Để kinh tế trang trại ngày càng phát triển!
- Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Yên Bái là một trong những tỉnh sớm có xu hướng phát triển kinh tế trang trại do có lợi thế về đồi rừng và điều kiện khí hậu thổ nhưỡng. Vào đầu năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về phát triển kinh tế trang trại đã mở ra cơ hội lớn cho mô hình này phát triển sâu rộng hơn. Nhưng bên cạnh những tín hiệu vui, phát triển kinh tế trang trại hiện nay vẫn còn nhiều trăn trở.
Những trang trại trồng chè xen quế và nhãn của nông dân thôn Đèo Ách, xã Cát Thịnh, Văn Chấn.
|
Những đóng góp lớn
Nếu như từ năm 2000 đổ về trước, Yên Bái có 7.252 trang trại (theo tiêu chí cũ là 5 triệu đồng/trang trại) thì đến nay chỉ còn 1.030 trang trại, trong đó có 319 trang trại đủ tiêu chí theo Thông tư liên tịch số 62/TTLT-BNN-TCTK ngày 20/5/2003 của Bộ Nông nghiệp - PTNT và Tổng cục Thống kê, tức có mức thu nhập đạt 40 triệu đồng/trang trại/năm. Các trang trại chủ yếu trồng cây hàng năm, cây lâu năm, cây lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh tổng hợp. Hiện các trang trại sử dụng trên 4.900 ha đất, với diện tích bình quân 15,44 ha.
Các trang trại đã giải quyết việc làm cho 3.774 lao động; trong đó có 833 lao động trong gia đình, 2.891 lao động thuê ngoài thường xuyên và thời vụ. Với tổng số vốn sản xuất trên 55 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đầu tư trên 173 triệu đồng cho sản xuất, tạo ra trên 20 tỷ 500 triệu đồng giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ hàng năm, mang lại tổng thu nhập trên 11 tỷ 700 triệu đồng.
Qui mô diện tích, vốn đầu tư và khối lượng sản phẩm hàng hoá của các trang trại hiện có tăng mạnh cả về khối lượng và chất lượng. Sản phẩm làm ra đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Năm 1998, trang trại chỉ có qui mô diện tích 3,1 ha nay đã tăng lên 15,44 ha; thu nhập bình quân từ 20 triệu đồng nay đã đạt gần 37 triệu đồng. Kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất tự cấp tự túc sang phát triển kinh tế hàng hoá, góp phần đổi mới tư duy trong nông dân, chuyển từ sản xuất kinh nghiệm sang cách làm mới theo hướng sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất hàng hoá, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao. Đến nay, Yên Bái đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: vùng chè, quế, nguyên liệu giấy, tre măng Bát Độ, cây ăn quả, sắn cao sản… có sự đóng góp phần nhiều của các mô hình trang trại.
Kinh tế trang trại đã khai thác được tiềm năng thế mạnh về đất đai, nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, mỗi năm tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, phát huy nội lực trong dân để phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí và đời sống văn hoá. Kinh tế trang trại còn góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, sử dụng hiệu quả tư liệu sản xuất, sức lao động, làm giảm tỉ lệ thất nghiệp tương đối ở địa bàn nông thôn, tăng thời gian lao động hữu ích, khuyến khích các hộ dân làm giàu chính đáng.
Nhiều trang trại đã thực hiện tốt công tác cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ KHKT, bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận cơ chế thị trường, từng bước thay đổi phương thức làm ăn manh mún. Các hộ nông dân được khẳng định là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, tự do sản xuất, lưu thông sản phẩm theo cơ chế thị trường. Bước đầu xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tổng hợp vườn – ao – chuồng (VAC), vườn – ao – chuồng – rừng (VACR) mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trăn trở còn nhiều
Có thể thấy, quá trình hình thành và phát triển kinh tế trang trại ở Yên Bái sớm và nhanh nhưng số đạt được tiêu chí còn thấp. So với các tỉnh, trang trại Yên Bái qui mô nhỏ bé, chưa phát triển về chiều sâu và thiếu tính bền vững, chủ yếu là tự phát nên tỉ lệ chênh lệch giữa kinh tế hộ và kinh tế trang trại còn lớn. Hiện nay, số hộ làm kinh tế trang trại mới chỉ chiếm 0,3% tổng số hộ sản xuất nông, lâm nghiệp; đất sản xuất chỉ chiếm 1% đất nông lâm nghiệp; số lượng đàn gia súc chỉ chiếm 0,7% tổng đàn gia súc của tỉnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là trong tỉnh, chưa hướng ra được thị trường xuất khẩu.
Lãnh đạo Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) thăm mô hình của một trang trại nuôi lợn.
Bên cạnh đó, một số địa phương và ngành liên quan chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của kinh tế trang trại; công tác qui hoạch và quản lý đất đai còn yếu, nhất là trong lĩnh vực giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm ảnh hưởng đến tâm lý của các chủ trang trại khiến họ chưa yên tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài. Lực lượng cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm còn thiếu, một số hạn chế về năng lực nhất là cán bộ cơ sở. Ngoài ra, cán bộ khuyến nông phụ trách các xã vùng cao ít người biết tiếng dân tộc bản địa nên khó khăn trong chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào. Việc đào tạo, nâng cao kiến thức quản lý, tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin thị trường, chuyển giao khoa học công nghệ cho các chủ trang trại chưa được quan tâm đúng mức. Sự liên kết “bốn nhà”: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông còn lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển của nhiều trang trại.
Mặt khác, do trình độ dân trí, tập quán sản xuất ở vùng cao còn lạc hậu là cản trở lớn đối với phát triển kinh tế hộ và trang trại, nên kinh tế trang trại chủ yếu phát triển ở vùng thấp. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển trang trại chủ yếu là vốn tự có mà ít vốn vay dài hạn, ngắn hạn; các thủ tục hành chính còn rườm rà nên chủ trang trại chưa tiếp cận được vốn của các tổ chức tín dụng nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi. Các ngân hàng thương mại chưa thực sự vào cuộc để giúp người dân phát triển kinh tế đồi rừng và kinh tế trang trại. Mặc dù nhiều trang trại đã đầu tư cơ sở chế biến nhưng sản phẩm tinh phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu hạn chế, sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường thấp, chủ yếu là sản phẩm sơ chế chất lượng thấp, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua khâu trung gian hoặc thị trường tự do nên không ổn định.
Công tác bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững như: chống xói mòn, bạc màu cho đất, xử lý chất thải chưa được quan tâm; việc sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật gây nhiều tác động và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều chính sách hỗ trợ, trợ giá, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh được ban hành nhưng chưa được các cấp, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả đến người tiêu dùng. Không ít trang trại thuê lao động dài hạn hoặc thời vụ với người lao động nhưng chưa thực hiện đúng qui định của Luật Lao động về chế độ tiền lương, bảo hiểm cho người lao động.
Thực trạng trên cho thấy, để kinh tế trang trại ngày một phát triển, Yên Bái cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển mô hình này; rà soát, bổ sung qui hoạch đất đai tại các vùng sản xuất hàng hoá tập trung và đất đai của các trang trại, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho các chủ trang trại.
Bên cạnh đó, tỉnh cần đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng nông thôn ở những nơi có nhiều trang trại lớn; thông thoáng hơn trong thủ tục vay vốn để chủ trang trại tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng; có chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý cho chủ trang trại và chuyên môn cho người lao động. Đồng thời tăng cường hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm và các đơn vị dịch vụ nông nghiệp; cung cấp thông tin hướng các trang trại tiếp cận thị trường, có định hướng đúng trong phát triển; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi lâu dài của Nhà nước để kinh tế trang trại ngày một phát triển.
Đào Minh
Các tin khác
Sáng nay 5.8, giá vàng SJC bán ra của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn giao dịch tại Hà Nội đã lên mức 21,37 triệu đồng/lượng, tăng 130.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều 4/8. Đây là phiên tăng mạnh nhất của thị trường trong vòng gần một tuần trở lại đây.
YBĐT - Các hạt trực thuộc Công ty Quản lý&Xây dựng đường bộ I Yên Bái đã tăng cường lực lượng bám tuyến, tuần đường, các hư hỏng được phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm đường an toàn, thông suốt, phong quang, sạch đẹp.
Bộ Tài chính cho biết ước tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong tháng 7 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với tháng trước.
Sáng nay (4.8), theo đà tăng của giá vàng thế giới, thị trường trong nước cũng chứng kiến sự tăng mạnh của giá kim loại này, kéo giá giao dịch lên trên 21,27 triệu đồng/lượng.