2 năm Việt Nam gia nhập WTO: Dám đổi mới, dám cải cách để phát triển

  • Cập nhật: Chủ nhật, 4/1/2009 | 12:00:00 AM

Năm 2008 - năm đầy biến động của nền kinh tế Việt Nam. Đây là năm thứ 2 nước ta trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 2 năm, quãng thời gian chưa dài để đánh giá chính xác cái được, mất khi Việt Nam gia nhập vào sân chơi chung WTO. Nhưng với những gì đang diễn ra, có thể thấy nội lực của nền kinh tế đã bộc lộ khá rõ.

Minh bạch hóa - cái được lớn nhất

“Điểm hấp dẫn nhất của Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO chính là việc thế giới nhìn Việt Nam là một đất nước dám đổi mới, dám cải cách để phát triển” - TS Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, lợi ích lớn nhất từ việc thực thi các cam kết WTO đem lại chính là môi trường kinh doanh được cải thiện theo hướng minh bạch, thông thoáng để huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước.

Điều này đã mở đường cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không ngừng tăng mạnh trong 2 năm qua. Đầu tư từ khu vực dân doanh cũng đã tăng nhanh, đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên trên 40% GDP. Đây là cơ sở quyết định để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và đảm bảo tăng trưởng.

Gia nhập WTO, Việt Nam có thị trường xuất khẩu rộng lớn bao gồm 150 thành viên, mức cam kết về thuế nhập khẩu đã và sẽ được cắt giảm, các biện pháp phi thuế quan cũng được loại bỏ theo nghị định thư gia nhập của các thành viên mà không bị phân biệt đối xử. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường xuất khẩu. Đầu tư và xuất khẩu tăng, thị trường nội địa được mở rộng, tạo tiền đề cho công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Hòa vào sân chơi chung, Việt Nam mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường, có vị thế pháp lý bình đẳng trong cạnh tranh thương mại, mở cửa khu vực dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực ngân hàng, thương mại bán lẻ. Chúng ta đã tiến hành đàm phán với một số đối tác đang xin gia nhập WTO để giải quyết các quyền lợi thương mại của Việt Nam.

Quá trình hội nhập đã giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh. Bản thân Chính phủ cũng phải tự thay đổi hình ảnh của mình trước thế giới, tăng cường đối thoại và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng DN để tiếp tục cải cách.

Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn

Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, tuy Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, những chuyển biến tích cực nêu trên là không đồng đều và không đủ mạnh để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tạo ra những bứt phá mới. Cải cách hành chính nhưng một số khâu vẫn còn trì trệ, gây phiền hà và làm tăng chi phí giao dịch. Chúng ta chưa xây dựng được một bộ chuẩn mực về thủ tục hành chính để áp dụng cho các địa phương trên cơ sở phân tích và tổng kết những thực tiễn tốt nhất. Hệ thống pháp luật vẫn thiếu đồng bộ, chồng chéo, vừa kém hiệu quả vừa tạo gánh nặng pháp lý cho người dân và DN.

Kết quả rà soát của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hiện có tới 400 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng. Có tới 450 văn bản quy định khác nhau từ luật đến các quyết định của các bộ trưởng về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để hoàn thành một dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, bình quân 1 nhà đầu tư mất khoảng 400 ngày và phải qua khoảng 314 văn bản khác nhau với khoảng 60 loại hồ sơ cần phải nộp.

Trong lĩnh vực thương mại, nếu xét riêng năng lực cạnh tranh từng sản phẩm cụ thể, trừ một số sản phẩm nông nghiệp (gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu), sức cạnh tranh phần lớn sản phẩm của nước ta rất thấp. Ngay cả mặt hàng dệt may, kim ngạch dẫn đầu cả nước cũng phải nhập khẩu tới 70% - 80% nguyên phụ liệu. Các mặt hàng giày dép, sản phẩm nhựa, dây và cáp điện… đều trong tình trạng tương tự.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu lớn trong 2 năm 2007 và 2008. Trước khi gia nhập WTO, tỷ lệ nhập siêu của nước ta luôn ở mức dưới 20%, riêng các năm 2005 và 2006 xuống dưới 15%, nhưng đến 2007 - 2008 nhập siêu đã lên đến 30%. Điều này bắt nguồn từ cơ cấu sản xuất dịch chuyển chậm, công nghiệp phụ trợ kém phát triển làm cho sản xuất trong nước phụ thuộc quá nhiều vào thế giới, đẩy chi phí trung gian lên cao.

TS Võ Trí Thành đã chỉ ra rằng, 2 năm gia nhập WTO chúng ta đã và đang nhìn rõ chúng ta là ai. Cạnh tranh về giá dễ vấp phải chống bán phá giá, cạnh tranh về tài nguyên dễ vấp phải hàng rào kỹ thuật. Từ những hạn chế trong điều hành, chúng ta cũng đã nhận ra tầm quan trọng của ổn định vĩ mô. Trong đó bài học lớn nhất là phải biết phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Việt Nam tiếp tục duy trì và thực hiện các cam kết với WTO cũng như các cam kết song phương và đa phương. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, gắn liền với việc xây dựng các tiêu chí thận trọng và cơ chế kiểm soát các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, các quỹ đầu tư…

Nói về triển vọng năm 2009, chuyên gia kinh tế Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận, khủng hoảng kinh tế nhưng người dân vẫn phải ăn mặc và đi du lịch. Nếu sản xuất được những sản phẩm tốt mà rẻ tiền thì người tiêu dùng thế giới sẽ lựa chọn chúng ta. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào kinh tế thế giới, nhưng nếu chúng ta có quyết sách đúng, nhìn nhận đúng các khuyết tật cố hữu để khắc phục và triển khai hiệu quả gói kích cầu thì kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Phụ nữ Mù Cang Chải luôn coi trọng nâng cao kiến thức mọi mặt để tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

YBĐT - Cũng như nhiều hội phụ nữ khác trong huyện, Hội Phụ nữ xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải - Yên Bái) có 383 hội viên ở 7 chi hội và có 100% hội viên là người Mông. Đời sống của chị em còn gặp nhiều khó khăn, bởi là xã vùng cao, kinh tế chậm phát triển, cách thức làm ăn còn nhỏ lẻ. Làm gì để thay đổi cách nghĩ cách làm và làm chuyển biến nhận thức của chị em trong mọi lĩnh vực như phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu chính đáng luôn là mối trăn trở của Hội Phụ nữ Chế Cu Nha.

YBĐT - Năm 2008 qua đi, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái).

Các mặt hàng điện tử giảm giá mạnh cùng với các chương trình khuyến mại lớn cho người tiêu dùng nhân dịp Tết nguyên đán Kỷ Sửu 2009.

YBĐT - Những ngày cuối năm 2008, đặc biệt là những ngày giáp tết nguyên đán thị trường, giá cả tăng nhiều so với cùng kỳ, nhưng so với từ giữa năm đổ lại đây thì lại có xu hướng giảm dần. Nhóm hàng dệt may, lương thực, thực phẩm, hàng điện tử dân dụng giảm giá khá mạnh. Giá một số mặt hàng tiêu dùng khác tuy ổn định nhưng sức tiêu thụ ảm đạm. Các nhà sản xuất, kinh doanh đã chuẩn bị nhiều hàng hoá phục vụ tết nhưng dường như người tiêu dùng vẫn rất đủng đỉnh!

Lập biên bản xử lý vi phạm hành chính (ảnh minh họa).

Nộp phạt “góp” vẫn được sớm nhận lại giấy phép lưu hành phương tiện, bằng lái xe, giấy tờ xe...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục