Trồng rau sạch thoát được nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 30/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ông An “rau sạch” là cái tên không chỉ với người dân trong làng, trong xã thường gọi ông Nguyễn Văn An thôn Thanh Hùng 3, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái như vậy, mà ngay cả với những người buôn rau ở chợ Km 4, Km 6 thành phố Yên Bái cũng đã quen gọi ông An như vậy.
Ông An đang chăm sóc vườn rau sạch của gia đình.
|
Cũng như những hộ gia đình thuần nông khác trong thôn Thanh Hùng 3, trước kia, gia đình ông An cũng thuộc diện hộ nghèo. Mặc dù suốt ngày đầu tắt mặt tối song cuộc sống gia đình cũng chỉ gọi là đủ ăn. Tình cờ đầu năm 2005, ông có dịp trở lại Nha Trang, mảnh đất trước đây ông đã cùng đồng đội đóng quân trong trận chiến tranh chống Mỹ cứu nước những năm 1970. Cũng chính bởi mảnh đất, ruộng lúa năm xưa đã khiến nhiều người dân vùng nông thôn của thành phố này khá giả lên rất nhiều. Nguyên nhân không gì khác là họ đã biết chuyển đổi những diện tích lúa kém năng suất sang trồng rau sạch theo hướng sản xuất hàng hoá.
“Cũng với đồng đất như mình, lại sống giữa nơi thành phố đắt đỏ không ngành nghề phụ mà sao họ lai sống được. Còn mình đất nhiều, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tại sao lại cứ mãi cam chịu đói nghèo”. Ý nghĩ đó đã thôi thúc ông bắt tay vào cải tạo một sào ruộng lúa kém năng suất gần nhà để trồng rau sạch. Do thiếu kiến thức cùng với kinh nghiệm đã khiến ông thất bại ngay từ lần trông thử nghiệm đầu tiên. Những luống rau trái mùa, theo đúng kỹ thuật chỉ 1 tháng là có thể thu hoạch, vậy mà rau ông trồng đã quá lứa cả tháng mà cây thì còi cọc, có những luống bị sâu ăn đến không còn khả năng phát triển, cây có quả thì còi cọc. Sự thất bại không phải do ông không biết tính toán mà do cách chăm sóc không đúng quy trình, bởi là rau sạch nên đòi hỏi rất nghiêm ngặt về quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng và mức độ như thế nào cho phù hợp, cũng như quá trình bón phân hữu cơ, phân vi sinh ở giai đoạn nào là hợp lý.
Không thể để cái nghèo cứ mãi đeo bám gia đình, ông đã tìm đọc các tài liệu qua sách báo, tìm đến những hộ trồng rau sạch tại những xã khác, đồng thời ông tìm đến trung tâm khuyến nông thành phố, tỉnh để nhờ cán bộ tư vấn cách trồng rau sạch. Không quản ngại sớm hôm ông cùng gia đình lặn lội trên những luống rau để theo dõi quá trình sinh trưởng từ khi hạt nảy mầm, lên cây dể áp dụng đúng kỹ thuật chăm bón.
Quả thật đất đã không phụ công người, những luống rau đầu tiên đã cho thu hoạch đảm bảo đúng khung thời vụ. Chỉ vài chục kg đem đi chào bán tại chợ Km 4, Km 6 thành phố Yên Bái, ông đã nhận được hàng chục hợp đồng từ các chủ buôn bán rau. Nhận thấy đầu ra thuận lợi, cùng với đầu tư cho sản xuất rau sạch không tốn kém nhiều mà lợi nhuận thu lại cao. Nhẩm tính ông An nói: “Trồng rau so với trồng lúa cho thu nhập cao gấp 6 - 7 lần, thậm chí hơn nữa bởi nếu tính theo thời điểm rau đắt thì một sào rau mỗi năm thu được 7 - 8 triệu đồng, trừ chi phí từ tiền giống, công chăm sóc, mất 1 triệu đồng/năm thì cũng vẫn lãi được 6 - 7 triệu đồng/năm mà lại nhàn hơn trồng lúa nhiều. Còn trồng lúa phải 3 tháng mới được thu hoạch, 1 sào lúa một năm hai vụ, nếu năng suất tốt thì được 400 kg/năm, nhân với giá 4 ngàn đồng/kg thì mỗi năm cũng chỉ được 1,6 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu... mất 600 ngàn đồng, còn lại một sào lúa mỗi năm chỉ được 1 triệu đồng”.
Từ thành công ban đầu, ông quyết định mở rộng quy mô sản xuất rau sạch trên diện rộng. Bằng hình thức dồn diền đổi thửa để tiện công đầu tư chăm bón, với một hệ thống tưới nước theo kiểu phun sương bằng quy trình đồng bộ, đảm bảo rau không bị dập, nát do tưới quá mạnh, vườn rau của gia đình ông cứ hết lứa rau này lại đến lứa rau khác. Không chỉ có vậy các loại rau quả trái vụ cũng được gia đình ông sản xuất thành công.
Với những kinh nghiệm trong sản xuất rau sạch, chỉ sau 3 năm, từ một hộ nghèo, gia đình ông Nguyễn Văn An đã vươn lên thoát nghèo, trở thành một trong những hộ khá trong thôn. Với 3 sào rau sạch mỗi năm gia đình ông An cũng thu về trên dưới 20 triệu đồng, số tiền không phải lớn song nó đã khẳng định một hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Nếu biết tính toán, biết chăm chỉ làm ăn thì ngay chính tại mảnh đất quê hương mình cũng có thể vươn lên thoát nghèo.
Thanh Tân
Các tin khác
YBDT- Chúng tôi về xã Nậm Lành vào một ngày cuối đông, con đường từ Quốc lộ 32 vào trung tâm xã đã được giải cấp phối giúp người dân thuận tiện vận chuyển hàng hoá. Đây là xã vùng cao, là một trong những xã được xếp vào diện đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), đang được hưởng các chương trình 134, 135 của Nhà nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang xây dựng các phương án để đơn giản hóa thủ tục về đất đai, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ.
Ngày 29-12, Tổng cục Thuế đã có công điện gửi các tỉnh, thành trong cả nước khẳng định việc không lùi thời điểm thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa. Luật Thuế TNCN vẫn triển khai thực hiện đúng kế hoạch, tức bắt đầu thực hiện từ 1-1-2009.
Sáng 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tổ chức hội nghị “Tổng kết toàn ngành năm 2008 và kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2009” với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.