Văn Yên: Giá sắn quá rẻ
- Cập nhật: Thứ tư, 7/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - Giá quá thấp, ế ẩm, không nơi tiêu thụ, sắn nằm chỏng trơ trên đồi không bóng người thu hoạch. Nhà máy thì “đói” nguyên liệu, đó là một nghịch cảnh trớ trêu ở vùng sắn Văn Yên. Kinh tế thị trường thật nghiệt ngã và cái thua thiệt cuối cùng lại đổ lên đầu người nông dân...
Một, hai năm trước, sắn được giá và sự hiện diện của hai nhà máy chế biến tinh bột sắn ở huyện Văn Yên đã trở thành một lực hút mạnh khiến nông dân đổ xô đi trồng sắn. Dọc tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã nằm ngoài vùng quy hoạch đều thấy một màu xanh bạt ngàn của sắn. Cây sắn không chỉ được trồng ở 7 xã trong vùng quy hoạch là: Đông Cuông, Yên Thái, Yên Hưng, Mậu Đông… mà đã có mặt hầu hết các xã từ vùng cao, vùng sâu Quang Minh, Lâm Giang, Lang Thíp đến Tân Hợp, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ… Cây sắn “lên ngôi” đã lấn át nhiều loại cây trồng khác. Nhà nhà trồng sắn với hy vọng “đổi đời”. Nhưng sự kỳ vọng ấy giờ đây đã bị phá tan khi sắn giá rớt thảm hại trong niên vụ 2008 này.
Năm 2007, giá sắn 1.500 đến 1600 đồng/kg, nhưng sang năm 2008 giá nhà máy thông báo mua 660 đồng/kg, nhiều hộ dân vẫn hy vọng giá sắn vẫn sẽ tăng cao như năm trước. Thế nhưng khi vào vụ thu hoạch; Nhà máy chỉ mua với giá 500 đồng/kg và hiện tại, giá 1kg sắn tươi là 450 đồng mua tại Nhà máy. Những đồi sắn đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn đứng trên đồi, bởi giá thấp như hiện nay không đủ tiền trả công bốc dỡ, chí phí vận chuyển. Nhiều gia đình còn phải lo lắng vì món tiền thuốc trừ sâu, phân bón, lãi suất ngân hàng chưa trả nổi mà sắn vẫn nằm chỏng chơ trên đồi.
Chị Hoàng Thị Yến ở thôn Khe Chàm, xã Đông Cuông, buồn rầu nói: “Vụ trước sắn được giá, năm 2008 này gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng trên 10.000 gốc sắn với hy vọng kiếm được ít tiền sửa sang lại nhà cửa, nhưng không ngờ giá sắn năm nay xuống thấp quá, gia đình chẳng nghĩ đến chuyện thu hoạch nữa vì tiền đâu mà thuê nhổ sắn rồi còn cả khoản chi phí vận chuyển nữa”. May mắn hơn, gia đình chị Hoàng Thị Hoa đã nhổ và bán được 5 tấn với giá 660 đồng/kg, nhưng đến giờ người mua vẫn còn nợ tiền.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thuý năm ngoái trồng 1,5 ha sắn, cuối vụ giá sắn tăng lên vùn vụt bán thu trên 50 triệu đồng. Thấy lời, năm 2008, gia đình đầu tư tất cả vốn thu được từ vụ trước vào trồng 3 ha, tưởng chừng năm nay trúng quả, ai dè… Số tiền 60 triệu “tạm ứng” xây nhà trông cả vào vụ sắn này để trả nợ. “Nhưng giờ thì có lẽ tôi phải bán nhà mất” -Anh Thuý tâm sự. Thôn Khe Chàm có 144 hộ thì có đến 140 hộ trồng sắn. Năm ngoái giá sắn tăng cao nhiều gia đình “lên đời” xe máy, ti vi đều từ sắn mà ra. Giá sắn xuống tận đáy khiến nhiều hộ gia đình ngao ngán. Nếu cứ như hiện nay bà con trong thôn lại rơi vào cảnh đói nghèo. Nhiều hộ vẫn nợ hàng chục triệu tiền phân bón nhưng chưa biết lấy đâu ra tiền để trả.
Ông Đặng Phúc Vạn - Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh cho biết, toàn xã trồng 500 ha sắn, tới thời điểm này mới thu hoạch được gần 50 ha. Giá sắn giảm mạnh không chỉ các hộ dân trồng sắn rơi vào cảnh thua lỗ, mà ngay cả các chủ lò sắn chế biến thủ công cũng méo mặt. Dọc tuyến đường từ trung tâm huyên lên Mậu A, Đông Cuông dễ đến cả trăm cơ sở chế biến sắn thủ công. Những vụ trước chế biến nhộn nhịp là vậy, nhưng giờ đều “đóng băng” vì rơi vào cảnh thua lỗ. Có những chủ lò mua sắn non từ đầu vụ với giá 700 đồng/kg, nhưng giá sắn khô cũng rớt thảm hại khiến thua lỗ cả trăm triệu đồng.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Yên, năm nay toàn huyện trồng trên 6.644ha sắn, năng suất bình quân 24 tấn/ha, sản lượng sắn sẽ đạt 161.914 tấn. Việc phát triển diện tích sắn ồ ạt trong năm qua dẫn đến việc quá thừa nguyên liệu. Trong khi đó, hai nhà máy đóng trên địa bàn sử dụng hết công suất cũng chỉ tiêu thụ khoảng 70-80 nghìn tấn sắn tươi, nghĩa là còn khoảng trên 100 nghìn tấn trông chờ vào thị trường sắn khô. Nhưng thị trường sắn khô cũng chẳng hơn gì vì giá 1 kg sắn khô cũng chỉ 1.200-1.400 đồng/kg, rẻ là vậy nhưng lại rất khó tiêu thụ.
Ông Trần Sỹ Lâm - Giám đốc Nhà máy sắn Văn Yên cho biết: “Từ đầu vụ, Nhà máy mới thu hoạch được 6.000 tấn của dân. Hiện tại, một nhà máy đóng cửa nằm bất động, nhà máy còn lại cũng sản xuất cầm chừng. Hiện nay, Nhà máy đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, sắn thì nhiều nhưng vì giá thấp, người dân không thu hoạch” - một nghịch cảnh trớ trêu tại vùng sắn Văn Yên. Lý giải về giá sắn thấp, ông Lâm nói: “Giá sắn thấp như hiện này là do không có thị trường tiêu thụ. Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn vào Trung Quốc đang bị “đóng cửa”. Hiện tại Nhà máy chấp nhận mua với giá 450 đồng/kg cũng là để vơi bớt khó khăn cho nông dân và cũng là giữ vùng nguyên liệu, chứ thực tình với giá mua này là đã cố gắng lắm rồi”.
Nhà máy Sắn Văn Yên khẳng định vẫn mua sắn của dân, nhưng với giá 450 đồng/kg thì chẳng nông dân nào dại gì lên đồi thu hoạch sắn, vì chỉ tính tiền thuê nhân công nhổ sắn, vận chuyển may mắn là hoà nếu không còn lỗ. Với việc mua với giá rẻ mạt như hiện nay thì e rằng nhà máy sắn khó giữ được vùng nguyên liệu, bởi cái vòng luẩn quẩn trồng rồi chặt sẽ chắc chắn lại xảy ra. Nông dân Văn Yên quay lưng lại với cây sắn cũng là điều rễ hiểu.
Trước việc giá sắn rơi xuống tận đáy như hiện nay khiến nông dân trồng sắn lâm vào cảnh lao đao, khốn khó. Huyện Văn Yên đã chủ động liên hệ, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua nguyên liệu cho nông dân, nhưng vẫn chưa mang lại tín hiệu tích cực. Trước mắt, huyện vận động nhân dân thu hoạch sắn giải phóng đất để đảm bảo mùa vụ 2009, khuyến cáo nhân dân thu hoạch làm sắn khô. Trong năm tới, huyện chủ trương không mở rộng vùng nguyên liệu mà ổn định diện tích 4500 ha, trong đó, 1500 ha canh tác bền vững còn lại chuyển sang các loại cây trồng khác.
Không biết bao giờ giá sắn mới tăng giá trở lại? Đó là điều mà nông dân Văn Yên đang quan tâm nhất vào lúc này. Hiện nay, Văn Yên còn khoảng trên 5.000 ha sắn đã bắt đầu quá vụ thu hoạch nhưng vẫn nằm ở trên đồi. Vẫn biết kinh tế thị trường là rất nghiệt ngã, nhất là đối với nông sản, nhưng đó cũng là bài học từ phong trào đổ xô trồng theo phong trào không có sự tính toán, kiểm soát, phá vỡ quy hoạch, bất chấp sự cảnh báo của các ngành chức năng.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Năm 2008, tổng sản lượng lương thực có hạt của toàn huyện Mù Cang Chải đạt 17.253 tấn, vượt 0,02% kế hoạch đề ra và tăng trên 1.317 tấn so với cùng kỳ năm 2007.
Tại Hội nghị về quản lý giá cả hàng hóa do Bộ Tài chính và Bộ Công thương tổ chức ngày 5.1, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết năm 2009, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh những mặt hàng do Chính phủ quyết định mức giá bán lẻ lâu nay như gạo, sữa, đường, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, sắt thép, khí hóa lỏng (gas), cước vận tải, điện, nước... có thể tự quyết định giá bán lẻ.
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo phương án vừa được Bộ Công Thương gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành, giá bán điện năm 2009 dự kiến có mức tăng bình quân 9,8% so với hiện nay.