Vàng tươi những cánh đồng
- Cập nhật: Thứ năm, 1/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đứng ở thời điểm cuối năm 2008, nhìn lại quãng thời gian qua, chúng ta cùng tự hào khi thành tựu trong sản xuất nông nghiệp đạt được rất lớn. Người nông dân nhiều lúc tưởng rơi vào trắng tay nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời đã chủ động đứng lên, vượt qua những mất mát.
Ảnh Quang Tuấn
|
Bỏ lại sau lưng những khó khăn, chật vật của một năm sản xuất đầy biến động, ngành nông nghiệp có thể tự hào với mức tăng trưởng 4,38%. Việc chỉ đạo kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất đã giúp cho nhiều mục tiêu của ngành đạt kế hoạch khá, tổng sản lượng lương thực đạt 213.000 tấn, bằng 98% kế hoạch. Kết quả trên đã phản ánh nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp Yên Bái trong năm 2008 vừa qua.
Có thể khẳng định, chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cây lúa lại gặp nhiều khó khăn như năm 2008. Ngay từ vụ đông xuân, đợt rét đậm, rét hại kéo dài hơn 40 ngày từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã để lại hậu quả nặng nề, làm chết 219 tấn mạ và 3.800 ha lúa mới cấy; diện tích lúa đông xuân phải gieo cấy lại trên 10.000 ha. Do phải tổ chức lại sản xuất nên thời vụ gieo cấy lúa đông xuân lùi lại so với kế hoạch 20-25 ngày.
“Cơn chấn động” này chưa qua, ngành nông nghiệp lại phải hứng chịu liên tiếp những chấn động mới do 2 cơn bão số 4 và số 6 mang lại. Sự tàn phá và ảnh hưởng kéo dài nhiều tháng sau đó của hai cơn bão là không kể xiết: 4.600 ha lúa và hoa mầu đã ngập úng, mất trắng; 110 công trình thuỷ lợi hư hỏng nặng...
Để khắc phục hậu quả và giải quyết một phần khó khăn cho người dân, cùng với sự quan tâm của các Bộ, ngành, tỉnh Yên Bái đã tập trung nguồn lực cho sản xuất, tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 71 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt rét đậm chấm dứt, tỉnh vừa tập trung nguồn lực giải quyết khó khăn vừa dốc sức quyết tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.
Hàng loạt các chính sách hỗ trợ nông nghiệp tiếp tục được triển khai đồng bộ. Ngành nông nghiệp tăng cường cán bộ cho các huyện bị thiệt hại nặng. Việc khắc phục hậu quả rét đậm có lẽ khó khăn nhất vẫn là ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, do trình độ nhận thức của người dân thấp, việc áp dụng tiến bộ KHKT còn nhiều hạn chế.
Cụ thể như ở Mù Cang Chải, với đặc thù khí hậu rất khác so với các địa phương trong tỉnh mà vụ xuân ở Mù Cang Chải phải cấy làm hai trà: trà sớm thực hiện tại các xã khu 2, khu 3, khu 4 với diện tích 358 ha gồm các xã Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Hồ Bốn, Mồ Dề, Lao Chải, Kim Nọi, các xã này nằm ở vị trí cao, thời tiết lạnh và khắc nghiệt; trà muộn thực hiện tại hai xã Khau Phạ và Nậm Có với diện tích 292 ha. Đợt rét kéo dài từ đầu tháng 1 đã làm 47,3% diện tích đã cấy trà sớm tại các xã khu 2, khu 3, khu 4, tương đương với 169 ha lúa, bị chết rét, việc khắc phục cấy lại diện tích này là không thể do đã muộn so với khung thời vụ, ảnh hưởng tới sản xuất vụ mùa.
Chính vì vậy, huyện chủ trương tập trung chỉ đạo gieo lại mạ cấy đủ 100% diện tích tại hai xã khu I là Nậm Có và Khau Phạ. Ngay khi nhận được 5 tấn lúa giống hỗ trợ của tỉnh, Phòng Kinh tế huyện đã chuyển cho xã Nậm Có 1 tấn giống TH33, 3 tấn Nhị ưu 838, cho Khau Phạ 1 tấn lúa lai 838 đồng thời cử cán bộ phối hợp với cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Bảo vệ thực vật trực tiếp xuống các xã chỉ đạo gieo mạ và cấy, làm sao để hoàn thành sớm nhất trong khả năng có thể. Ngày 2/3 bắt đầu tiến hành gieo mạ, huyện chủ trương gieo tập trung theo điểm để thuận lợi cho việc chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật.
Đến ngày 17/3, toàn bộ diện tích tại Nậm Có và Khau Phạ đã được cấy xong. Trong suốt thời gian 15 ngày gieo mạ và cấy, với tình cảm và trách nhiệm, cán bộ khuyến nông của tỉnh, huyện đã luôn có mặt 24/24 giờ cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với dân, để trong thời gian nhanh nhất khắc phục hậu quả, bảo đảm đúng kỹ thuật.
Đối với việc khắc phục hậu quả lũ lụt do cơn bão số 4 và số 6 gây ra, người nông dân đã chủ động khôi phục lại ruộng nước ngay khi chưa có sự hỗ trợ, đồng thời mở rộng diện tích gieo trồng bằng cách tăng vụ, gối vụ, chủ động chuyển những chân ruộng bị đất đá vùi lấp sang trồng mầu. Mặt khác tích cực thay đổi cơ cấu giống, lựa chọn, đưa những giống cây trồng năng suất cao phù hợp vào sản xuất.
Những cố gắng không mệt mỏi của nhà nông cùng với sự hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của Nhà nước đã được đền đáp xứng đáng. Phần lớn diện tích mạ chết rét đã được cấy lại và phát triển tốt nhờ được chăm bón và phòng trừ tốt sâu bệnh hại. Sau rét, những cánh đồng “chết” đã lại hồi sinh và cho những vụ lúa bội thu.
Vào mùa gặt, trên khắp các cánh đồng người nông dân hồ hởi, phấn khởi nâng niu những hạt lúa trĩu bông là thành quả lao động sau bao cố gắng, cực nhọc. Qua hai vụ sản xuất, chúng ta đã thở phào nhẹ nhõm khi tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 213.000 tấn, giảm không đáng kể so với kế hoạch đề ra, năng suất lúa đông xuân đạt 48,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ so với năm 2007; lúa mùa đạt 46,63 tạ/ha.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp đặt quyết tâm đưa giá trị sản xuất năm 2009 tăng trên 5,5%, sản lượng lương thực đạt 223.000 tấn. Thực hiện quyết tâm này, ngành tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh lúa bằng những giống lai năng suất cao, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ khôi phục đồng ruộng sau lũ; khôi phục, sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng đảm bảo có đủ nước phục vụ cho tưới tiêu, xây dựng các mô hình thâm canh mới hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Tin rằng với những nỗ lực đó, sản xuất nông nghiệp của Yên Bái năm 2009 sẽ tiếp tục gặt hái những mùa vàng bội thu.
Anh Dũng
Các tin khác
Trong năm 2008, giá vàng tăng vọt đầu năm, đi xuống ở giữa năm, rồi lại phục hồi ở cuối năm. Vậy giá vàng năm tới có thể diễn biến thế nào?
Từ ngày 1.1.2009, giá gas bán lẻ tăng thêm từ 10.000 - 13.200 đồng/bình, cụ thể Saigon Petro tăng 10.000 đồng/bình 12 kg, Petrolimex tăng 11.000 đồng/bình 13 kg, Saigon Gas tăng 11.500 đồng/bình 12 kg, Elf gas tăng 13.200 đồng/bình 12,5 kg...
YBĐT – Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và sự năng động của tuổi trẻ cùng với sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của các cấp chính quyền, nhiều thanh niên ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã trở thành những điển hình trong phát triển kinh tế. Họ không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn giúp đỡ, nhân rộng các mô hình kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên ở địa phương.
YBĐT - Nhìn toàn cảnh, năm 2008 là một năm đầy biến động với những tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Các chính sách điều tiết vĩ mô, những biến động bất thường của thị trường, giá cả đã gây khó khăn cho sản xuất công nghiệp. Dự ước của Sở Công thương Yên Bái, giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp năm 2008 ước đạt 1.800 tỷ, cơ bản đạt kế hoạch đề ra.