng đều, chăn nuôi quảng canh, địa hình bị chia cắt bởi hồ Thác Bà. Huyện có nhiều tuyến đường, nhiều sông suối, lại tiếp giáp với nhiều xã, nhiều huyện của các tỉnh bạn nên việc phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên vật nuôi ngày càng diễn biến khó lường như hiện nay.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, những năm qua Trạm Thú y Yên Bình coi trọng công tác phòng dịch, theo đó duy trì tốt công tác tiêm phòng trên đàn trâu 16 nghìn con, đàn bò gần 10 nghìn con, đàn lợn 53 nghìn con và gần nửa triệu gia cầm các loại, với 6 loại vắc xin cơ bản là tiêm vác xin tụ huyết trùng cho trâu, bò và lợn 2 lần/năm, vắc xin dịch tả lợn 2 lần/năm, vắc xin lở mồm, long móng 1 lần/năm, cúm gia cầm 4 lần/năm và phòng bệnh dại chó 1 lần/năm. Để làm được điều này các cán bộ thú y phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện, nói cho bà con hiểu mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi trong nhà.

Bên cạnh đó là tổ chức phun hoá chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại vào đầu năm, sau khi lũ lụt và vào dịp cuối năm trước khi mùa đông tới. Từ đầu năm đến nay, các cán bộ thú y đã tổ chức phun hoá chất chuồng trại trâu, bò, gà, lợn được 12 lần với tổng số 1862 lít hoá chất. Bên cạnh đó là kiểm soát tốt động vật giết mổ được hơn 4000 con trâu, bò, lợn ở 7 chợ trung tâm. Việc kiểm soát dịch bệnh đã đi vào nề nếp với chế độ thông tin, báo cáo kịp thời, mỗi khi có gia súc, gia cầm ốm, chết người dân báo cho cán bộ thú y cơ sở, cán bộ thú y cơ sở báo cho bác sỹ thú y phụ trách cụm để xử lý. Trong trường hợp cần thiết, bác sỹ thú y phụ trách cụm báo cho Trạm thú y huyện để tăng cường lực lượng và thuốc men.

Ông Nguyễn Văn Thắng – cán bộ thú y xã Yên Thành cho biết: “Nhờ được cán bộ thú y huyện hướng dẫn đầy đủ và làm việc có quy trình nên việc giám sát dịch bệnh rất thuận lợi. Vì thế, 11 thôn bản ở xã Yên Thành với địa hình phức tạp, gồm 125 hòn đảo và bán đảo, cán bộ thú y vẫn nắm chắc tình hình và thông tin kịp thời cho bác sỹ phụ trách cụm. Nhờ thông tin kịp thời mà sau đợt lũ lụt hồi tháng 8, dịch bệnh tụ huyết trùng xảy ra ở đảo Máy Đựng đã được cán bộ thú y huyện có mặt kịp thời cứu chữa được 5 con trâu, tiêm phòng hơn 1.000 con khác nên chỉ trong 4 ngày dịch đã được bao vây”.

Chăn nuôi đang trở thành ngành quan trọng trong phát triển kinh tế và cơ cấu nông - lâm nghiệp ở huyện Yên Bình. Tốc độ tăng trưởng đàn trâu là 3% năm, đàn bò là 5% năm, đàn lợn 4,5% năm, điều đó có được nhờ một phần cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ thú y từ huyện đến cơ sở.

Lê Phiên

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa có đề xuất giảm thuế thu nhập hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong quý 4/2008 và cả năm 2009.

YBĐT - Nhờ tập trung chỉ đạo sát với tình hình thực tế nên đến hết tháng 11, toàn thành phố đã thu cân đối 76,8 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch năm và bằng 133% so với cùng kỳ năm trước.

YBĐT - 11 tháng qua, Ngân hàng đã huy động được 93,6 tỷ đồng tiền vốn, trong đó, tiền gửi từ nhân dân 52,5 tỷ đồng. Đơn vị còn đẩy mạnh công tác đầu tư tín dụng, đến nay tổng dư nợ đạt 134 tỷ đồng.

Ngày 3-12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị toàn ngành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2008 và triển khai kế hoạch năm 2009. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục