Phan Thanh: Dân thoát nghèo nhờ trồng rừng
- Cập nhật: Thứ tư, 7/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Phan Thanh, huyện Lục Yên (Yên Bái) có tổng diện tích rừng là 1.682,7ha địa hình chia thành 3 khu rõ rệt: khu trung tâm, khu bản Hốc giáp hồ và đặc biệt là khu bản Ro là khu vực xa trung tâm nhất, đường sá đi lại khó khăn.
10 năm trước đây, nhắc đến Phan Thanh người ta chỉ nghĩ đến cái nghèo, cái đói, cái buồn tẻ. Cư dân ven hồ thì sống nhờ con tép, con cua và lấy việc đánh bắt và phơi sấy cá làm nghề chính. Cách xa hồ hơn một chút, người ta chỉ còn biết trông vào những gốc sắn, vài vạt lúa nương nhưng trồng mãi rồi đất cũng vơi đi màu mỡ.
Đấy là chuyện của hơn chục năm về trước còn bây giờ vẫn là mảnh đất ấy, vẫn những con người ấy nhưng sự sống đã thực sự đổi thay. Phan Thanh đã khoác lên mình bộ áo xanh tươi mới của ngút ngàn keo, bồ đề, bạch đàn, chẩu... Con đường vào xã đã được bê tông chắc chắn, trên đường vào thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những chiếc xe ôtô đang chở gỗ đi ra hoặc đang đứng chờ xếp gỗ. Ngước mắt lên nhìn từ đầu xã đến cuối xã, đi đến đâu cũng chỉ thấy một màu xanh non tươi đang vươn lên phơi phới. Đây đó, một vài khoảng trống bà con đang khai thác dở và chỉ nửa năm nữa thôi chỗ ấy lại xanh non rừng trồng mới. ở Phan Thanh bây giờ, người ta đua nhau trồng cây, từng khoảng đất nhỏ cũng được tận dụng cho cây và nhiều nhất phải kể đến như: bản Rầu 116ha, bảo Ro 15ha hay bản Thủy Văn 51ha. Ông Hoàng Văn Hòa – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: người dân nơi đây trồng chủ yếu là cây keo vì keo thường có giá trị cao hơn. Năm 2008, xã được giao chỉ tiêu trồng 80 ha thì đã có tới 50 ha bà con dành cho cây keo, 30 ha bồ đề và vài ha bạch đàn, trẩu.
Trồng hết đất ở xã hình như vẫn chưa thoả mãn với người dân nơi đây nên từ năm ngoái đã có mấy người vượt hồ Thác Bà sang tận xã Phúc Lợi, Trung Tâm (huyện Lục Yên), Tân Nguyên (huyện Yên Bình) mua thêm đất hoặc thuê đất để trồng tiếp. Động lực nào khiến người dân ở đây đam mê trồng rừng đến vậy? Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hứa Văn Lành ở bản Ro, năm 2006 từ diện tích rừng trồng của gia đình, ông đã khai thác cho thu nhập 110 triệu đồng. Có thể nói, ông là người đầu tiên đặt đòn bẩy thúc đẩy phong trào trồng rừng ở xã. Từ đó, bà con trong bản rồi dần dần cả xã cùng làm theo nên giờ đây người người trồng rừng, nhà nhà trồng rừng và trồng hết đất rừng người ta trồng ra cả đảo rồi vươn ra cả xã khác, huyện khác.
Đến nay, 95% dân số trong xã trồng rừng và chỉ tính từ đầu năm đến nay cả xã đã khai thác được 60 ha rừng trồng, tương đương khoảng 3.600m3 gỗ, tính giá trung bình 500.000đồng/m3 thì bà con đã thu được 1 tỷ 800 triệu đồng, một con số không hề nhỏ đối với một xã vùng 135 còn nhiều khó khăn như Phan Thanh. Một số gia đình khai thác lớn như hộ ông Hoàng Văn Ký ở bản Hốc thu được 118 triệu đồng; ông Trương Văn Vân ở bản Ro thu được 90 triệu hay ông Hoàng Văn Ngò ở bản Rầu thu được 89 triệu và còn rất nhiều nữa những hộ gia đình có thu nhập từ 40 – 70 triệu đồng. Cây giống trước đây chủ yếu được mua từ Yên Bình, vận chuyển bằng thuyền qua đường hồ, nhưng hiện nay tại xã có hai gia đình nhanh nhạy đã tổ chức làm vườn ươm để cung cấp cây giống, vậy nên giá thành cũng giảm được đôi chút.
Ông Hoà đưa chúng tôi đến một gia đình ở bản Rầu vừa khai thác khoảng giữa năm, đó là gia đình ông Mông Văn Chanh. Gia đình ông chỉ có 2 ha rừng trồng từ năm 2000, năm ngoái ông đã khai thác 1 ha, năm nay ông khai thác 1ha còn lại thu được 38 triệu đồng. Trước đây, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, hai vợ chồng đã lam lũ sớm hôm mà nuôi 3 con đi học vẫn không được đầy đủ, nay nhờ có trồng rừng, ông đã có khoản thu nhập kha khá nên đã trang trải được mọi việc trong gia đình. Ông Chanh tâm sự: “Nhờ có nguồn thu từ trồng rừng, gia đình đắp được một cái đập nhỏ ngăn nước tràn lên lối vào nhà, mua sắm được nhiều đồ dùng như: đài, tivi, xe máy, mua cá giống, lợn giống và số tiền còn lại đầu tư vào tái sản xuất”.
Nhờ có rừng, bộ mặt nông thôn Phan Thanh hôm nay đã thực sự khởi sắc. Cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn, nhiều hộ còn vươn lên khá giả. Phan Thanh bây giờ đã rất nhiều nhà mới mọc lên.
Nói về vai trò của cấp ủy, chính quyền xã trong thành công hôm nay, ông Hoàng Minh Thiết – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã tích cực vận động nhân dân, tạo mọi điều kiện để có nguồn vốn cho dân vay vốn nhưng trước hết là chính cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu đi đầu, trồng rừng trước để nhân dân làm theo”.
Mai Huyên
Các tin khác
Tin từ Bộ Tài chính ngày 6.1 cho biết, cơ quan này đã có văn bản gửi cục thuế các địa phương, hướng dẫn thực hiện thuế TNCN trong giai đoạn quá độ.
Hai phương án điều chỉnh giá điện mới dự kiến áp dụng trong quý I/2009 vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ.
YBĐT - Uỷ ban an ninh lương thực tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết chương trình an ninh lương thực (ANLT) năm 2008 và triển khai nhiệm vụ chương trình ANLT năm 2009.
YBĐT - Chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2009 và thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngay từ giữa tháng 12/2008, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Yên Bái đã mở đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường, huy động 100% quân số ứng trực và tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.