Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Yên Bái: Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/1/2009 | 12:00:00 AM

YBĐT - Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Yên Bái được thành lập từ tháng 6/2008 trên cơ sở Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Yên Bái, có chức năng quản lý hoạt động tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trên địa bàn. Khắc phục khó khăn ở một tỉnh miền núi, Chi nhánh đã bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phát huy ưu thế nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương…

Đưa công nghệ thông tin hiện đại phục vụ quản lý tín dụng đầu tư ở ngân hàng Phát triển Yên Bái.
Đưa công nghệ thông tin hiện đại phục vụ quản lý tín dụng đầu tư ở ngân hàng Phát triển Yên Bái.

Phân tích tình hình đầu tư tín dụng trong năm 2008, cho thấy cơ cấu đầu tư của Chi nhánh đã bám sát định hướng phát triển của tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực Yên Bái ưu tiên đầu tư như: khai thác chế biến khoáng sản, nông-lâm sản, thủy điện nhỏ, trồng chè, rừng nguyên liệu giấy xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… Tỷ trọng đầu tư cho sản xuất công nghiệp đã chiếm 66,86%, nông- lâm nghiệp chiếm 9,55%, giao thông vận tải chiếm 23,59% trong cơ cấu tín dụng đầu tư.
Nổi bật trong đầu tư tín dụng là, Chi nhánh huy động tối đa nguồn lực đầu tư kiên cố hoá kênh mương và đường giao thông nông thôn. Tới nay, tổng nguồn vốn cung ứng cho Yên Bái làm đường giao thông nông thôn và kiên cố hoá kênh mương là 165 tỷ đồng. Riêng năm 2008, là 35 tỷ đồng với lãi suất bằng 0%.

Nguồn vốn đó đã góp phần tạo ra những diện mạo mới và sức bật mới cho kinh tế xã hội khu vực nông nghiệp nông thôn. Không dừng ở đó, Chi nhánh đã tập trung đầu tư tín dụng cho các dự án phát triển sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh. Bên cạnh Nhà máy Xi măng Yên Bình, năm 2008, Chi nhánh đã cung ứng tín dụng đầu tư Nhà máy Thủy điện Mường Kim, công suất 13,5 MW. Nguồn vốn ưu đãi của Chi nhánh cũng hỗ trợ kịp thời hoạt động xuất khẩu. Tổng vốn cho vay tín dụng xuất khẩu với các sản phẩm chè, quế, tinh bột sắn trong năm 2008 đạt doanh số 13.491 triệu đồng.

Trong điều kiện các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc cung ứng tín dụng ưu đãi của Chi nhánh đã tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp có điều kiện ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khối lượng và giá trị hàng hoá xuất khẩu. Phát huy ưu thế nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, dư nợ tín dụng của Chi nhánh tới 31.12.2008 đạt trên 578 tỷ đồng. Năm 2008, Chi nhánh đã giải ngân 201.899 triệu đồng cho các dự án đầu tư công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, nông-lâm sản, thủy điện nhỏ, trồng chè, rừng nguyên liệu với chất lượng tín dụng cao, góp phần tạo ra tăng trưởng mới về giá trị cho công nghiệp và kinh tế địa phương.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Yên Bái - Trần Văn Bảo cho rằng, với lợi thế về tài nguyên và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, chắc chắn Yên Bái sẽ có nhiều dự án đầu tư mới về chế biến khoáng sản, phát triển thủy điện, mức tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ cao hơn so với dự kiến. Hiện nay, Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch tín dụng đầu tư phát triển từng năm, phù hợp với thực tế của địa phương với tăng trưởng tín dụng bình quân phấn đấu 30% trở lên. Nhiệm vụ đặt ra trong công tác hỗ trợ tín dụng đầu tư của Chi nhánh là đẩy mạnh huy động vốn đáp ứng nhu cầu cho vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với các dự án đủ điều kiện trên địa bàn; tích cực huy động các nguồn vốn ngắn hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn ngắn hạn xuất khẩu với các doanh nghiệp. Mục tiêu phấn đấu là hết năm 2009, tổng dư nguồn vốn huy động bình quân đạt 50 tỷ đồng trở lên.

Vấn đề đặt ra là, để thu hút và đa dạng các nguồn vốn đầu tư, hoạt động hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cần được đẩy mạnh để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, giúp doanh nghiệp từng bước ổn định và phát triển. Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Yên Bái phải nâng cao vai trò chủ động đề xuất, tham mưu cho tỉnh về lĩnh vực tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; nắm chắc tình hình các chủ đầu tư có dự án đang dư nợ để bảo đảm công tác thu nợ; cải tiến lề lối làm việc của CBNV theo phong cách văn minh, hợp tác.

Năm 2009, là năm Chi nhánh sẽ đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, của ngành trong các nghiệp vụ tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu, cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, cấp vốn ủy thác, thực hiện tốt thanh toán khi tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội địa phương, đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH, đưa Yên Bái thành tỉnh có kinh tế xã hội phát triển như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVI  đã đề ra.

P.V

Các tin khác

YBĐT - Nhằm từng bước nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi, năm 2008, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên (Yên Bái) đã mở được 537 lớp tập huấn kỹ thuật cho 23.981 lượt hộ nông dân tham gia. Các lớp tập huấn đều được tổ chức tại thôn bản, nhóm hộ, nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sử dụng ximăng để làm đường giao thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 1-2009.

Thay mặt tổ điều hành thị trường trong nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng cân nhắc lộ trình tăng giá điện, than cho phù hợp với tình hình. Trước đó, lộ trình tăng giá điện đã được xác định vào đầu năm 2009.

Năm 2008 - năm đầy biến động của nền kinh tế Việt Nam. Đây là năm thứ 2 nước ta trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 2 năm, quãng thời gian chưa dài để đánh giá chính xác cái được, mất khi Việt Nam gia nhập vào sân chơi chung WTO. Nhưng với những gì đang diễn ra, có thể thấy nội lực của nền kinh tế đã bộc lộ khá rõ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục