Nậm Búng: Rừng bền vững đang mất an toàn

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xã Nậm Búng (huyện Văn Chấn) có diện tích rừng trên 6000ha và rừng ở đây cũng còn nhiều gỗ. Vì vậy, từ lâu rừng Nậm Búng nằm trong tầm ngắm của lâm tặc cũng như trở thành điểm nóng vận chuyển gỗ lậu. Đặc biệt, từ năm 2008, một số diện tích rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất và giao cho Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn quản lý, tình trạng chặt phá rừng đã nóng hơn, nhất là diện tích rừng thuộc Tiểu khu 433, nằm trong Dự án rừng bền vững. Chủ rừng cũng như chính quyền địa phương gần như bất lực trong công tác quản lý.

Nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ ngổn ngang trong khu rừng bền vững
của xã Nậm Búng.
Nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ ngổn ngang trong khu rừng bền vững của xã Nậm Búng.

Những người dân ở thôn Nậm Pươi đã mấy chục năm gắn bó với rừng đau xót khi thấy hàng loạt cây gỗ to bị đốn hạ. Trong 7 tháng đầu năm 2009, kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 8 m3 gỗ pơ mu. Ngày 20/2/2009 lực lượng kiểm lâm kiểm tra gia đình ông Hoàng Hữu Chuẩn, thôn Trung Tâm xã Nậm Búng phát hiện và thu giữ 3,8 m3 gỗ pơ mu không có nguồn gốc. Điều đáng nói là Hoàng Hữu Chuẩn lại là con trai ông Phó ban công an xã Nậm Búng là Hoàng Hữu Úy. Việc khai thác, phá rừng, vận chuyển lâm sản ở đây không ồ ạt, rầm rộ như những năm trước nhưng diễn ra hàng ngày.

 

Để tận mắt chứng kiến thực trạng rừng ở đây, 7 giờ sáng ngày 13/7/2009 chúng tôi đã vào khu rừng. Sau hơn 3 giờ men theo con đường lâm nghiệp mà người dân gọi là đường Sặt Con, vượt qua nhiều con suối và nhiều dốc, cuối cùng cũng đến được khu rừng thuộc Tiểu khu 433. Không khai thác trắng mà thi thoảng lại thấy một gốc cây đã bị đốn hạ, đống mùn cưa đen sì cùng ngổn ngang bìa bắp gỗ. Nhiều thân cây gỗ to cả người ôm đã được đưa lên bệ chờ xẻ. Thi thoảng lại thấy một, hai người dân mồ hôi nhễ nhại cõng gỗ trở ra bìa rừng. Tiếng chặt gỗ chát chúa vang vọng cả khu rừng. Thi thoảng lại bắt gặp 5 - 7 người đi từ trong rừng đi ra. T. người dẫn đường cho biết đó là người dân thuộc các xã lân cận đi đào gốc, nhặt cành pơ mu còn sót lại để bán! Đào gốc gì, nhặt cành gì mà trên vai vác những thanh, những cục pơ mu vuông thành sắc cạnh thế? Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ngoài số dân tự vào rừng khai thác gỗ về bán, ở đây còn có một đội quân khai thác, vác gỗ thuê cho lâm tặc.

 

Theo một người tự xưng là A Páo ở Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) đi vác thuê được trả 50 nghìn tiền công/ngày. Còn những người tận thu cành gốc thì đem bán với giá 800 đồng/kg. Họ đi làm thuê vì những lúc nông nhàn không có việc làm để kiếm thêm thu nhập. Ban đầu chỉ là tận thu và việc chặt gỗ tươi ngày càng nhiều hơn do một số cán bộ xã, chủ rừng thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ. Dẫu việc khai thác vẫn chưa đến mức “hủy diệt” rừng, nhưng nhân dân xã Nậm Búng rất bất bình và đặt ra nhiều câu hỏi tại sao chính quyền xã,  chủ rừng đều biết, kiểm lâm biết mà không xử lý triệt để mà cứ để tình trạng trên kéo dài?

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Bá Dư-Chủ tịch xã cũng thừa nhận rừng bền vững nhưng đang rất mất an toàn và cho biết xã đang phối hợp với chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn, Trạm Kiểm lâm Bản Dõng để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 

Theo nhiều người dân của xã Nậm Búng thì trước đây diện tích rừng phòng hộ giao cho nhân dân quản lý với tiền giao khoán bảo vệ 27.000 đồng/ha/năm thì rừng được bảo vệ rất tốt. Kể từ năm 2008, sau khi quy hoạch lại 3 loại rừng, trên địa bàn xã Nậm Búng đã có 5.022ha rừng phòng hộ chuyển cho Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn quản lý. Sau khi chuyển đổi sang rừng sản xuất, Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn không nhận được tiền hỗ trợ giao khoán bảo vệ của Nhà nước nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn và diện tích 5.022ha này thuộc Dự án rừng bền vững, là dự án kỹ thuật do CHLB Đức tài trợ. Từ đó đến nay, rừng liên tục bị khai thác, chặt phá bừa bãi.

 

Theo quan điểm của chính quyền và nhân dân ở đây thì họ không nhất trí giao 5.022 ha rừng này cho Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn với lý do trong hơn một năm qua, người dân chưa được hưởng lợi gì từ Dự án rừng bền vững nhưng họ đã mất 300 triệu đồng tiền giao khoán bảo vệ rừng kể từ năm 2008 đến nay. Còn về lâu dài, người dân chưa hiểu Dự án rừng bền vững sẽ đi đến đâu và người dân được hưởng lợi gì? Thực tế, diện tích rừng bền vững chưa phát huy được tác dụng, hiện tượng phá rừng đã xảy ra nhiều hơn.

 

Ông Bùi Văn Dũng - Phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn cho biết:” Kể từ khi Công ty nhận diện tích rừng trên đã không nhận được tiền giao khoán bảo vệ của Nhà nước. Cùng với đó, trong lúc chuyển đổi từ lâm trường sang công ty lâm nghiệp, Công ty gặp nhiều khó khăn. Để giữ rừng, Công ty đã căng sức ra bảo vệ nhưng diện tích rừng rộng lớn trong khi đội quản lý bảo vệ rừng có vẻn vẹn 8 người lại kiêm nhiệm nhiều việc khác nên  không thể bám rừng”.

 

Câu hỏi của người dân đặt ra là, nếu trước đây họ không bảo vệ rừng thì làm sao có diện tích rừng như ngày nay? Những người dân sống gần rừng đã gắn bó với rừng từ bao đời nhưng nay lại không được hưởng lợi từ rừng. Mong muốn của hầu hết của người dân Nậm Búng là muốn tỉnh, huyện thu hồi diện tích rừng này lại và giao cho dân quản lý, bảo vệ vừa giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân mà rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn và muốn giữ được rừng tận gốc thì phải dựa vào dân.

 

Văn Thông

Các tin khác

Tập đoàn Prudential tính đến ngày 31/7/2009, thặng dư vốn IGD (Insurance Groups Directive) tăng cao, đạt mức 3 tỷ bảng Anh so với 2,5 tỷ bảng vào ngày 30/6/2009. Nguyên nhân là do trong tháng 7, Tập đoàn đã hoàn tất việc phát hành trái phiếu (tăng thêm 500 triệu bảng).

Sáng 25/8, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho biết, trong 8 tháng qua, tính cả vốn cấp mới và tăng thêm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,453 tỷ USD, giải ngân vốn FDI đạt 6,5 tỷ USD.

Giá vàng giảm nhẹ

Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất trong 1 tuần qua do đồng USD lên giá đã khiến giá kim loại quý trong nước đảo chiều mất 4.000 đồng/chỉ vào sáng nay (25/8).

Th­ứ trưởng Hứa Đức Nhị kiểm tra vùng măng tre Bát độ xã Kiên Thành (Trấn Yên).

YBĐT - Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - Hứa Đức Nhị sau khi đi xem và kiểm tra vùng phát triển tre măng Bát Độ, mô hình trồng keo tái sinh tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên ngày 23/8/2009.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục