Đổi mới ở Minh An
- Cập nhật: Thứ tư, 10/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm trước đây do trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn nên việc phát triển kinh tế - xã hội của Minh An (Văn Chấn) chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao so với các xã trong huyện.
Nhờ phát triển các mô hình kinh tế đồi vườn, nhiều hộ gia đình tại Minh An đã thoát nghèo bền vững.
|
Nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, những năm qua, bên cạnh việc nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; cấp uỷ, chính quyền xã còn tích cực vận động bà con tận dụng tối đa diện tích đất trống đồi trọc, đầu tư thâm canh tăng vụ, tập trung trồng và cải tạo nâng cao diện tích cây ăn quả, tăng năng suất, chất lượng các loại sản phẩm nông lâm nghiệp. Nhờ đó, Minh An đã có những chuyển biến rất đáng mừng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.
Ông Phùng Xuân Phúc - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân trong xã đầu tư phát triển kinh tế, cấp uỷ chính quyền xã đã chủ động phối hợp với các ban ngành đoàn thể cấp trên, các kênh ngân hàng, các tổ chức hội tập trung mở 6 lớp tập huấn triển khai kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phòng trừ sâu bệnh, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, các công trình thuỷ lợi, hỗ trợ công cụ sản xuất, hỗ trợ xoá nhà dột nát và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi. Do đặc thù địa phương không có nhiều diện tích lúa nên chúng tôi đã vận động nhân dân đưa các loại cây ăn quả như: cam Đường Canh, cam sen, cam chanh… vào trồng thử nghiệm tại nhiều thôn bản và đến nay đã hình thành được một vùng sản xuất tập trung với hàng loạt các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao”.
Nếu như ở nhiều địa phương thật khó để có thể tìm ra một vài mô hình kinh tế trang trại có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/ năm thì tại Minh An cái khó lại là chọn mô hình nào điển hình nhất. Với trên 120 ha cây ăn quả, sản lượng ước khoảng 800 tấn/ năm, mỗi năm người dân Minh An đã thu về hàng chục tỷ đồng. Điển hình như mô hình kinh tế trang trại của anh Bùi Xuân Bầy, Nguyễn Văn Tin, Nguyễn Đức Hà, Phạm Văn Doanh ở thôn An Thái; anh Triệu Nhất Thịnh ở thôn Đồng Quẻ, anh Văn Ngọc Phương ở thôn Đồng Thập...
Đưa chúng tôi đi thăm các mô hình vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, anh Lý Kim Hoà - Bí thư Đoàn xã vui mừng cho biết: "Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mấy năm gần đây đời sống của bà con trong xã đã có rất nhiều đổi thay. Cứ đến mùa cam, hàng trăm tư thương ở khắp nơi trên cả nước đều đổ về Minh An để cất hàng. Nhiều người mua mà diện tích cam lại ít nên có những hộ cam chưa ra quả mà đã có người đến làm hợp đồng mua rồi. Đến nay, Minh An không còn hộ đói, cái nghèo chỉ còn lại ở một số hộ không có nhiều vốn để sản xuất kinh doanh và những hộ lười lao động mà thôi".
Ngoài việc, tập trung triển khai vận động bà con tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ diện tích vườn cây ăn quả chính quyền xã còn tích cực hướng dẫn bà con chăm sóc tốt diện tích lúa; tận dụng những diện tích đất trồng, đất soi bãi trồng thêm một số loại rau mầu và triển khai trồng rừng kinh tế. Sự liên kết chặt chẽ giữa xã và các cấp chính quyền đã giúp người dân nhanh chóng tiếp cận và áp dụng hiệu quả những thành tựu khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Nhờ đó, năm 2008, nhân dân Minh An đã trồng được 37,88 ha lúa, 45 ha sắn, trồng mới 174,3 ha chè, 140 ha keo, chăm sóc, bảo vệ tốt 660 con trâu bò và hàng ngàn con gia cầm các loại; góp phần duy trì ổn định tốc độ phát triển kinh tế đạt trên 10%/năm, thu nhập bình quân đạt gần 5 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc phát triển kinh tế của một bộ phận người dân trong xã còn gặp khó khăn. Trình độ dân trí thấp, giá vật tư phân bón ngày càng tăng, tình hình sâu bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp… đã và đang là những sức cản lớn nhất trong quá trình thoát nghèo của những hộ này. Tại một số thôn, bản vùng sâu, vùng xa tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao so với các thôn vùng ngoài.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo đà cho kinh tế xã ngày càng phát triển, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội; thường xuyên tuyên truyền, cập nhật liên tục những thành tựu khoa học kỹ thuật đến từng hộ gia đình, Minh An cần đẩy mạnh việc vận động bà con nhân dân cùng tham gia tu sửa đường giao thông liên thôn; tăng cường nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng; chủ động tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng những đi?n hình tiên tiến, những mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả kinh tế cao; tích cực đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con nhân dân yên tâm phát triển sản xuất.
Đức Thành
Các tin khác
YBĐT - Mù Cang Chải là huyện có diện tích rừng rộng, trên 80 nghìn ha, cùng với người dân sống chủ yếu dựa vào rừng, có tập quán đốt nương làm rẫy, khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, thường xuyên có gió lào thổi... dẫn đến công tác bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) gặp rất nhiều khó khăn.
YBĐT - Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đạt được thoả thuận với Ngân hàng Thế giới (WB) về Dự án đầu tư lưới điện quốc gia cho các xã Tà Xi Láng, Túc Đán, Làng Nhì (Trạm Tấu).
YBĐT - Theo báo cáo hàng tháng, quý, năm gửi về huyện Văn Chấn của Đảng uỷ xã Suối Quyền thì tỷ lệ hộ nghèo luôn đạt chỉ tiêu theo kế hoạch của huyện đề ra: năm 2007 là 43,9%, đến hiện tại thì chỉ còn 40,5 %. Nhưng, một đồng chí cán bộ chủ chốt xã Suối Quyền chau mày khẳng định: “Phải nhìn thẳng vào sự thật thôi! Đói lắm! Toàn là thành tích ảo! Cứ để vậy không bao giờ Suối Quyền thoát khỏi xã nghèo nhất huyện đâu!”.
Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công đã khởi tố vụ án “Đưa và nhận hối lộ” liên quan đến vụ tiêu cực PCI, ở Dự án đại lộ Đông - Tây TPHCM theo đề nghị của Cục Cảnh sát điều tra phòng chống tham nhũng (C37).