Động Quan: Gượng dậy sau lũ

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại Động Quan (huyện Lục Yên - Yên Bái), nằm trên tuyến quốc lộ 70. Cơn bão số 4 đã đi qua hơn bốn tháng, đời sống của bà con chịu ảnh hưởng của bão lũ đã tạm ổn định. Song, diện tích đất canh tác lúa 2 vụ và đất trồng màu ven suối thì chưa thể khắc phục được để sản xuất, khó khăn vất vả vẫn còn đè nặng trên vai người nông dân nơi đây.

Công nhân Công ty TNHH Đại Lộc thi công cầu treo thôn Đồng Rẻn xã Động Quan
Công nhân Công ty TNHH Đại Lộc thi công cầu treo thôn Đồng Rẻn xã Động Quan

Làm mới những căn nhà

Cơn bão số 4 xảy ra hồi đầu tháng 8 đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân Động Quan với 788 hộ bị ngập lụt và sạt đất; 18 nhà bị mất hoàn toàn, 1 người chết; diện tích lúa phải cải tạo phục hoá trên 30 ha… ước tính  tổng trị giá thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Sau lũ, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể xã Động Quan đã vận động nhân dân chủ động giúp nhau khôi phục bão lũ, không quá trông chờ ỷ lại từ sự trợ cấp của Nhà nước. Khi cuộc sống đã dần ổn định, chính quyền địa phương  bàn tính đến chuyện làm nhà mới cho dân.

Ông Dương Đình Liễu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: với phương châm trong dòng tộc giúp nhau trước, tiếp đó là chòm xóm giúp nhau về đất làm nhà ở nên việc vận động giúp nhau làm nhà khá thuận lợi. Gia đình chị Đặng Thị Chú ở thôn 6, nhà ở sát chân đồi bị đất vùi lấp, chồng bị chết, mất toàn bộ tài sản đã được gia đình bố chồng nhường mảnh đất vườn cho con dâu làm nhà ở. Với sự trợ giúp của Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, nhân dân trong thôn giúp công san tạo mặt bằng, vận chuyển nguyên vật liệu đã giúp chị đã có căn nhà 3 gian vững chãi và hai mẹ con chị Chú đã dọn về từ tháng 11/2008”.

Trong căn nhà mới, chị tâm sự: “Bây giờ có nhà rồi, mình rất biết ơn Đảng, Nhà nước và bà con nhân dân đã giúp đỡ, mình phải cố gắng khắc phục khó khăn để sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống lâu dài...”. Niềm vui có được căn nhà mới không chỉ có chị Chú mà đến nay nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng tấm lòng của bà con trong các thôn xã Động Quan đã tiến hành sửa chữa và làm mới được 15 trong số 18 nhà bị sạt, sập chỉ còn lại 3 hộ đang tiến hành san tạo mặt bằng làm nhà để đón Tết Kỷ Sửu trong căn nhà mới. Được biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Yên cũng đã hỗ trợ kịp nguồn vốn trên 300 triệu đồng cho 44 hộ khó khăn sau cơn bão số 4 vay với lãi suất ưu đãi để sửa chữa nhà ở, làm đường điện bước đầu ổn định cuộc sống sinh hoạt cho nhân dân.

Hồi sinh những cánh đồng

Theo chân các đồng chí cán bộ xã chúng tôi đến thôn 5 nơi 100% đồng bào Dao sinh sống, bên cánh đồng ven suối từng tốp các gia đình tranh thủ thời tiết thuận lợi đang giúp nhau xúc cát để cải tạo lại đồng ruộng. Chị Triệu Thị Xuân, thôn 5 cho biết: “Ngay khi nước rút tôi bắt tay cải tạo lại ruộng nước, chuyển một số diện tích đất sang trồng màu nhưng độ dày của cát vùi lấp khá lớn, huyện hỗ trợ ngô giống để trồng tôi cũng chịu khó chăm bón nhưng cây chỉ lên loe hoe ít ngày rồi chết, trồng rau cũng không lên được. Có 4 sào ruộng cấy lúa do lũ lụt làm hại phải cải tạo hót hết cát đi mới trồng cấy được....”.

Rời thôn 5 chúng tôi đến thôn 9 Đồng Rẽn - nơi gánh chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão. Trước mắt là cánh đồng rộng gần chục ha, nằm sát ven suối, cát sỏi vùi lấp dày gần 40- 60 cm. Dừng tay cuốc, ông Nhữ Xuân Thọ cho biết: “Nhà có 5,2 sào ruộng mỗi năm diện tích này gieo cấy hai vụ và trồng thêm rau màu vụ 3 cũng thu nhập hơn chục triệu đồng, giờ bị lũ vùi lấp hơn 4 mẫu, nếu bỏ công ra san tạo thì mất quá nhiều công sức, tôi phải thuê máy ủi với giá 350 nghìn đồng/1 giờ để san gạt. Đành là mất nhiều tiền, nhưng vay mượn cũng phải làm”.

Cả thôn Đồng Rẽn có 8 hộ do có điều kiện kinh tế hơn đang thuê máy ủi để san gạt cát sỏi. Ngày cuối năm, cả thôn đang nhộn nhịp như công trường. Chỗ thì san gạt đất, chỗ cày bừa, tra hạt gieo trồng rau màu vụ đông và chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân 2008-2009. Liền kề cánh đồng đang cải tạo, cầu treo D9 bị nước cuốn trôi hôm nào, bà con đang bắc cầu đi tạm nay được tỉnh đầu tư gần 1 tỷ khởi công tháng 11, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Lộc đang khẩn trương thi công sớm hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, phục vụ nhu cầu đi lại  nhu cầu đi lại giao lưu phát triển kinh tế của trên 500 hộ dân trong khu vực.

Còn đó những khó khăn

 Bí thư Đảng ủy xã - Hoàng Văn Thịnh cho biết thêm: “Toàn bộ diện tích 46,57 ha lúa bị thiệt hại sau lũ, mất hoàn toàn 5,84 ha, nhưng đến thời điểm này chúng tôi mới khắc phục được 10/30,7 ha bị cát sỏi vùi lấp. Các công trình thuỷ lợi ở 7 thôn bị hư hỏng cơ bản được nhân dân khắc phục sửa chữa đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Khó khăn của Động Quan sau cơn bão số 4 còn nhiều, đó là còn phải tiếp tục di dời 105 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm. Bà con nông dân mong muốn được hỗ trợ một phần kinh phí để cải tạo đồng ruộng, khắc phục công trình thuỷ lợi và đường giao thông. Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, năm nay số hộ nghèo ở Động Quan tăng thêm 22 hộ so với năm 2007”.

Vẫn biết khắc phục hậu quả sau lũ còn gian truân với bà con nông dân, song để tập trung cho sản xuất vụ đông xuân sắp tới đảm bảo an ninh lương thực lâu dài góp phần xoá đói giảm nghèo rất cần sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người nông dân, có như  vậy Động Quan mới có những bước đi vững chắc.

Quỳnh Nga 

Các tin khác

YBĐT - Cánh đồng Nậm Tộc hay còn gọi là cánh đồng "Ma" đã trở nên rất quen thuộc với người dân thôn Tống Trong, xã Túc Đán (huyện Trạm Tấu - Yên Bái). Chỉ vì cái tin cánh đồng này có "ma" mà bao năm nay cánh đồng màu mỡ là thế bị bỏ quên. Trong khi đó, quỹ đất sản xuất của người dân lại rất hạn chế, thậm chí một số hộ trong thôn không có đất sản xuất nhưng vẫn không có một hộ dân nào dám đến canh tác.

Dự án thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 8-bit RISC SG-8V1 thương mại đầu tiên của VN do thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) ĐH Quốc gia TPHCM, làm chủ nhiệm, vừa được công bố cuối tuần qua. Dự án được UBND TPHCM phê duyệt đầu tư và ủy quyền cho Sở Khoa học - Công nghệ TP làm chủ đầu tư.

Nông dân xã Đông Cuông (Văn Yên) thu hoạch lúa mùa.

YBĐT - Chưa bao giờ sản xuất nông-lâm nghiệp Yên Bái lại gặp nhiều khó khăn, sóng gió như trong năm 2008. Bước vào đầu vụ xuân rét đậm, rét hại kéo dài, cuối vụ sâu bệnh hoành hành, đến vụ mùa bão lũ xảy ra liên tiếp, giá cả vật tư phân bón tăng cao…gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân và kìm hãm tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

YBĐT - Ngày 19/12/2008, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh lần thứ 5, Ban chấp hành Liên minh HTX tỉnh lần thứ 2 khóa II (nhiệm kỳ 2008-2013).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục