Câu lạc bộ của những nông dân yêu thích khoa học kỹ thuật
- Cập nhật: Thứ tư, 19/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Câu lạc bộ (CLB) thôn Chè Vè, xã An Thịnh (Văn Yên - Yên Bái) được thành lập vào tháng 8 năm 2004 với sự tự nguyện của bà con trong thôn và CLB luôn duy trì sinh hoạt và hoạt động đều đặn cho đến nay. Ban đầu CLB có 28 hội viên, 100% là nữ. Để quản lý điều hành hoạt động chung, CLB bầu ra Ban chủ nhiệm trên cơ sở qui chế của CLB quy định chế độ sinh hoạt 1 lần/tháng, mỗi năm sơ kết 2 lần, tổng kết 1 lần/năm.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang hướng dẫn nông dân huyện Trấn Yên chăm sóc tre măng Bát Độ.
|
Khi mới thành lập, công tác khuyến nông là việc làm còn rất mới mẻ đối với mọi thành viên, do vậy hoạt động của CLB gặp không ít khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, tài liệu kỹ thuật cũng như địa điểm sinh hoạt. Song, bằng sự nhiệt tình năng động của Ban chủ nhiệm, CLB đã khắc phục khó khăn duy trì hoạt động, tranh thủ sự tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền, các cơ quan kỹ thuật của huyện để chuyển giao tiến bộ KHKT cho hội viên, sưu tầm sách vở, tài liệu cho hội viên tham khảo.
Nhằm thu hút, tạo sự đồng thuận đối với các thành viên trong gia đình, ban chủ nhiệm còn mời nam giới trong gia đình hội viên cùng tham gia dự trong các kỳ sinh hoạt. CLB luôn tìm tòi xây dựng nội dung sinh hoạt phong phú và đa dạng trong đó, mời cán bộ kỹ thuật đến tư vấn hoặc tự thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập các mô hình điển hình ở các thôn, xã bạn. Để tạo sự đa dạng và lôi cuốn hội viên, CLB còn phát động phong trào sáng tác thơ, dân ca, tấu, tiểu phẩm được thể hiện trong các buổi sinh hoạt và các cuộc thi văn nghệ của xã.
Ngoài ra, CLB còn lồng nghép cuối buổi tuyên truyền học tập đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để nâng cao hiểu biết giúp hội viên thực hiện, chấp hành tốt hơn quyền và nghĩa vụ của người công dân. Sau một thời gian hoạt động, CLB đã thu hút thêm 7 hội viên, nâng tổng số hội viên của CLB lên 35 người.
Để có kinh phí hoạt động đảm bảo bền vững, lâu dài, CLB đã tổ chức gây qũi bằng nhiều hình thức như mỗi hội viên tham gia CLB đóng 30.000 đồng/người; phí sinh hoạt 1.000 đồng/tháng. Đồng thời, Ban chủ nhiệm tranh thủ sự giúp đỡ của địa phương mượn đất ruộng tổ chức cho các hội viên trong CLB sản xuất để gây quĩ. CLB còn thống nhất chủ trương những hội viên tham gia CLB phải thực hiện các mô hình trình diễn của các tổ chức như: khuyến nông, phụ nữ, Dự án giảm nghèo... Trích 5% từ phần lợi nhuận thu được đóng góp vào quĩ chung.
Ban chủ nhiệm còn liên hệ tạo thêm công ăn việc làm cho hội viên như: nạo vét mương, cấy thuê cho các hộ không nằm trong CLB, nhằm vừa gây quỹ vừa tuyên truyền hoạt động của CLB. Hiện nay tổng số quĩ của CLB hiện có là 7.500.000 đồng. Quỹ của CLB được sử dụng minh bạch, rõ ràng, được bàn bạc thống nhất với mọi thành viên trong CLB. Quĩ được chi vào các việc như: cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi để phát triển sản xuất; thăm hỏi hội viên khi ốm đau, sơ kết, tổng kết, mua phần thưởng động viên các hội viên xuất sắc...
Trong quá trình hoạt động, CLB thường xuyên nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chuyên môn của huyện như: Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật đến tư vấn hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới, hỗ trợ giống, vật tư để xây dựng mô hình.
Thông qua các lớp chuyển giao KHKT, vừa học vừa thực hành đã giúp các hội viên trong CLB cập nhật kịp thời những tiến bộ kỹ thuật mới và vận dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình và của địa phương một cách phù hợp như: chú trọng trong thâm canh bón phân cân đối; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý; phòng trị bệnh kịp thời... nên đã hạn chế được rất nhiều dịch bệnh, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sản xuất theo hướng hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống của hội viên. Thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn như: lúa lai, mạ khay, mạ che nilon, chăn nuôi gà an toàn sinh học, trồng cỏ thâm canh..., đã tạo được niềm tin của người nông dân.
CLB thôn Chè Vè, xã An Thịnh là một tổ chức tự nguyện gồm các hội viên yêu thích tìm hiểu kỹ thuật, là hạt nhân trong việc áp dụng và tuyên truyền KHKT tại thôn, bản, hầu hết các hội viên đều tích cực tham gia hoạt động, biết chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, Ban chủ nhiệm CLB luôn đi đầu trong vệc tuyên truyền, vận động và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Sự nhiệt tình, năng động của các hội viên trong CLB đã có sức lan toả ra cộng đồng, phát huy được vai trò là hạt nhân trong thực hiện KHKT, giúp cho mọi người dân cùng tham gia học hỏi kinh nghiệm và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào thực tế.
Kết quả được thể hiện việc sản xuất tăng vụ mở rộng nhân ra đại trà được nhanh hơn. Do biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thể hiện rõ nét hơn, hạn chế phát sinh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Năng suất, chất lượng sản phẩm được tăng lên rõ rệt. Khi chưa có CLB khuyến nông, năng suất lúa của hội viên đạt là 180-200 kg/sào nhưng đến nay đã tăng năng suất lúa lên từ 230-250kg/sào; sản lượng thịt bán ra thị trường tăng cao hơn 3- 4 tấn so với trước; đàn trâu, đàn lợn tăng về số lượng và an toàn về dịch bệnh; 100% hội viên áp dụng sản xuất cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa cho giá trị kinh tế cao; các tiến bộ trong thâm canh lúa như thực hiện mô hình SRI, chương trình phân viên nén dúi sâu, áp dụng mạ ném, mạ che nilon lúc đầu chỉ có các hội viên trong CLB thực hiện, đến nay đã nhân rộng ra toàn xã.
Lê Thị Hải Yến
Các tin khác
YBĐT-Từ đầu năm đến nay huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác, buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn.
YBĐT - Không khí hào hùng của Mùa thu cách mạng lan toả khắp những công trường xây dựng mà chúng tôi có mặt. Thênh thênh một đại lộ Km5 - Yên Bình, tít tắp cao xa đường Trạm Tấu nối sang Bắc Yên, bên sông cầu Trái Hút vươn mình lớn dậy... Những công trình kết tinh ý chí tự cường của lòng dân, ý Đảng trên con đường xây dựng quê hương Yên Bái giàu mạnh như mong ước của Bác kính yêu...
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Cục Điều tiết điện lực về đề án giảm tổn thất điện năng (TTĐN) giai đoạn 2009-2012. Theo EVN, từ 2004-2008, EVN đã giảm TTĐN từ 12,23% xuống 9,21%. Đặc biệt, năm 2008 nhiều công ty điện lực đã đạt TTĐN ở mức dưới 5% như Đồng Nai (2,42%), Hải Phòng (4,1%), Đà Nẵng (4,39%).
Sức ép tăng giá của đồng USD đẩy giá vàng thế giới tiếp tục lao dốc xuống mức thấp nhất trong 2 tuần qua, kéo giá vàng trong nước sáng nay (18/8) giảm mạnh ngày thứ 3 liên tiếp.