Phát triển cây thảo quả: Lợi bất cập hại
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Giá trị kinh tế của cây thảo quả là rất lớn, nhưng sau một thời gian khuyến khích phát triển, hiện các ngành chức năng của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề do cây thảo quả mang đến...
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải kiểm tra việc phát triển cây thảo quả.
|
Là loại cây có đặc tính ưa ẩm, nhiệt độ trung bình năm thích hợp để cây thảo quả phát triển, khoảng 15 độ C. Vì vậy ở Mù Cang Chải, hầu như tất cả các xã đều có điều kiện thuận lợi để phát triển cây thảo quả. Một đặc tính khác là cây thảo quả từ trước tới nay chỉ có hiệu quả kinh tế dưới tán rừng già, nơi có độ ẩm cao. Tuy nhiên sau 5-6 năm khi bắt đầu cho thu hoạch cây thảo quả lại cần tới lượng ánh sáng nhất định, trên diện tích 1 ha, điều kiện tốt nhất là độ tàn che của rừng 20%, còn lại 80% là thảo quả, nên bà con thường có thói quen tỉa thưa và phát dọn sạch khu rừng để dành chỗ cho cây thảo quả sinh trưởng.
Hậu quả của cách làm này đã rõ ràng, hệ sinh thái của các cánh rừng tự nhiên bị xáo trộn và mất cân bằng. Theo các cán bộ nghiên cứu về cây này thì thảo quả khó giữ nguồn nước ngầm, không có tác dụng chống lũ và xói mòn bằng các tầng thực vật tự nhiên. Nguy hại hơn là việc chặt hạ những cây rừng cỡ nhỏ và vừa trong diện tích thảo quả sẽ mất đi tính thay thế, tán sinh tự nhiên của các cánh rừng phòng hộ.
Trong vài chục năm tới, khi lớp cây cổ thụ hết vai trò thì cánh rừng sẽ không còn lớp cây kế cận thay thế. Người dân chặt phá rừng để lấy ánh sáng cho cây thảo quả và chính những cây gỗ này sẽ là nguồn nguyên liệu sấy thảo quả trong những vụ thu hoạch. Thảo quả phải qua công đoạn sấy bởi quả tươi bảo quản không được bao lâu, mặt khác nếu đem quả tươi được ra xã thì mất rất nhiều công sức, khối lượng lại không được nhiều, giá rẻ. Vì vậy người dân thường sấy khô rồi mới gùi ra khỏi rừng bán.
Vào mùa thu hoạch, giá thảo quả tươi khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng nếu được sấy khô giá lên tới 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo những cán bộ nghiên cứu về cây thảo quả ở Mù Cang Chải, 1 ha cho thu khoảng 1 tấn thảo quả tươi, để sấy hết cần khoảng 10 m3 củi gỗ. Như vậy với diện tích gần 1.000 ha thảo quả hiện nay thì mỗi năm Mù Cang Chải đang mất đi khoảng 10.000 m3 củi gỗ. Phát triển thảo quả còn dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao, xuất phát từ việc sấy thảo quả và bất cẩn trong các sinh hoạt của con người. Nếu xảy ra cháy rừng thì rất khó ngăn chặn, dập tắt vì các nương thảo quả thường nằm sâu trong rừng già, xa khu dân cư. Kèm theo đó là nạn săn bắn động vật hoang dã phục vụ cho sinh hoạt trong nhiều ngày của người dân khi thu hái, sản xuất thảo quả.
Theo khảo sát mới đây của huyện Mù Cang Chải, diện tích cây thảo quả của toàn huyện khoảng 800-1.000 ha, nhưng diện tích thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Hầu hết diện tích thảo quả trong rừng tự nhiên và trên núi cao nên công tác quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Lý A Vừ - Bí thư Đảng uỷ xã Lao Chải cho biết: “Diện tích thảo quả của xã khoảng 60 ha, từ khi trồng thảo quả đời sống của người dân một số thôn, bản đã khá lên nhiều.
Nhưng dân phá rừng nhiều lắm!”- "Tại sao xã không ngăn chặn?" - "Nói rồi, nhưng khó lắm, vì lợi ích kinh tế nên dân vẫn lén chặt phá rừng để làm củi sấy, diện tích của xã rất rộng, những nương thảo quả lại nằm sâu trong rừng, vì thế, rất khó kiểm soát”.
Trong mấy năm trở lại đây, diện tích thảo quả phát triển mạnh tại Mù Cang Chải và Trạm Tấu, riêng Mù Cang Chải diện tích được khảo sát mới đây khoảng 1.000 ha, nhưng diện tích thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều. Với tốc độ này thì các cánh rừng tự nhiên phòng hộ sẽ bị đe dọa rất nghiêm trọng. Thảo quả tấn công mạnh vào các cánh rừng tự nhiên ở Mù Cang Chải, nghiêm trọng hơn, đang bắt đầu xâm hại tới Khu bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo, nơi có loài Voọc duy nhất ở Việt Nam trú ngụ. Đó là sự báo động về mặt trái từ việc phát triển loại cây quý này.
Anh Dũng
Các tin khác
Ngày 4/12, với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng”, Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Đó là nội dung trong chỉ thị vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh ban hành, nhằm bình ổn giá hàng hóa trong dịp Tết. Theo đó, sẽ xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, gian lận thương mại.
YBĐT - Ngày 4-12, tỉnh Yên Bái đã triển khai sản xuất vụ đông xuân năm 2008-2009. đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái chủ trì hội nghị.
YBĐT - Năm 2006, tất cả các huyện thị trong tỉnh Yên Bái đều bùng phát dịch bệnh lở mồm, long móng trên đàn gia súc thì người chăn nuôi ở Yên Bình vẫn bình an vì trâu, bò, lợn, dê của mình vẫn khoẻ mạnh.